Tăng lương cơ sở, cải cách tiền lương là vấn đề cấp bách

Thứ Tư, 19/10/2022 10:33

|

(CATP) Chính phủ sẽ trình Quốc hội (QH) tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), lực lượng vũ trang và lương hưu, dự kiến áp dụng từ 01-7-2023. Đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời để bù trượt giá, vấn đề căn bản là cần thực hiện đề án cải cách tiền lương theo Nghị quyết (NQ) 27-NQ/TW mới giải quyết được những bất cập này. Cải cách tiền lương chính là đầu tư cho con người, mà đầu tư cho con người chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Nên tăng lương cơ sở từ tháng 01-2023

Tại buổi họp báo trước kỳ họp QH chiều 17-10, ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của QH - cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về việc điều chỉnh lương cơ sở. Cũng theo ông Mai, Chính phủ đang trình QH điều chỉnh tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8%, tăng chi lương hưu trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) với đối tượng do ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo khoảng 12,5%, hỗ trợ thêm người nghỉ hưu trước năm 1995 đồng thời điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng (YTDP) và y tế (YT) cơ sở, thực hiện từ đầu tháng 01-2023.

Dự kiến việc điều chỉnh lương cơ sở lần này sẽ thực hiện từ 01-7-2023. Ngoài ra còn điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ YTDP và YT cơ sở, thực hiện từ đầu tháng 1-2023.

Tăng lương cơ sở là việc phải làm sau thời gian tạm dừng khá lâu vì đại dịch Covid-19, nhưng việc cải cách tiền lương theo NQ27 của Trung ương mới là quan trọng và căn cơ. Ông Nguyễn Hoàng Mai thông tin: "Sau khi tăng lương cơ sở, các cơ quan sẽ phải xem xét, đề xuất việc thực hiện cải cách tiền lương". Tuy nhiên, ông Mai cũng lưu ý: "Vấn đề này rất lớn, thách thức cũng rất lớn. Đó là nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta vừa trải qua hơn 2 năm đại dịch và bắt đầu bước vào hồi phục kinh tế".

Việc tăng lương cơ sở lần này đáp ứng được nguyện vọng của CBCCVC, phù hợp tình hình giá cả tăng trong thời gian qua. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng đầu năm 2022 tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt nhiều khoản chi phí khác cũng tăng cao như học phí, viện phí. Cả hai khoản chi phí này đang trên lộ trình tính đủ, tính đúng thì bắt buộc tiền lương phải tăng theo. Đó là chưa kể ngày 17-10, Ngân hàng Nhà nước quyết định nới rộng biên độ tỉ giá USD/VND, tham chiếu theo tỉ giá trung tâm, từ +/-3% lên +/-5%; đồng thời tăng mạnh giá bán ra, giá USD tăng cao (chợ đen) làm tiền đồng mất giá.

Ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - tại buổi họp báo ngày 17-10 Ảnh: TTXVN

Thực tế, nếu QH đồng ý tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng (có từ năm 2019) lên 1,8 triệu đồng đối với CBCCVC, lực lượng vũ trang và lương hưu thì cũng chưa thể bằng lộ trình tăng lương dự kiến, bởi từ 1-7-2019 đến nay vẫn chưa tăng lần nào do đại dịch Covid-19. Trong khi đó, lương tối thiểu vùng áp dụng ở khu vực (KV) doanh nghiệp đã tăng trong thời gian qua (năm 2019 tăng lên 5,3% so với năm 2018; năm 2020 tăng lên 5,5% so với năm 2019; từ năm 2021 đến trước ngày 01-7-2022: không điều chỉnh; tăng thêm 6%, điều chỉnh từ ngày 01-7-2022 đến 31-12-2023).

Đó là lý do CBCCVC rất mong QH sớm tăng lương cơ sở và đề nghị nên áp dụng từ ngày 01-01-2023 là hợp lý trước tình hình giá cả tăng như hiện nay, thay vì dự kiến áp dụng từ ngày 01-7-2023. Ngoài ra, nhiều chuyên gia còn đề nghị khi tăng lương nên có các hệ số khác nhau theo KV, bởi từng KV có giá tiêu dùng, nhu cầu rất khác nhau.

Cần sớm cải cách tiền lương

Trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4 - QH khóa XV hôm 10-10, cử tri bày tỏ sự lo lắng dù kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phục hồi, phát triển nhưng chưa đồng đều và thực sự bền vững; học phí, các dịch vụ tăng trong khi tiền lương của CBCCVC và người lao động (NLĐ) không tăng. Cử tri kiến nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và việc tăng giá, tránh tình trạng rút BHXH một lần gia tăng trong thời gian qua.

Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường cho biết, NQ27 của Trung ương đã xác định lộ trình để cải cách tiền lương. Tuy nhiên, trước tác động nặng nề của đại dịch, CBCCVC chưa tăng lương, dành nguồn lực cho phòng, chống dịch. Bây giờ kinh tế có sự phục hồi, tăng trưởng khả quan nên sẽ tính tăng lương cơ sở trước, sau đó dự kiến có lộ trình tiếp theo.

Cán bộ hưu trí nhận lương tại điểm chi trả

Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách tiền lương đối với CBCCVC, lực lượng vũ trang và NLĐ trong doanh nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 21-5-2018, đề ra mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia có thể đảm bảo đời sống của gia đình người hưởng lương. Sau cải cách, chính sách tiền lương đối với CBCCVC sẽ có những thay đổi lớn, như bãi bỏ mức lương cơ sở; trả lương cho CBCCVC theo vị trí việc làm; áp dụng hệ thống bảng lương mới; sẽ có cơ cấu tiền lương mới cho CBCCVC từ năm 2021; bỏ phụ cấp thâm niên của CBCCVC; bãi bỏ hàng loạt khoản chi ngoài lương; CBCCVC tại nhiều tỉnh được hưởng thu nhập tăng thêm... Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, lộ trình cải cách tiền lương chưa thực hiện được.

Trên thực tế, việc tăng lương cơ sở sắp tới cũng chỉ là giải pháp tạm thời để bù đắp trượt giá, kể cả thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ YTDP và YT cơ sở, thực hiện từ đầu tháng 01-2023 cũng vậy. Điều này tương tự như cách đây nhiều năm đã thực hiện việc trợ cấp tiền thâm niên, đứng lớp cho giáo viên (GV), không giải quyết được căn bản các vấn đề về tiền lương cho CBCCVC khi mà chỉ giải quyết được một bộ phận nhỏ trong lực lượng này.

Ngay cả với giáo chức, dù đã có phụ cấp đứng lớp, thâm niên (sau 5 năm đi dạy mới được tính) nhưng một GV tốt nghiệp Đại học Sư phạm vừa ra trường, sau khi trừ các loại bảo hiểm, những chi phí khác, cũng chỉ nhận trên dưới 4 triệu đồng - mức thu nhập này chỉ xấp xỉ, thậm chí thấp hơn sinh viên Sư phạm hiện nay vừa được miễn học phí vừa được hỗ trợ sinh hoạt phí với số tiền 3,63 triệu đồng trong trường hợp kết quả học tập đạt từ khá trở lên. Ngoài ra, sinh viên Sư phạm còn được nhận học bổng khuyến khích học tập thường xuyên của trường đồng thời có cơ hội nhận những học bổng khác... Tương tự, sinh viên ngành Y nhiều trường hiện nay đã tăng học phí kịch trần, học 6 năm vất vả, ra trường phải có 18 tháng thực hành để lấy chứng chỉ hành nghề, tổng chi phí từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng, nhưng khi tốt nghiệp đi làm, sau khi trừ các khoản phí, chỉ lãnh lương khoảng trên dưới 4 triệu đồng/tháng.

Vì sao phải cải cách tiền lương?

Cán bộ, công chức, viên chức các ngành khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Rõ ràng với cơ cấu tiền lương dành cho CBCCVC như hiện nay là chưa trả đúng giá trị sức lao động (LĐ) trên thị trường, làm triệt tiêu động lực tăng năng suất LĐ.

Cải cách tiền lương không chỉ để giữ chân NLĐ, thúc đẩy họ làm việc tốt hơn, góp phần tăng năng suất LĐ..., mà vấn đề quan trọng là làm chuyển biến nhận thức của CBCCVC, để họ cảm thấy được bù đắp một cách xứng đáng, từ đó cống hiến tốt hơn, gắn bó lâu dài hơn, tránh tình trạng bỏ việc như thời gian gần đây, khi từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022 có gần 40.000 CBCCVC nghỉ việc, trong đó có nguyên nhân do tiền lương thấp.

Cải cách tiền lương chính là đầu tư cho con người, mà đầu tư cho con người chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước. Cần sớm cải cách được chính sách tiền lương để NLĐ đủ sống và giúp cuộc sống của họ từng bước cải thiện, để từ đó CBCCVC yên tâm làm việc và cũng góp phần chống tham nhũng, tiêu cực...

Trả lời kiến nghị của cử tri về chính sách tiền lương mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận chế độ tiền lương, phụ cấp hiện hành dù đã được điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, nhưng đời sống của CBCCVC nói chung và của viên chức ngành YT, Giáo dục nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn. Theo bà Trà, sắp tới đây Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới. Ngoài ra, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, khả năng NSNN năm 2022 và những năm tiếp theo, bộ sẽ trình Chính phủ báo cáo Trung ương, QH thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương để tăng lương cho đội ngũ CBCCVC, lực lượng vũ trang và người hoạt động không chuyên trách.

Bình luận (0)

Lên đầu trang