Kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2023):

Những "ngôi sao xanh" nơi cửa biển Thành phố

Thứ Năm, 02/03/2023 22:49

|

(CAO) Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống lực lượng Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2023) và 34 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2023), chúng tôi có dịp đến thăm những người lính biên phòng nơi cửa biển của Thành phố mang tên Bác, để hiểu thêm về các anh, về những dấu chân thầm lặng ngày đêm miệt mài bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, để vùng biển Tổ quốc được bình yên trọn vẹn, nhân dân được sống yên vui, hạnh phúc.

Đó là những cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM đang công tác, chiến đấu trên vùng biển thuộc huyện Cần Giờ - một cửa ngõ vùng biển quan trọng nằm ở phía Đông Nam của thành phố.

Biển Cần Giờ cách trung tâm TPHCM hơn 50km, có chiều dài 23km tiếp giáp Biển Đông. Bên trái (phía Bắc) giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và là hành lang lớn trên biển cho các tàu trong và ngoài nước ra vào cảng Sài Gòn và các cảng khác của Bà Rịa - Vũng Tàu. Bên phải (phía Tây) giáp vùng biển tỉnh Tiền Giang - nơi hạ nguồn cửa biển của sông Soài Rạp đổ về, với lượng phù sa màu mỡ và rất đông các tàu thuyền, ngư dân qua lại.

Vùng biển Cần Giờ rộng hàng ngàn km2 hướng ra Biển Đông, có 66 đảo, cù lao lớn nhỏ, lớn nhất là đảo Thạnh An - được coi như một 'chiến hạm' trên biển, án ngữ bảo vệ Cần Giờ. Với vị trí chiến lược như vậy, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, các đồn, trạm biên phòng dọc theo bờ biển và đảo của Cần Giờ được hình thành, mà tiền thân được gọi là các đồn, trạm Công an vũ trang, thuộc lực lượng Công an nhân dân vũ trang (thành lập từ ngày 3/3/1959).

Lực lượng Bộ đội Biên phòng TPHCM tuần tra nơi cửa biển Cần Giờ

Các đồn Biên phòng ở Cần Giờ được biên chế tổ chức bao gồm: Ban chỉ huy đồn cùng nhiều đội công tác, chiến đấu như: Đội vũ trang, Đội trinh sát, Đội phòng chống ma túy và tội phạm, Đội tàu thuyền, Đội vận động quần chúng, Đội tham mưu hành chính và các trạm kiểm soát Biên phòng có nhiệm vụ kiểm soát các tàu thuyền ra vào trạm.

Huyện Cần Giờ có 3 xã (trong đó có 1 xã đảo) và 1 thị trấn (là trung tâm hành chính của huyện) nằm ở vị trí giáp biển. Đây chính là nơi các đơn vị Biên phòng đóng quân, phiên hiệu của các đồn Biên phòng cũng chính là tên gọi của xã, thị trấn ở Cần Giờ, bao gồm: Đồn Biên phòng Long Hòa - quản lý, bảo vệ vùng biển xã Long Hòa và một phần xã Lý Nhơn giáp ranh; Đồn Biên phòng Cần Thạnh phụ trách địa bàn thị trấn Cần Thạnh - trung tâm huyện Cần Giờ; Đồn Biên phòng Thạnh An nắm giữ địa bàn xã đảo Thạnh An - nằm cách bờ chừng vài chục km và Hải Đội 2 - một đơn vị tàu quân sự cơ động tuần tra chiến đấu trên biển - được xem là "quả đấm thép" của lực lượng Biên phòng TPHCM đóng tại Cần Giờ.

Cán bộ chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tuần tra nơi cửa biển Cần Giờ

Các đơn vị có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tuyến bờ biển dài hàng chục km và vùng mặt biển rộng lớn hướng ra Biển Đông, nơi có nhiều tàu, thuyền qua lại, bao gồm các tàu trong, ngoài nước ra vào các cảng, tàu thuyền đánh cá của ngư dân địa phương và ngư dân các tỉnh đến khai thác hải sản, cùng một lượng tàu thuyền khá lớn khác ra vào cửa sông như cửa Soài Rạp - giáp ranh với tỉnh Tiền Giang, sông Lòng Tàu - giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhiệm vụ của các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng ở nơi đầu sóng - mạch máu giao thông giữa cửa cảng, cửa sông, cửa biển và hải đảo rất quan trọng, khó khăn, vất vả trăm bề. Ngoài việc phải công tác, chiến đấu nơi thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, các anh còn phải đối mặt với nhiều loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển. Trước đây vào những năm của thập niên 80 là hiện tượng vượt biên, vượt biển trái phép, tiếp đó là buôn lậu trên biển, khai thác hải sản trái quy định, hủy diệt môi trường biển... Những năm gần đây là hành vi khai thác cát trái phép diễn ra hết sức phức tạp.

Với tinh thần và ý chí quyết tâm vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, các đơn vị Biên phòng đã liên tục bám biển, kịp thời phát hiện, xử lý và bắt giữ các đối tượng, đẩy lùi được tình trạng khai thác cát trái phép, bảo vệ môi trường biển, chống sạt lở đất, xâm ngập mặn và biến đổi khí hậu. Năm 2022 vừa qua, các đồn Biên phòng và Hải đội đã phối hợp với công an và các lực lượng khác phát hiện, bắt giữ, xử lý hàng chục vụ khai thác cát trái phép với trên 50 đối tượng, phương tiện, tổng số tiền phạt hàng trăm triệu đồng, tịch thu khối lượng cát mặn lớn.

Bộ đội Biên phòng kịp thời phát hiện, bắt quả tang vụ khai thác cát lậu trên biển

Đi đôi với việc ra quân xử lý vi phạm trên biển, bộ đội Biên phòng Cần Giờ còn thực hiện đồng bộ thường xuyên các mặt công tác hàng ngày như: tổ chức tuần tra ven biển, trên biển, các cửa sông, cửa lạch nhằm phát hiện những dấu hiệu nghi vấn hay những hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ và an ninh, trật tự để xử lý kịp thời. 

Chiến sĩ Bộ đội biên phòng hướng dẫn tàu thuyền của bà con cập bến

Công tác trinh sát nắm tình hình địa bàn, phối hợp với lực lượng Công an huyện Cần Giờ, Công an các xã luôn được các đơn vị Biên phòng chú trọng; đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự, sự bình yên trên địa bàn, góp phần tạo môi trường lành mạnh để Cần Giờ phát triển kinh tế du lịch biển. Công tác kiểm soát các tàu thuyền ra vào Trạm kiểm soát Biên phòng luôn được thực hiện chặt chẽ.

Bên cạnh đó, các trạm Biên phòng còn thường xuyên phổ biến pháp luật trên biển, cập nhật dự báo thời tiết, tặng cờ Tổ quốc và các vật dụng bảo vệ đi biển cho bà con ngư dân, nhắc nhở bà con đánh bắt hải sản đúng quy định, đi biển trở về an toàn.

Các chiến sĩ biên phòng tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho bà con

Ở Cần Giờ, các đồn, hải đội Biên phòng từ lâu đã trở thành địa chỉ thân quen tin cậy của chính quyền và nhân dân địa phương. Nhiều năm qua, các đơn vị Biên phòng tổ chức các lớp học tình thương, cử cán bộ, chiến sĩ đi tập huấn sư phạm về dạy chữ phổ cập tiểu học cho con em các gia đình khó khăn chưa có điều kiện đến trường, tổ chức chương trình "Nâng bước em đến trường" chăm sóc, đỡ đầu, hỗ trợ các em mỗi tháng 500 ngàn đồng cùng nhiều học bổng và dụng cụ học tập.

Thực hiện chương trình "Quân dân y kết hợp", nhiều cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã trở thành thầy thuốc để chữa bệnh cho bà con, nhất là ở xã đảo Thạnh An. Danh xưng "Thầy giáo quân hàm xanh" hay "Thầy thuốc quân hàm xanh" từ lâu đã quen thuộc với những người dân nơi đây.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều chương trình hành động mang đậm nghĩa tình quân dân nhằm giúp đỡ vật chất, tinh thần cho đồng bào như: Xây tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chăm lo giúp đỡ các gia đình chính sách, khó khăn, chăm lo Tết cho đồng bào nghèo..., với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, trong đó có phần đóng góp từ tiền lương của cán bộ, chiến sĩ.

Bộ đội Biên phòng tặng quà cho bà con khó khăn

Dấu ấn sâu đậm nhất về người lính biên phòng với người dân Cần Giờ có lẽ là hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ bao lần không quản hiểm nguy, dũng cảm lao mình vào cơn sóng dữ để bảo toàn tính mạng của bà con giữa trùng khơi, cứu tàu thuyền gặp nạn trên biển.

Bao mùa bão tố khiến nhà sập, hư hỏng, người dân sống giữa cảnh màn trời chiếu đất, thì đồn Biên phòng trở thành ngôi nhà thứ hai cưu mang bà con, với những bữa cơm ấm áp cùng niềm an ủi "còn người, còn của". Để rồi sau đó, cũng chính những người lính lại trích quỹ, huy động lực lượng gầy dựng lại từng ngôi nhà, đưa bà con trở lại tổ ấm.

Tàu tuần tra của Hải đội Biên phòng

Những chiến sĩ Biên phòng Cần Giờ được ví như như những "Ngôi sao xanh" nơi cửa biển của TPHCM bởi các anh không chỉ mang quân hàm màu xanh - màu của biển cả quê hương mà phẩm chất và những việc làm của các anh thực sự lấp lánh như những vì sao nơi vùng cửa biển. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang