Sử dụng "bó hoa tiền" làm quà, coi chừng vi phạm pháp luật

Thứ Ba, 07/03/2023 16:45  | Xuân Tình

|

(CATP) Thời gian gần đây, vào các dịp lễ tình nhân 14-02, Quốc tế Phụ nữ 08-3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10..., nhiều cửa hàng kinh doanh hoa đã sử dụng tiền kết thành bó hoa để phục vụ khách hàng (KH). Bó hoa tiền này đáp ứng được nhu cầu về vật chất lẫn tinh thần, được nhiều KH lựa chọn. Tuy nhiên, việc sử dụng tiền để làm hoa cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.

Hoa tươi là món quà đầy ý nghĩa vào những dịp lễ, qua đó thể hiện tấm lòng của người tặng. Nhưng khi bó hoa bằng tiền (những tờ tiền mới dán băng dính vào các que cố định, cuộn tròn và gắn kết lại tạo thành) được nhiều người sử dụng thì những bó hoa tươi thuần khiết rơi vào tình trạng bị xao lãng. Hoa bằng tiền rất đa dạng: bó hoa được tạo nên từ những tờ tiền cùng mệnh giá hoặc khác và đan xen vào đó là một ít hoa tươi để tránh "phô”.

Trao đổi với chủ một shop hoa trên đường Lê Thị Hà, thị trấn Hóc Môn, TPHCM, chúng tôi được biết bó hoa bằng tiền thường được làm khi có người đặt và tùy nhu cầu của khách mà cửa hàng sẽ đổi tiền mới để thực hiện và khách phải đặt cọc trước. Giá bó hoa bao gồm số tiền trên đó cùng các chi phí khác (công, ship, hoa tươi trang trí...).

Thời gian đầu, những bó hoa tiền này được thực hiện với những tờ tiền mệnh giá nhỏ, xen lẫn vào đó là hoa tươi. Nhưng càng về sau, bó hoa đã được tạo bởi những tờ tiền mệnh giá cao, thậm chí một số khách còn đặt làm cả bó hoa bằng tiền nước ngoài.

Gần đến dịp lễ, những bó hoa tiền thường được tung lên các trang mạng để chào mời khách

Trên thực tế, công an đã phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở một số hộ kinh doanh thực hiện đúng quy định pháp luật về việc bảo vệ tiền Việt Nam (VN); trong đó đặc biệt lưu ý hành vi làm hỏng, rách, nhàu nát dẫn đến việc gặp khó khăn trong kiểm, đếm, cũng như khiến tờ tiền không có giá trị lưu thông.

Quyết định 130/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền VN nêu rõ 4 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hủy hoại tiền VN bằng bất kỳ hình thức nào. Ngoài ra, theo khoản 3 điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng: mức phạt từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại, phá hoại tiền VN và có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện theo quy định; trường hợp nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, việc làm bó hoa bằng tiền VN dẫn đến tiền bị hủy hoại (cắt, xé, dán) sẽ vi phạm pháp luật. Vì mục đích kinh doanh mà dẫn đến hậu quả trên có thể bị phạt đến 30 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đến 20 năm tù.

Bình luận (0)

Lên đầu trang