Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023):

Bài 2: Văn hóa là mục tiêu, là động lực phát triển, là nguồn lực nội sinh

Thứ Sáu, 03/03/2023 19:18

|

(CATP) 80 năm trước, khi Đảng còn hoạt động trong bí mật, chưa giành được chính quyền, đất nước trong cảnh thực dân nửa phong kiến suy thoái trầm trọng, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã được Tổng bí thư Trường Chinh khởi thảo, được Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua tháng 02-1943. Đây là văn kiện đầu tiên của Đảng về văn hóa (VH), khẳng định các hoạt động tư tưởng, học thuật, nghệ thuật bổ sung, chi phối lẫn nhau, tạo nên tổng thể nền VH dân tộc, thể hiện tầm nhìn chiến lược của một Đảng lãnh đạo trong tương lai.

Tầm nhìn chiến lược của Đảng

Trong Đề cương về VH năm 1943, lần đầu tiên Đảng nêu lên ba tính chất của cuộc vận động xây dựng nền VH mới, đó là "dân tộc - khoa học - đại chúng". Ngày 07-9-1945, trong buổi tiếp đoàn đại biểu ủy ban Văn hóa lâm thời Bắc Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: "Cái VH mới này cần phải có tính cách khoa học, tính cách đại chúng thì mới thuận với trào lưu tiến hóa của tư tưởng hiện đại". Trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), Bác Hồ cũng khẳng định phải "xây dựng một nền VH Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng".

Tính dân tộc trong VH thể hiện của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần độc lập, tự cường, tự chủ, tự do của dân tộc trong lĩnh vực VH; thể hiện được cốt cách và tâm hồn con người Việt Nam, đó là truyền thống yêu nước, cần cù, dũng cảm, đoàn kết, thương người..., tức là những gì cao đẹp nhất trong tâm hồn và tính cách Việt Nam trải qua hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước.

Tính khoa học của VH đòi hỏi phải đấu tranh chống lại những gì trái với khoa học, phản tiến bộ; phải truyền bá tư tưởng triết học mác-xít. Đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm thần bí, mê tín, dị đoan. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Nay nước ta đã được độc lập, tinh thần được giải phóng, cần phải có một nền VH hợp với khoa học và hợp với cả nguyện vọng của nhân dân". Người nhắc nhở ngành VH trong việc khôi phục vốn cũ chỉ "nên khôi phục cái gì tốt, còn cái gì không tốt thì phải loại dần ra", không được "khôi phục cả đồng bóng, rước xách thần thánh. Tính khoa học của VH cũng giúp chúng ta tiếp thu nền khoa học thế giới chọn lọc, tiến bộ và có ích, để hội nhập với thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) năm 1961. Ảnh: Tư liệu

Tính đại chúng của VH được xem thuộc về tính nhân dân, đối tượng phục vụ của VH, nghệ thuật phải là nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có tư duy rất khoa học: "Quần chúng là những người sáng tạo, công nông là những người sáng tạo. Nhưng quần chúng không chỉ sáng tạo ra những của cải vật chất cho xã hội. Quần chúng còn là người sáng tác nữa". Từ đó Bác Hồ đặt vấn đề VH phải phục vụ đại đa số nhân dân, phải hướng về đại chúng, phải phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, ý chí của nhân dân. Văn nghệ sĩ phải suy nghĩ câu hỏi: "Viết cho ai? Viết để làm gì?".

Tầm vóc lịch sử của Đề cương về Văn hoá Việt Nam

Yêu cầu "dân tộc, khoa học, đại chúng" là một chỉnh thể thống nhất, ngày càng thấm sâu vào ý thức sáng tạo của các nhà hoạt động VH nước ta, giúp họ sáng tạo nên những tác phẩm tiêu biểu cho nền VH mới. Cho đến thời đại công nghiệp 4.0, VH dân tộc và thế giới có sự thay đổi nhất định về cách diễn đạt nhưng tinh thần cốt lõi của nó không đi ra ngoài ba yếu tố đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên từ những ngày đầu cách mạng.

Trong tiến trình cách mạng nước ta, vấn đề xây dựng một nền VH đậm đà bản sắc dân tộc luôn được chú ý, phát huy những giá trị cốt lỗi của một văn kiện lịch sử - Đề cương về VH Việt Nam. Tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương về VH Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc luôn được áp dụng trong những hoàn cảnh lịch sử, cả phương diện lý luận lẫn thực tiễn, nhằm xây dựng, phát triển toàn diện văn hóa, con người Việt Nam.

Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, phát triển VH là một trong những vấn đề trọng tâm. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng của nước ta, đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực VH, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Văn kiện Đại hội đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền VH và con người Việt Nam, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất".

Đảng ta xem VH vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, là nguồn lực nội sinh. Với tinh thần đó, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm "phát triển VH là nền tảng tinh thần", coi trọng VH trong chính trị và kinh tế, coi trọng giữ gìn và phát huy bản sắc VH dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của VH Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa VH nhân loại. VH gắn với con người, do con người sáng tạo ra nên phát huy vai trò con người, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.

Tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, diễn ra ngày 03-01-2023, về vấn đề phát triển VH xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển VH, xã hội phải hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn; chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn. Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc VH nông thôn, đô thị...; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, VH tốt đẹp; xây dựng nếp sống lành mạnh; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống...

Phát biểu của Tổng Bí thư cho thấy tầm nhìn xa, xây dựng một nền VH mới phải lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. VH, nghệ thuật phải có trách nhiệm trong việc xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ, để hiện thực hóa tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "VH soi đường cho quốc dân đi".

Lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) diễn ra vào tối 28-02-2023, tại Nhà hát Lớn Hà Nội Ảnh: TTXVN

Làm cho Văn hoá thực sự trở thành "sức mạnh nội sinh"

Tiếp tục đường lối VH đó, tối 28-02, phát biểu tại chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, VH là dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ qua thăng trầm lịch sử quốc gia, nhân loại. VH là hồn cốt của mỗi dân tộc, giá trị vật chất, tinh thần mà dân tộc đó sáng tạo ra trong lịch sử. Theo Thủ tướng, 80 năm qua, nhất là gần 40 năm đổi mới, VH dân tộc phát triển, đóng góp to lớn vào công cuộc cứu quốc và kiến quốc. VH Việt Nam thống nhất trong đa dạng, kết tinh giữa bản sắc các dân tộc anh em; ngày càng phát triển mạnh mẽ, gắn với mọi mặt của đời sống; từng bước trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh, những thành tựu nêu trên "có sự kế thừa, phát triển sáng tạo từ Đề cương về VH Việt Nam qua các giai đoạn". Giai đoạn phát triển hiện nay đặt ra không ít thách thức với bảo tồn, phát triển VH, văn nghệ. Những biểu hiện phản VH diễn ra phức tạp; cạnh tranh lĩnh vực VH khốc liệt hơn; việc bảo vệ các giá trị truyền thống đứng trước nhiều thách thức.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp tục làm sáng tỏ những quan điểm và bổ sung nội dung của Đề cương về VH Việt Nam, để VH phải thực sự thấm sâu vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, là sức mạnh của dân tộc. Bên cạnh đó, VH cần được đầu tư thích đáng cả về nguồn lực con người, vật chất.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan cần xác định hệ giá trị quốc gia, VH, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; xây dựng môi trường VH số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để phát triển công nghiệp VH, giải trí có trọng tâm, trọng điểm, chọn lọc và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. "Chúng ta có nghĩa vụ, trách nhiệm, vinh dự được gìn giữ, bảo tồn và phát triển nền VH dân tộc bền vững, phù hợp với xu thế thời đại", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.

Tất cả cho thấy, suốt tiến trình lịch sử của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo, xây dựng và phát triển VH, con người là sự nghiệp lâu dài của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng.

Trong thời đại công nghiệp 4.0, hội nhập ngày càng sâu, VH cũng có tính thế giới phẳng. Điều này mang lại những cơ hội mới nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với công tác bảo tồn, phát triển VH, văn nghệ. Do đó việc chọn lọc, tiếp thu nền VH đa dạng của thế giới cũng là vấn đề rất thời sự. Nhiệm vụ xây dựng một nền VH đậm đà bản sắc dân tộc, tiên tiến, hiện đại, khoa học và đại chúng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, làm cho VH thực sự trở thành "sức mạnh nội sinh", góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là trách nhiệm lớn lao của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị.

(Còn tiếp...)

Bài 1: Đề cương như ngọn đuốc soi đường cho cách mạng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang