Dư luận "dậy sóng"
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội và cơ quan báo chí thông tin về việc khi khách hàng giải ngân vay vốn tại một số ngân hàng thì nhân viên ngân hàng lại yêu cầu mua gói bảo hiểm rồi mới giải ngân. Có 2 trường hợp đặt ra mà theo ông T.T.N (50 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) phản ánh đến Chuyên đề Công an TPHCM: Ông xin vay vốn tại ngân hàng 300 triệu đồng, với việc hoàn thành rất nhiều thủ tục vay như tài sản thế chấp, chứng minh thu nhập, chứng minh mục đích vay... và ký hợp đồng vay. Tuy nhiên, thủ tục khá nhiều công đoạn, chạy đi nhiều nơi tốn thời gian hơn một tuần rồi đến khi chờ giải ngân.
Nhưng khi chờ đợi được giải ngân vay vốn, nhân viên ngân hàng lại yêu cầu mua gói bảo hiểm (hơn 10 triệu đồng). Vì không có nhu cầu mua bảo hiểm vào thời điểm này nên ông N. từ chối. Trường hợp nhân viên ngân hàng đưa ra do ông N. vay vốn với tiền lãi như vậy "là đã ưu đãi" nên phải mua gói bảo hiểm. Trường hợp thứ hai, ông N. không đồng ý mua gói bảo hiểm, thì lãi suất tính khác (cao hơn) lãi suất theo hợp đồng tín dụng mà ông N. đã ký (!?). Như rơi vào thế kẹt, ông N. rất bức xúc với cách tư vấn tín dụng khi tìm đến ngân hàng để vay.
Bên cạnh đó, theo phân tích của một chuyên gia về ngành ngân hàng, các TCTD có giấy phép kinh doanh về các loại sản phẩm dịch vụ là đại lý bán bảo hiểm, họ liên kết với các công ty bán bảo hiểm nhằm lồng ghép bán sản phẩm. Là mục đích tốt, nhưng đối với những khách hàng có nhu cầu vay vốn ngân hàng, lại không muốn mua sản phẩm bảo hiểm nên đây mới là vấn đề. Ngay từ khi tư vấn cho khách hàng, nhân viên ngân hàng không nói rõ ràng là có bán bảo hiểm lồng ghép vào gói vay tín dụng để khách hàng tự quyết định có "mua hay không mua".
Nghiêm cấm hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn tại các ngân hàng
Ở đây không ai có quyền ép khách hàng mua thêm sản phẩm, ngoài việc khách hàng muốn vay vốn tín dụng. Đến khi giải ngân, nhân viên mới "mời chào" hoặc ép khách vay phải mua gói bảo hiểm với nhiều lý do, cho thấy khách hàng như bị "lừa dối" nên rất cần cơ quan thanh tra ngân hàng can thiệp và ngay cả bản thân các lãnh đạo ngân hàng cũng cần kịp thời chấn chỉnh tình trạng này để bảo vệ uy tín của chính ngân hàng mình. Trường hợp khi khách hàng đến ngân hàng vay vốn, hoặc ngay cả việc gửi tiền tiết kiệm mà được nhân viên ngân hàng "tư vấn" về mua bảo hiểm hay chuyển sang từ tiền gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm (lãi suất cao hơn), bản thân mỗi người cũng hết sức cẩn trọng và sáng suốt.
Với mong muốn đi vay vốn, là nhu cầu rất cần thiết để giải quyết một công việc gì đó nhưng phải tốn tiền vào khoản mua sản phẩm bảo hiểm là chưa cần thiết, hoặc không cần thiết lúc này, người đi vay cần từ chối cũng như hỏi rõ với nhân viên ngân hàng khi thực hiện hợp đồng tín dụng. Trường hợp đi gửi tiền tiết kiệm, như chị H.N (ngụ Q.Gò Vấn), được nhân viên ngân hàng tư vấn gửi tiền tiết kiệm sang mua bảo hiểm, loại có lãi suất cao hơn, chị N. băn khoăn nên gọi điện hỏi người thân và quyết định gửi tiền tiết kiệm, chứ không mua bảo hiểm.
Tại điểm này, chuyên gia về ngân hàng cũng cho rằng, quyết định của người gửi tiết kiệm theo lãi suất mà NHNN đã có những quy định cũng như những ràng buộc... cho thấy đó là sự "an toàn" cho người gửi. Còn khi gửi ở đâu mà lãi suất cao, hoặc quá cao theo đó cũng hết sức cẩn thận, vì nguy cơ rủi ro là điều khó tránh khỏi và không lường trước được như một số vụ án trong lĩnh vực tài chính đã xảy ra. Vì tất cả nạn nhân đều do ham lãi suất.
Nhân viên ngân hàng phải tư vấn rõ ràng, người vay vốn hỏi kỹ trường hợp bị "bán kèm" bảo hiểm
Vi phạm pháp luật
Luật sư Hoàng Mạnh Dũng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: "Việc ép khách hàng phải mua bảo hiểm khi vay tiền tại ngân hàng là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó để khắc phục tình trạng này, pháp luật đã đưa ra mức xử phạt đối với hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn tại điểm đ, khoản 2, Điều 17, thuộc Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định số 48/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, nếu ngân hàng có hành vi ép khách hàng đến vay mua bảo hiểm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng. Hơn nữa có thể bị đình chỉ hoạt động từ 2 - 3 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động".
Theo NHNN trả lời kiến nghị của cử tri Quốc hội vào cuối năm 2022, phản ánh việc khi vay tiền tại một số ngân hàng thương mại, khách hàng được khuyến khích (nhưng thực chất là ràng buộc) mua bảo hiểm nhân thọ, giá trị hợp đồng hàng trăm triệu đồng, lần đầu từ 10 đến 15 triệu đồng. Đa số khách hàng đều phải chấp nhận, sau đó bỏ hợp đồng (đã mua bảo hiểm). Cử tri cũng đề nghị Thống đốc NHNN chỉ đạo kiểm tra việc này; nếu đúng, kiến nghị có giải pháp chấn chỉnh kịp thời; nếu không đúng, cũng cần có thông tin chính thức về nội dung phản ánh này đến cử tri.
NHNN tăng cường thanh tra, giám sát các TCTD về tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn
NHNN cho biết, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm, nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, không được bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm. Các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng cũng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm với ngân hàng và phải bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật.
Trước khi ký hợp đồng, khách hàng cần từ chối hoặc nêu rõ việc mua bảo hiểm là chưa cần thiết
Trong thời gian qua, trước thông tin phản ánh về tình trạng một số nhân viên ngân hàng bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn (như chỉ giải ngân khi mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ), NHNN đã chỉ đạo các TCTD: "Rà soát toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng cho khách hàng, bảo đảm phê duyệt hồ sơ, giải ngân cho khách hàng đúng quy định. Thực hiện chào bán, giải thích điều kiện, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm cũng như các hoạt động đại lý bảo hiểm khác cho các khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật nhằm giúp khách hàng hiểu đúng/đủ quyền và lợi ích hợp pháp, các điều kiện/điều khoản thanh toán của hợp đồng bảo hiểm. Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến pháp luật kinh doanh bảo hiểm đối với các cán bộ tín dụng và cán bộ tham gia hoạt động đại lý bảo hiểm; trong đó, cần đặc biệt lưu ý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm".
Đồng thời, NHNN cũng đã chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các TCTD trên địa bàn, lồng ghép nội dung thanh tra việc thực hiện chỉ đạo của NHNN đối với hoạt động này vào kế hoạch thanh tra hàng năm. Ngoài ra, trên cơ sở các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến đại lý bảo hiểm, tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm túc quyền tự do lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động này. Đồng thời, tiếp tục có văn bản chỉ đạo các TCTD phải cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích rõ ràng, đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm. Không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm, thực hiện các nghĩa vụ khác theo phạm vi được ủy quyền trong hợp đồng đại lý bảo hiểm, nghiêm cấm hành vi bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm. Trường hợp phát hiện vi phạm, NHNN sẽ xem xét, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.