Hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển văn hoá
Cho đến nay, Đề cương về VH Việt Nam năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị lý luận và tính thời đại sâu sắc, tiếp tục soi đường cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên con đường hội nhập và phát triển. Đề cương về VH Việt Nam đã làm nền tảng để chúng ta làm giàu bản sắc của dân tộc, là bệ đỡ, tạo sức mạnh nội sinh để đất nước vượt qua muôn vàn thử thách, gian nan, tiến lên theo dòng chảy của lịch sử, hội nhập với thế giới.
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, khi mức độ hội nhập với thế giới ngày càng sâu ở mọi phương diện thì yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển VH cần được đặt ra cấp thiết.
Tại Hội thảo với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển VH" được tổ chức tại Bắc Ninh ngày 17-12-2022, Thường trực Ban Bí thư (nay là Chủ tịch nước) Võ Văn Thưởng đánh giá: Những năm qua, nhiệm vụ xây dựng, phát triển VH, con người Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái được phát huy cao độ, nhất là những thời điểm đất nước khó khăn, thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, vị trí, vai trò của VH chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Môi trường VH có những mặt chưa thực sự lành mạnh.
Ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về VH chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cơ chế, chính sách chưa theo kịp sự phát triển của đời sống xã hội. Do đó, yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển VH được đặt ra cấp thiết. Vì vậy, trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về VH phải quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của VH; thể chế, chính sách phát triển VH vừa phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, coi trọng các yếu tố đặc thù, vừa giữ gìn, kế thừa hồn cốt, các giá trị cao đẹp của VH dân tộc; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa VH thế giới, làm giàu thêm kho tàng VH Việt Nam. Thể chế, chính sách VH phải vừa tạo động lực phát triển VH, con người Việt Nam, vừa để giới thiệu, truyền bá VH Việt Nam với thế giới. Đặc biệt, đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thể chế, cơ chế, chính sách phải chú trọng tính đặc thù, bảo đảm phát triển đúng định hướng của Đảng, đồng thời bảo đảm tự do sáng tạo của cá nhân với mục đích đúng đắn.
Bên cạnh đó, phải tập trung nghiên cứu, xây dựng thể chế, chính sách cho những lĩnh vực mới, như phát triển công nghiệp VH và dịch vụ VH; tiếp thu, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới phục vụ cho phát triển đất nước; ngăn chặn sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động...
Chiến lược phát triển VH đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021 là cơ sở để đầu tư phát triển VH trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn để phát triển văn hoá
Ngày 22-02-2023, tại buổi làm việc với Bộ VHTT&DL, một số bộ ngành, chuyên gia VH về Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển VH giai đoạn 2023-2030, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ VHTT&DL chuẩn bị kế hoạch xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển VH, theo đúng quy trình, thủ tục, báo cáo cấp có thẩm quyền, bảo đảm VH phát triển cân đối, hài hoà với chính trị, kinh tế, xã hội. Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, nhiều vấn đề mới được đặt ra như: VH trong xã hội số, VH môi trường, VH trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trong nhân dân, VH là lực lượng xung kích trong phòng, chống tiêu cực, lãng phí, suy thoái đạo đức, tư tưởng...
Phó Thủ tướng yêu cầu, việc xây dựng Chương trình tổng thể là cấp bách, cần bám sát thực tiễn, nhằm cụ thể hoá các nội dung đã nêu trong các Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị VH toàn quốc năm 2021, trong đó lưu ý 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp cụ thể nhằm thực hiện thành công mục tiêu "Xây dựng, gìn giữ, chấn hưng và phát triển nền VH của dân tộc, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới". "Quan trọng nhất là phải thể chế hoá các nghị quyết, chủ trương của Đảng, tập trung vào tháo gỡ những điểm nghẽn để phát triển VH, nghệ thuật, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu định hướng tư tưởng, chính trị trong tình hình mới" - Phó Thủ tướng phát biểu.
Tiết mục "Cung đàn đất nước" với sự thể hiện của nghệ sĩ Vũ Lê Minh cùng dàn nhạc, trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam
VH không chỉ là nhân tố nội sinh thúc đẩy con người Việt Nam phát triển, hoàn thiện nhân cách mà còn là mục tiêu, động lực thúc đẩy việc tái cấu trúc lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển bền vững đất nước; trở thành nền tảng tinh thần của xã hội ta. Các hoạt động VH mang tính xã hội và là phạm trù rộng liên quan đến nhiều lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn học nghệ thuật, tư tưởng, đạo đức lối sống.
Đầu tư cho VH là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước. Để VH thực sự ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, chúng ta cần bố trí nguồn lực phát triển tương xứng cho lĩnh vực VH, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chiến lược xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, có hiểu biết sâu sắc về lịch sử, truyền thống, VH dân tộc. Kết hợp chặt chẽ các hoạt động VH với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; với giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và kinh tế tri thức. Đầu tư hơn nữa để xây dựng môi trường VH lành mạnh, xem đây không chỉ là cái nôi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách VH và giáo dục nếp sống cho con người, mà còn là bệ phóng để mỗi cá nhân chủ động, tích cực tham gia xây dựng đời sống VH cộng đồng. Đặc biệt xây dựng công nghiệp VH, công nghiệp sáng tạo như là lối đi đột phá, đưa VH thực sự trở thành xung lực, nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
Phát triển văn hoá đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội
"Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn xem trọng vai trò của VH và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng VH trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về VH ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: VH là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển VH đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta...
Đảng ta khẳng định: Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển VH, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí của phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là một tiêu chí của tiến bộ, văn minh.
Đảng ta khẳng định: Trọng tâm xây dựng và phát triển VH là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường VH lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa VH và chính trị, VH và kinh tế; xây dựng VH trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng VH công chức, VH công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đảng ta cũng đã xác định, chủ thể xây dựng và phát triển VH là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo... Như vậy, nhận thức của Đảng ta về xây dựng và phát triển VH trong thời kỳ đổi mới đã từng bước được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện toàn diện và sâu sắc hơn. Đây là tiền đề rất cơ bản để chúng ta quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện trong thực tế".
(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngày 24-11-2022).
(CATP) Trong các nghị quyết của Đảng, luôn yêu cầu Nhà nước cần đầu tư cho văn hóa (VH), yêu cầu phải được đặt ngang hàng với đầu tư cho kinh tế, chính trị, xã hội. Đầu tư cho VH không phải chỉ "tiêu tiền" mà VH còn làm ra rất nhiều tiền và trên hết góp phần lan tỏa VH Việt ra cộng đồng thế giới bằng sức mạnh mềm của chính nó. Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở, căn dặn: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và VH, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Tư tưởng này xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo của Đảng về VH văn nghệ.