Trước tình trạng này, ở đâu đó tại miền Tây, một số cá nhân tuy không mấy khá giả vẫn ra sức giải cứu, bảo vệ bằng nhiều hình thức khác nhau. Họ được xem là những “cứu tinh” của chim trời.
Chị Hà Thị Mai Lan đang “giải cứu” chim trời được bán ven đường.
Chuyên giải cứu động vật hoang dã
Sinh ra ở vùng nông thôn nên tuổi thơ luôn gắn với các loại động vật hoang dã. Do đó khi điều kiện kinh tế có phần dư giả, chị Hà Thị Mai Lan (hiện đang ngụ phường Mỹ Bình, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã có ý tưởng xây dựng cơ sở để cứu trợ chó, mèo, chim cò... Biết được trên địa bàn huyện An Phú có nhiều điểm buôn bán nên ngày cuối tuần, chị cùng bạn đã lái xe lên với hy vọng giải cứu được càng nhiều càng tốt.
Trưa ngày đầu tháng 2, chúng tôi ghé Trung tâm Thương mại Khánh An (xã Khánh An, huyện An Phú) vì được người dân chỉ dẫn nơi đây là chợ chuyên buôn bán rắn, rùa, chim cò mà phần lớn được đánh bắt ở các cánh đồng biên giới hoặc bên Campuchia chở sang.
Sau dò hỏi nhiều điểm, một tiểu thương cho biết nay ngày rằm (ngày 15 của tháng âm lịch) nên một số người đã mua hết để phóng sinh. Do đó, thấy một điểm khác có bán 8 con rùa nên chị Lan đã quyết định mua hết với giá gần 2,5 triệu đồng.
Ngược về TP.Châu Đốc, vừa đến chân cầu Cồn Tiên (thuộc xã Đa Phước, huyện An Phú), chúng tôi phát hiện một địa điểm đang bán chim trời. Lúc này, một người phụ nữ tầm 40 tuổi giới thiệu và chào giá: “Đây là vạc và vịt trời được đánh bắt ngoài tự nhiên. Vạc thì 150 ngàn đồng/con, còn vịt trời thì 300 ngàn đồng/con”.
Dù biết bán với giá cao nhưng với mục đích “giải cứu” nên chi Lan đã bỏ ra số tiền hơn 1,5 triệu đồng để mua hết 2 con vạc và 5 con vịt trời. Cho biết ý định đối với số rùa và chim trời vừa mua được, chị Lan chia sẻ: “Số con vật trên sẽ được đem về khu vườn nhà ở quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) để thả phóng sinh. Hy vọng không có con nào chết và tiếp tục sinh sản”.
Chia sẻ về hành động của chị Lan từ trước đến giờ, anh Cường cho biết: “Nhiều năm quen biết, tôi thấy chị Lan rất thương yêu các loài động vật. Hay tin ở đâu có chim, cò bị bán là chị tìm đến để mua về thả ra ngoài tự nhiên. Theo tôi biết đến nay chị đã giải cứu hàng trăm lần rồi…”.
Lão nông Hai Chìa ngày ngày ra sức bảo vệ chim, cò trong vườn.
Dành đất bảo vệ chim trời
Cách nay hơn chục năm, vườn nhãn rộng 25 công cho trái sum xuê, mỗi năm đem về nguồn thu nhập hơn trăm triệu đồng. Một ngày nọ, đàn chim trời lũ lượt kéo về trú ngụ. Từ đó, lão nông Lê Văn Chìa (Hai Chìa, 77 tuổi, ngụ ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) bấm bụng bỏ vườn để níu giữ đàn chim. Từ người chẳng mấy giàu có, nhưng lại có quyết định táo bạo nên nhiều người gọi lão nông này là “điên”.
Vợ chồng lão nông Hai Chìa có căn nhà nhỏ, đơn sơ nằm ven mé ruộng trong ấp. Ông Hai Chìa kể: Khu vườn trồng các loại nhãn cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Nhờ nó mà 3 người con trai của ông được học hành tử tế. Năm 2006, một đàn vạc hơn trăm con bay về vườn trú ngụ, dần dà có thêm đàn cò, còng cọc… kéo về ngày một đông.
“Ban đầu, tôi thấy làm lạ và chạy ra xem đàn chim bay lượn trên trời cao vút, rồi bỗng cắm đầu đáp xuống vườn cây trông rất đã mắt. Vài tháng sau, đàn chim tăng số lượng lên đến hàng ngàn con. Chiều tối là vạc bay đi, rạng sáng là còng cọc, chúng luân phiên thay nhau giữ tổ để đi kiếm mồi thấy vui mắt lắm” - lão Hai Chìa nhớ lại.
Ban đầu, ông Hai Chìa cũng ra sức xua đuổi đàn chim nhưng chúng chẳng chịu đi. Lúc này, lão nông về bàn bạc với các con để giữ chúng ở lại. Từ đó, 3 người con và đứa cháu đành bỏ nhà lên Bình Dương làm ăn. Ở nhà, lão Hai Chìa quyết định bỏ hoang khu vườn cây ăn trái cho bầy chim trời trú ngụ. Mọi chi tiêu phải nhờ tiền phụng dưỡng từ con cái, nhưng lão cũng bấm bụng bỏ ra hàng chục triệu đồng mua lưới, dây về bao hết khu vườn nhằm chống người săn bắt.
Đàn chim cò trong vườn ông Hai Chìa.
Một người thân ông Hai Chìa kể: “Cứ mỗi lúc ăn cơm chiều mà thấy đàn chim bay về là ông quăng chén đũa bỏ chạy ra vườn. Lũ chim ở lại vườn thì thấy tiếc của nhưng đuổi đi thấy buồn”.
Sau cuộc trò chuyện, lão nông Hai Chìa dẫn chúng tôi đi một vòng khu vườn cây ăn trái mà bây giờ đã trở nên khá rậm rạp chẳng khác nơi bảo tồn. Tiến vào bên trong rất nhiều âm thanh: “en éc”, “oạc oạc”… của những đàn còng cọc, cò, vạc. Đi đến đâu bầy chim vụt bay lên xào xạc tới đó, có lúc đông tới nỗi đen cả vùng trời.
Để bảo vệ đàn chim khỏi bị săn bắt, ông Hai Chìa dựng một căn chòi trên nóc nhà của người cháu bỏ lại để tiện việc quan sát. Chỉ tay dọc theo khu vườn, ông Hai Chìa cười nói: “Thấy vậy chứ không dễ ăn, ở đây đầy bẫy, trộm vào là tôi biết ngay”.
Bẫy mà lão Hai Chìa nói thực ra là 2 sợi dây bao quanh khu vườn, chúng được đấu nối vào các lon sữa bò đặt sát nhà. Khi có trộm vào săn bắt chim vướng vào dây là bên trong nhà lon sẽ phát ra tiếng báo động. Ngoài ra, lão Hai Chìa còn dùng cành cây khô và lá đặt bẫy để dễ phát hiện nếu có người xâm nhập. Mỗi lần phát hiện có người vào bắt chim, lão nông chẳng ngại tuổi tác, mưa gió ra sức bảo vệ.
Thời gian rảnh rỗi, ông Hai Chìa còn hay ra sông đặt dớn bắt tôm cá về đổ vào khu vườn. Ông Sơn Khen (89 tuổi, ngụ cùng địa phương) nói: “Thời buổi bây giờ, chim cò bị săn bắt khủng khiếp để làm mồi nhậu, hay đem bán ngoài đường thì ở xứ này lại có một vườn chim hoang dã kêu ríu rít. Mỗi lần đi ngang qua vườn của Hai Chìa, tôi ngỡ như mình đang sống ở cái thời mới khai hoang”.
Theo lão nông Hai Chìa, nguồn sống của ông dựa vào sự giúp đỡ của các mạnh thường quân. Hiện con cái làm ăn xa, vợ vừa mất nên giờ đây ông chỉ còn một mình nhưng vẫn cố sức bảo vệ chim trời trú ngụ trong vườn.
Ông Hai Chìa mong mỏi: “Giờ đây tôi đã tuổi cao sức yếu, trong khi đó số lượng chim trời không ngừng tăng. Ước nguyện cuối đời của tôi là có ai đó cùng hợp tác để bảo vệ khu vườn, những đàn chim trú ngụ…”.
Một cánh đồng ở miền Tây xuất hiện nhiều cò.
10 năm kéo xe, mua lúa, nuôi chim
Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Chương (60 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Ông Chương kể, năm 1995, sau thời gian dài đi làm thuê làm mướn, ông tích cóp được một số tiền và quyết định chuyển sang nghề bán cây kiểng dạo.
Đầu năm 2012, trong một lần đẩy xe đi bán trước cửa bưu điện thuộc phường An Hội, quận Ninh Kiều, ông ghé góc đường gần đó nghỉ ngơi. Tình cờ thấy chim bay đáp xuống kiếm ăn nên ông lấy miếng bánh bò trên tay xé ra rải xuống. Ngày qua ngày, đàn chim kéo tới đông hơn. Để đổi khẩu phần ăn hàng ngày cho chim, ông mua thêm bánh mì cắt vụn, kèm theo đó là lúa, mè trắng rang muối. Đến nay nơi đây có hơn 100 con chim sẻ và bồ câu.
Có mặt tại đây, chúng tôi thấy sau khi lấy chổi quét rác, ông Chương lấy 2 bọc lúa và gạo rải ở 2 chỗ riêng biệt. Sau đó, ông ngắt bánh bò thành từng mảnh nhỏ vừa miệng của chim, rồi búng đều trên vỉa hè. Khi ông huýt gió, những con bồ câu, chim sẻ đậu gần đó bay sà xuống mổ tới tấp thức ăn.
Mỗi ngày đàn chim được cho ăn 3 cữ. Tiền thức ăn cho đàn chim mỗi tháng cũng tốn hơn 600 ngàn đồng. “Chỉ khi ăn no, chúng mới bay đi. Gắn bó lâu biết ý, chưa đủ lúa là chúng cứ đậu gần đó đợi, mình cũng sợ chúng bỏ đi nên bữa nào cũng phải canh chừng cả đàn được no mới thôi” - ông Chương kể.
Suốt 10 năm gắn bó, ông Chương và đàn chim như hiểu rõ về nhau, vừa trò chuyện, ông vừa chỉ tay kể tỉ mỉ. Theo ông Chương, tiền kiếm được từ bán cây kiểng dạo chỉ khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng, trong khi đó trừ chi phí nhà trọ, sinh hoạt còn dư bao nhiêu là người này đều dồn hết vào việc mua thức ăn cho “đàn con” của mình.
Một số người chưa hiểu còn chê trách ông vì nhà chưa có mà lại làm chuyện khác người. Nhưng đối với không ít người họ đã quen với hình ảnh người đà ông mặc áo thun bạc màu, quần tây xắn lên quá gối, khuôn mặt sạm đen ngồi cho chim trời ăn tỏ ra mến mộ.
Anh Nguyễn Duy Tân (ngụ quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cho biết: “Lúc đầu tôi cũng lấy làm lạ vì việc làm của ông, nhưng dần dà thấy chim đến ăn càng nhiều mà được chăm sóc nên vô cùng cảm phục. Hành động nuôi chim trời của ông Chương ít ai làm được”.
Theo thói quen, mỗi lần thấy những kẻ cầm súng săn là ông Chương chạy đến ghi biển số xe, rồi điện báo cho cơ quan chức năng. Với ông, chim trời là một phần của cuộc sống, thật đáng trân quý.
(Còn tiếp...)
(CATP) Các tỉnh miền Tây Nam bộ đang vào mùa lúa chín. Đây cũng là thời điểm các tay “thợ” đua nhau giăng bẫy săn bắt chim trời, bất chấp quy định của pháp luật.