Những vụ công ty luật, công ty tài chính uy hiếp, đe dọa nạn nhân để đòi nợ:

Các đối tượng nắm rõ thông tin của người vay bằng cách nào? (kỳ cuối)

Thứ Ba, 07/03/2023 16:38

|

(CATP) Thật ra, không phải chỉ có Công ty luật TNHH Pháp Việt (vừa bị cơ quan điều tra triệt phá mới đây) hoạt động đòi nợ theo kiểu tín dụng đen. Vào tháng 11-2022, qua công tác quản lý địa bàn, Công an Q12 phát hiện có một công ty dùng ĐTDĐ gọi điện đe dọa, thóa mạ người vay tiền và thân nhân, bạn bè, đồng nghiệp của họ. Các đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội để để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của nạn nhân bằng cách cắt ghép hình ảnh có tính chất vu khống, thông tin sai sự thật…, nhằm mục đích thu hồi nợ.

Hưởng lợi từ 25-50% khi đòi được nợ

Từ báo cáo của Công an Q12, Ban Giám đốc Công an TPHCM chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiến hành rà soát, lên danh sách và có kế hoạch đấu tranh, triệt phá. Ngày 19-11-2022, Công an Q12 phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự và một số phòng nghiệp vụ Công an TPHCM ập vào kiểm tra Công ty luật TNHH Power Law (địa chỉ tại P.An Phú Đông, Q12). Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện có 196 nhân viên đang làm việc trên máy tính. Sau khi khám xét, cơ quan Công an đã niêm phong các vật dụng, thiết bị điện tử, đồng thời đưa 83 nhân viên nghi vấn liên quan đến hoạt động phạm tội về trụ sở để làm rõ.

Qua điều tra, cơ quan Công an xác định 35 đối tượng có hành vi sử dụng, cắt ghép hình ảnh với nội dung vu khống, thông tin sai sự thật về người vay tiền và thân nhân, bạn bè, đồng nghiệp của họ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân, nhằm mục đích thu hồi nợ. Khai thác dữ liệu máy tính, thiết bị điện tử của các đối tượng liên quan, cơ quan điều tra xác định có khoảng 300 nạn nhân trên phạm vi cả nước. Đến nay, lực lượng chức năng đã làm việc với 14 nạn nhân, xác định được 13 đối tượng thực hiện hành vi vu khống. Cơ quan CSĐT - Công an Q12 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 13 đối tượng về hành vi vu khống. Trong đó, 11 đối tượng bị bắt tạm giam, 2 đối tượng được tại ngoại, nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú.

Nhân viên của Công ty tài chính Mirae Asset đang cắt ghép ảnh nạn nhân lúc công an ập vào kiểm tra

Thượng tá Phạm Đình Ngọc (Trưởng Công an Q12) cho biết: Công ty luật Power Law chỉ có chức năng tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, số lượng nhân viên rất đông, từ 160 - 200 người. Điều này dẫn đến nghi vấn công ty có hoạt động mờ ám. Qua thâm nhập điều tra, trinh sát phát hiện công ty này tổ chức cho nhân viên nhắc nợ người vay, nhưng bằng cách sai quy định của pháp luật. Theo đó, công ty này mua lại từ ngân hàng, công ty tài chính, app những hợp đồng bị nợ xấu. Sau đó, nhóm lãnh đạo công ty giao cho nhân viên thực hiện thu hồi nợ. Đến nay, ngoài những đối tượng bị khởi tố, Cơ quan CSĐT - Công an Q12 còn mở rộng điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý đối với các lãnh đạo công ty trên.

"Mô hình hoạt động của Công ty luật Power Law không phải theo kiểu tín dụng đen truyền thống mà là biến tướng trên không gian mạng. Công ty còn mua lại nợ xấu, nhận hợp đồng của các ngân hàng để đòi nợ, với mức hưởng lợi rất lớn, từ 25-50%. Các nhân viên đòi nợ theo 3 cấp độ. Cấp độ thấp nhất là nhắc nợ qua nhắn tin thông thường, cấp độ 2 là nhắn tin đe dọa, cấp độ 3 là cắt ghép hình ảnh nhạy cảm để khủng bố tinh thần người vay..." - Thượng tá Dương Đình Lập (Phó trưởng Công an Q12) cho biết.

Triệt tận gốc các công ty đòi nợ kiểu tín dụng đen

Hiện nay, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tín dụng đen ngày càng tinh vi, gây không ít khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Sau khi lực lượng Công an trấn áp mạnh, các băng nhóm tín dụng đen chuyển từ hình thức rải tờ rơi để cho vay trực tiếp sang cho vay qua app trên ĐTDĐ. Các đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo rầm rộ, dụ dỗ người có nhu cầu vay tiền liên hệ hỏi vay; đặt ra nhiều loại "phí dịch vụ” để cắt xén tiền từ các khoản vay. Nhiều người bị vướng vào nợ nần chồng chất do vay nợ qua app, do từ đầu họ không hề nghĩ rằng thực tế lãi suất từ 2,5-5%/ngày, thậm chí 900-2.000%/năm.

Cơ quan điều tra khám xét văn phòng của Công ty tài chính Mirae Asset trên đường Hoàng Diệu (quận 4)

Đặc biệt, khi nạn nhân mất khả năng chi trả, các đối tượng "bán" khoản nợ cho các công ty tài chính, công ty luật để đòi nợ. Phía các công ty tài chính, công ty luật dùng nhiều thủ đoạn để gây sức ép với người vay và thân nhân, bạn bè, đồng nghiệp của họ; từ nhắn tin, gọi điện đe dọa, đến ném chất bẩn, sơn, thậm chí bắt giữ người vay, tra tấn buộc trả nợ cho bằng được.

Theo Đại tá Trần Văn Hiếu (Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an TPHCM), ngày 04-11-2022, các đơn vị nghiệp vụ của Công an TPHCM kiểm tra hành chính văn phòng Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset (Việt Nam), gọi tắt là Công ty tài chính Mirae Asset, tại cao ốc H3, số 384 Hoàng Diệu (P6Q4). Quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định, Công ty tài chính Mirae Asset là công ty nước ngoài, có trụ sở chính ở Việt Nam tại Q1, do L.J (quốc tịch Hàn Quốc) làm Tổng giám đốc. Công ty này được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép thành lập, có chức năng cho vay, gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng.

Từ ngày 01-8-2016 đến tháng 11-2022, Công ty tài chính Mirae Asset thuê văn phòng tại lầu 4, cao ốc H3, số 384 Hoàng Diệu để hoạt động thu hồi nợ. Khi vay tiền, khách hàng phải cung cấp thông tin của bản thân và người thân. Lãi suất từ 4,58%/tháng, tương đương từ 55%/năm, dưới hình thức trả góp hàng tháng. Đến hạn thanh toán, bộ phận thu hồi nợ sẽ chia khách hàng theo cấp độ thời gian nợ để đòi. Nếu nợ từ 1 - 89 ngày, nhân viên dùng phần mềm gọi nhắc nợ khách hàng và người thân theo cách thông thường. Nếu nợ từ 90 - 179 ngày, nhân viên sử dụng phần mềm để gọi điện, nhắn tin liên tục, nhắc nhở khách hàng hoặc người thân tác động họ trả nợ. Nếu nợ từ 180 ngày trở lên (chia thành 2 nhóm), nhân viên sử dụng điện thoại, tài khoản mạng xã hội gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt ghép hình ảnh người vay và thân nhân họ vào bảng cáo phó, đám tang, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn nợ, cảnh báo lừa đảo...

Lực lượng Công an TPHCM khám xét trụ sở Công ty luật Power Law

Qua thu thập chứng cứ, tài liệu, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam 13 đối tượng làm việc cho công ty trên về hành vi vu khống, gồm: Nguyễn Ngọc Thắng, Đỗ Trọng Đạt, Trịnh Ngân Bình, Phạm Hùng Dương Lâm, Nguyễn Thị Ngọc Thảo, Nguyễn Trung Tín, Đỗ Thanh Tùng, Phạm Thị Bích Trang, Nguyễn Công Nghĩa, Phạm Nguyễn Ngân Hà, Nguyễn Công Tuấn, Lê Sanh, Trần Minh Tiến.

Gieo rắc phiền phức, sợ hãi cho nạn nhân

Đại tá Trần Văn Hiếu cho biết, kết quả điều tra cho thấy lãnh đạo Công ty tài chính Mirae Asset đã cố tình làm ngơ, dung túng, để nhân viên thu hồi nợ sử dụng các hành vi vi phạm pháp luật, yêu cầu cả người thân của người vay phải trả nợ thay. Ngoài tiền lương mỗi tháng, các nhân viên thuộc bộ phận thu hồi nợ còn nhận được thêm 30% trên tổng số tiền nợ đòi được. Các nhân viên đòi nợ đã tìm hiểu trước thông tin về thân nhân, lãnh đạo công ty... nơi người vay làm việc rồi liên hệ, gây sức ép, chửi bới, đe dọa, buộc phải tác động để người vay trả nợ hoặc trả nợ thay. Nhóm này còn cắt ghép hình với nội dung nhục mạ, gửi tới gia đình, hàng xóm, công ty của người vay để uy hiếp, khiến các nạn nhân sợ hãi, hoang mang.

Đại tá Lê Hoàng Châu (Trưởng Công an Q1) cho rằng thủ đoạn của Công ty tài chính Mirae Asset là bất hợp pháp. Qua điều tra ban đầu, cơ quan chức năng đã xác định hành vi vi phạm và mời 26 nhân viên của công ty này về trụ sở để làm rõ. Khám xét nơi làm việc của các nhân viên công ty này, lực lượng chức năng phát hiện chứa thông tin, tài liệu có dấu hiệu phạm tội vu khống. Đến nay, Công an Q1 và Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TPHCM đã làm việc với 33 nạn nhân để làm rõ tài liệu, chứng cứ, nhằm điều tra mở rộng vụ án. Cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra, xem xét trách nhiệm pháp lý của lãnh đạo công ty này.

Công an TPHCM tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp, đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý, đánh mạnh vào hoạt động phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, phát hiện ngay từ sớm, không để phát sinh hành vi phạm tội nghiêm trọng khác có nguyên nhân từ tín dụng đen. Song song đó, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tới người dân về phương thức, thủ đoạn, tác hại của tín dụng đen, giúp người dân phòng tránh rơi vào bẫy của các đối tượng. Lực lượng Công an TPHCM còn kiểm tra hành chính các cơ sở, doanh nghiệp nghi vấn liên quan đến hoạt động tín dụng đen, nhằm triệt tận gốc các đối tượng cho vay lãi nặng, đòi nợ có tính chất côn đồ, trái pháp luật.

Vụ gọi điện “khủng bố” để đòi nợ: Các đối tượng nắm rõ thông tin của người vay bằng cách nào?
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang