Năm 2023 phấn đấu đưa vào sử dụng một số đoạn cao tốc, đường sắt đô thị

Thứ Năm, 20/10/2022 10:21

|

(CAO) Thủ tướng thông tin như vậy khi báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XV sáng nay (20/10).

Trình bày báo cáo kết quả kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, dù trong bối cảnh có nhiều thách thức, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Thủ tướng cho biết kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% - vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Thu ngân sách 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3% - tăng 2,9% so với năm 2021.

Vẫn theo Thủ tướng, các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp thua lỗ, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả kéo dài đã và đang được quyết liệt tháo gỡ, xử lý; thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả tích cực. Trong đó, thu được gần 16.000 tỷ đồng thất thoát, bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thu được trên 22.000 tỷ đồng của các tổ chức tín dụng.

“Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn” - Thủ tướng khẳng định và ước tính đến cuối năm 2022, nợ công vào khoảng 43-44% GDP (trần là 60%); nợ Chính phủ khoảng 40 41% GDP (trần là 50%) và nợ nước ngoài quốc gia khoảng 40-41% GDP (trần là 50%).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước

Tuy nhiên, Thủ tướng nhìn nhận,  ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp.

Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; việc cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra, tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp; xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, theo báo cáo là 39.552 người.

Các đại biểu dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 4

Nhận định tình hình thế giới năm 2023 có thể diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, Chính phủ dự báo tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%...

Để đạt được những mục tiêu này, Chính phủ đưa ra 12 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, nhiệm vụ đầu tiên được Thủ tướng nhấn mạnh là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý, việc thực hiện chính sách tiền tệ cần thận trọng, chắc chắn; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp; bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tập trung giữ vững ổn định thị trường tài chính, tiền tệ.

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Thủ tướng quán triệt cần đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương.

“Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và kiểm soát quyền lực”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Đề cập đến giải pháp về hạ tầng giao thông, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, các dự án đường sắt đô thị, hạ tầng văn hóa, xã hội. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là hình thức hợp tác công tư.

“Trong năm 2023, phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng một số đoạn cao tốc đã có chủ trương đầu tư; một số dự án đường sắt đô thị; nâng cấp mở rộng, khai thác lưỡng dụng một số sân bay” - Thủ tướng nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang