Lo người lao động chống chọi với “bão giá”, ĐBQH đề nghị Chính phủ sớm tăng lương

Thứ Tư, 01/06/2022 19:00

|

(CAO) Với tốc độ tăng giá tiêu dùng trong thời gian gần đây, mức tăng lương tối thiểu khó bù đắp được chi phí sinh hoạt mà người lao động phải chi trả.

Thảo luận về tình hình - kinh tế xã hội trong phiên họp toàn thể hôm nay (1/6), đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phản ánh, người lao động (NLĐ), người nghèo đang gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu và một số mặt hàng tăng cao.

“Bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, tác động không thuận lợi cho những quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam chúng ta” - đại biểu Ngân bình luận.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận

Từ thực tế này, ông Ngân khuyến nghị Chính phủ cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thích ứng với các kịch bản, trong đó lưu ý đến 2 biến số quan trọng là giá xăng dầu và giá lương thực.

“Trước mắt, cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội” – ông Ngân nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là xăng dầu.

Đại biểu của TPHCM cũng yêu cầu Chính phủ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi "té nước theo mưa" và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Trong nỗi lo chung về đời sống của người lao động, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho biết, mặc dù nhiều chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhưng một bộ phận lớn công nhân lao động rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn trong và sau đại dịch.

Dẫn số liệu điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn, đại biểu Nghĩa thông tin, có 5% người được hỏi chỉ được ăn thịt, cá khoảng 1-2 lần/tuần; 34% chỉ ăn thịt, cá 3 lần/tuần; 41% chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản.

“Thật xót xa khi còn nhiều NLĐ không dám đi khám bệnh vì không có khả năng chi trả” - ông Nghĩa day dứt.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu

Nhấn mạnh về vai trò của công nhân lao động hiện nay, đại biểu Nghĩa khẳng định, NLĐ cần phải được đãi ngộ xứng đáng, phải được đặt vào trung tâm của các chính sách để được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước, của dân tộc.

Qua khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vào tháng 4 năm nay, đại biểu tỉnh Lạng Sơn thông tin, chỉ có khoảng 55% NLĐ cho biết có tiền lương và thu nhập đủ sống. Khoảng 25% phải chi tiêu tằn tiện, trong khi 13% không đủ sống ở mức tối thiểu.

“Hai năm 2020 và 2021, để chia sẻ với khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế, lương tối thiểu của NLĐ không tăng. Từ ngày 1/7/2022, theo đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia, mức lương tối thiểu này sẽ được tăng thêm 6%” – ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, con số này nếu đem so với tỷ lệ lạm phát từ năm 2020 đến nay là hơn 6%, đại biểu Nghĩa nhận định, thực chất việc tăng lương không đủ bù đắp chi phí sinh hoạt mà NLĐ phải chi trả.

“NLĐ giờ đây không chỉ phải làm thêm giờ mà phải làm thêm việc. Nhiều NLĐ, sau giờ làm công việc chính thức, phải làm thêm công việc khác tại nơi làm việc khác với số giờ làm việc dài, vắt kiệt sức khỏe và vượt ra khỏi sự kiểm soát của cơ quan nhà nước” – ông Nghĩa chỉ ra.

Tái khẳng định vai trò của công nhân lao động, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023 để bảo đảm mức sống của NLĐ và gia đình họ như quy định của Bộ luật Lao động.

Ông cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu giao cơ quan độc lập công bố hoặc phản biện mức sống tối thiểu do cơ quan thống kê công bố nhằm tăng cường tính khách quan, khoa học.

Đề cập đến trường hợp NLĐ làm việc không trọn ngày, không trọn giờ, đại biểu Nghĩa nhìn nhận đây là NLĐ yếu thế, dễ tổn thương, ít được hưởng các phúc lợi xã hội. Vì thế, để hỗ trợ nhóm này, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh mức lương tối thiểu giờ phải cao hơn mức trung bình của lương tối thiểu tháng. Với mức dự kiến theo vùng dao động từ 15.600 tới 22.500 đồng, theo ông Nghĩa, là quá thấp.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) lưu ý, NLĐ đã chia sẻ rất nhiều với doanh nghiệp, nhất là trong thời gian dịch bệnh, họ phải làm việc 3 tại chỗ, tăng thời giờ làm thêm.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) yêu cầu sớm tăng lương tối thiểu cho NLĐ

“Đến thời điểm này, NLĐ cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá đang tăng” – bà Xuân nói.

Nhìn nhận doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tăng chi phí tiền lương, nhưng đại biểu Xuân phân tích, việc tăng lương tối thiểu không chỉ cho NLĐ mà chính là giúp doanh nghiệp có thêm động lực để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Tăng lương, theo đại biểu Xuân, có ý nghĩa thiết thực để NLĐ ổn định đời sống, giúp giữ chân lao động ở lại doanh nghiệp. Tăng lương tối thiểu kịp thời lúc NLĐ đang khó khăn còn thể hiện tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tăng trưởng kinh tế gắn với duy trì và nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Vì các lẽ trên, nữ đại biểu đề nghị Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu đối với NLĐ theo hợp đồng kể từ ngày 1/7/2022.

“Đây cũng là nguyện vọng của hàng triệu lao động theo hợp đồng trên cả nước” – đại biểu Xuân nêu quan điểm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang