Tận diệt chim trời:

Kỳ cuối: Chung tay bảo vệ “sứ giả bầu trời”

Thứ Năm, 02/03/2023 21:03  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Nhằm ngăn chặn tình trạng săn bắt, mua bán chim trời rầm rộ, các địa phương đã tăng cường tần suất kiểm tra, thành lập các đội tuần tra lưu động, thậm chí là lên phương án đóng cửa các điểm kinh doanh lén lút...

Chợ chim trời quy mô lớn tồn tại lâu năm ở thị trấn Thạnh Hoá (Long An).

Xoá chợ chim lớn nhất miền Tây

Tại khu phố 3, thị trấn Thạnh Hoá, huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An từ lâu đã tồn tại chợ chim trời lớn nhất miền Tây (còn gọi chợ Nông sản). Chợ chim có vị trí đắc địa, nằm tại điểm giao giữa đường đi từ TPHCM và huyện Đức Hòa, TP.Tân An của tỉnh Long An với vùng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, An Giang) và khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Chợ này có hàng chục tiểu thương chuyên bán chim trời.

Từ QLN2 rẽ vào chợ chim, ngành chức năng tỉnh Long An bố trí tấm bảng lớn với nội dung: “Hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi nhốt, buôn bán trái phép chim và các loài động vật hoang dã, động vật rừng không có nguồn gốc thì có thể bị phạt tù đến 15 năm” nhưng chợ chim vẫn luôn có khách, đặc biệt vào các ngày cuối tuần.

Theo ghi nhận của phóng viên, hàng chục ki-ốt ở chợ chim này bán các loại chim đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười như: le le, cuốc, chằng nghịch, vạc, cúm núm, ốc cao, cò, đại bàng, rắn, chuột đồng… Các chủ hàng bán từ chim non mua về nuôi cảnh đến chim lớn mua về để làm thịt. Ông Trung (hộ kinh doanh tại chợ) cho biết: “Chim trời này một phần thu mua từ các tỉnh, một phần được chở từ Campuchia sang. Giá mỗi loại từ 100 ngàn đến 3 triệu đồng. Nói chung buôn bán ở chợ chim này sống được”.

 Những con chim còn sống, khoẻ mạnh được nuôi nhốt để bán phóng sinh.

Theo thống kê của UBND huyện Thạnh Hoá, tại chợ Nông sản có 22 hộ dân mua bán động vật hoang dã. Bên cạnh việc mua bán các loài có nguồn gốc nuôi hợp pháp thì một số vẫn lén lút mua bán động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp, nhất là chim trời. Kết quả kiểm đếm tại chợ này thời điểm thống kê có 2.638 con, với tổng trị giá hơn 882 triệu đồng.

Trước tình trạng mua bán trái phép, không đảm bảo môi trường, mỹ quan và các quy định của pháp luật gây bức xúc, UBND tỉnh Long An đã tổ chức cuộc họp “bàn về giải pháp quản lý, kiểm soát kinh doanh động vật hoang dã trên địa bàn huyện Thạnh Hóa” với sự tham dự của lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công thương, Chi cục Kiểm lâm, Công an tỉnh, Cục quản lý thị trường, UBND huyện Thạnh Hóa.

Theo đó, ông Phùng Anh Tuấn (Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa) đề xuất thu mua lại từ các tiểu thương tất cả các loài chim, rắn nằm trong danh mục cấm động vật rừng. Sau khi thu mua, chính quyền sẽ hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề cho các tiểu thương, hộ kinh doanh. UBND huyện Thạnh Hóa sẽ yêu cầu chủ đầu tư chợ Nông sản - trạm dừng chân Thạnh Hóa không cho phép chủ các gian hàng bán động vật trong khu vực chợ, ngoài trừ chuột đồng và gia cầm thông thường.

Ông Nguyễn Minh Lâm (Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An) đồng ý giải pháp đề xuất của UBND huyện Thạnh Hóa và chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở NN&PTNT và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát lại chủ trương đầu tư trạm dừng chân Thạnh Hóa và nếu cần thiết sẽ điều chỉnh để thực hiện theo phương án đề xuất của UBND huyện Thạnh Hóa đối với tương lai của chợ chim lớn nhất miền Tây.

Theo phương án được phê duyệt, chính quyền địa phương vận động mạnh thường quân mua phóng sanh tất cả các loài chim thông thường và chim cảnh, các loài thuộc danh mục cấm với tổng nguồn kinh phí gần 1,7 tỷ đồng, trong đó mua các loại chim hơn 882 triệu đồng, các loài động vật khác 720 triệu đồng và hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 22 hộ tiểu thương với số tiền 88 triệu đồng.

Lập đội chống “cò tặc”

Rừng tràm Trà Sư (thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) không chỉ có tầm quan trọng quốc tế trong bảo tồn đất ngập nước ở Đồng bằng sông Cửu Long mà còn là ngôi nhà chung của nhiều loài chim, động vật hoang dã và thủy sinh vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.

Theo Ban Quản lý rừng tràm Trà Sư, đây là nơi trú ngụ của hơn 70 loài chim, 11 loài thú, 140 loài thực vật, trong đó có 2 loài chim quý hiếm (giang sen, điêng điểng) và một loài thú (dơi chó tai ngắn) đã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam. Hiện nay xung quanh rừng tràm này hay các chợ lân cận, như: Chi Lăng, Nhà Bàng, Voi vẫn có nhiều quán nhậu với mồi nhậu là chim, cò. Nhu cầu quá lớn nên các “cò tặc” ngày càng lộng hành.

Chim, cò được bày bán công khai.

“Cò tặc” hiện nay đến từ nhiều xã, như: Văn Giáo, Thới Sơn, Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên) và xã Ô Long Vĩ (huyện Châu Phú). Các nhóm này đi từ 3 - 5 người để thay phiên hoạt động cả ngày lẫn đêm. Họ thường mang theo công cụ, gồm: túi gai, ná, đạn bi... Vào mùa chim sinh sản, không khó để bắt gặp cảnh tượng chim, cò bị bắn chết nằm trên những tán cây hay trôi theo dòng nước cùng với hàng trăm quả trứng chim bị dập vỡ, trôi nổi.

Trước tình trạng này, đầu năm 2020, Ban Quản lý rừng tràm Trà Sư đã thành lập đội chống “cò tặc” gồm 8 người, thường xuyên tuần tra, canh gác cả ngày đêm.

Theo một nhân viên quản lý cho biết: “Cò tặc” thường đi thành từng nhóm, mang theo các phương tiện săn bắt, hoạt động không kể ngày đêm, còn cử người theo dõi, canh gác, thậm chí đe dọa cả đội tuần tra. Vạc là loài chim bị săn bắt nhiều nhất, khiến số lượng các loài vạc ở rừng gần đây giảm mạnh.

Nhiều lần các thành viên bảo vệ đã “giáp lá cà” với nhóm “cò tặc”, họ chống trả quyết liệt bằng cách dùng ná bắn lại. Sau khi bị đuổi ra khỏi rừng, nhóm này còn kéo đồng bọn xuống nhà của thành viên trong lực lượng tuần tra đe dọa. Dù vậy, đội chống “cò tặc” vẫn được duy trì và đến nay đã phát huy hiệu quả đáng kể.

Nhằm tăng cường công tác bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư; ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn, bắt tận diệt, phá hủy sinh cảnh của các loài chim hoang dã, di cư ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn đã ký văn bản gửi các sở, ban ngành thực hiện tốt các nội dung Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17-5-2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư, đặc biệt vào mùa chim di cư (từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau).

Sở Công Thương chủ động phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý, kịp thời xử lý các hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, kịp thời xử lý các hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư và các công cụ bẫy, bắt chim (lưới, bẫy, linh kiện lắp ráp súng tự chế, súng săn…).

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở trong tỉnh thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim hoang dã, di cư; tuyên truyền để người dân không tham gia các hoạt động săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư...

Ông Lê Hữu Tài (Phó phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An) cho biết: Trong thời gian qua, qua công tác kiểm tra của ngành chuyên môn vẫn còn xảy ra tình trạng các tiểu thương lén lút mua bán trái phép động vật hoang dã tại chợ Nông sản. Lúc cao điểm, nhiều đối tượng còn cử người canh lực lượng để thông báo cho nhau khi đoàn đi kiểm tra. Với quan điểm xử lý nghiêm, huyện lập các đoàn kiểm tra liên ngành với tầng suất 2 lần/ngày và mở các đợt cao điểm xử lý. Kết quả là năm 2020, phát hiện và xử lý 14 vụ, phạt 30 triệu đồng, tịch thu 659 con, trong đó có 3 chim cú, 80 cò ruồi, 40 chim cu gáy… Năm 2021 phát hiện 7 vụ, xử phạt 80 triệu đồng, tịch thu 165 con, trong đó có 52 chim mỏ ác, 14 chim trích, 7 con gà nước… Năm 2022, phát hiện 7 vụ, tịch thu 215 cá thể, trong đó có 21 con lửa lùn, 68 con rẽ giun, 20 con sáo sậu…

Tại tỉnh Hậu Giang, mới đây, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tiến hành kiểm tra tại chợ Ngã Bảy (thuộc TP.Ngã Bảy) phát hiện 5 điểm mua bán động vật rừng trái phép. Cụ thể phát hiện 38 cá thể chim các loại: cuốc, ốc cao, cò đỏ và 12kg rắn thông thường.

Kỳ 2: Những người
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang