Không thể để hệ thống y tế tê liệt sau “quả bom” Việt Á

Thứ Tư, 01/06/2022 14:53

|

(CAO) Những sai lầm đã phải trả giá đúng theo nguyên tắc công, tội phân minh. Vấn đề là sau cơn bão lớn, việc phục hồi và phát triển sẽ như thế nào, không thể vì những vi phạm xảy ra mà để hệ thống tê liệt.

Trải lòng tại nghị trường trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng nay (1/6), bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu (đại biểu Bình Định) nhận định, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều lĩnh vực, nhưng ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất, để lại hậu quả nặng nề nhất chính là ngành y tế.

“Hệ thống y tế đã trải qua những giờ phút không thể nào quên. Những thành công đã được xã hội ghi nhận bằng nhiều hình thức nên tôi xin phép không nhắc lại ở đây. Những sai lầm đã phải trả giá đúng theo nguyên tắc công, tội phân minh” – đại biểu Hiếu khái quát.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu ý kiến thảo luận sáng nay, 1/6

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sau cơn bão lớn, việc phục hồi và phát triển tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội sẽ diễn ra như thế nào. Theo đại biểu Hiếu, không thể vì những vi phạm xảy ra mà để cả một hệ thống tê liệt.

“Những khó khăn trước đây như thu nhập nhân viên y tế, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư thuốc men không được cải thiện mà thậm chí còn tệ hơn” – bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu phản ánh và lưu ý, nếu các vị đại biểu Quốc hội có thời gian thăm các bệnh viện địa phương mình sẽ thấy tình hình có thể coi là nguy hiểm này.

Phản ánh có rất nhiều các nhân viên y tế, cán bộ bảo hiểm xã hội, các cử tri, người bệnh gửi gắm nỗi lòng của mình về những khó khăn của hệ thống y tế Việt Nam, đại biểu Hiếu thừa nhận, tìm được câu trả lời không hề dễ dàng vì những vướng mắc đã kéo dài nhiều nhiệm kỳ, ai cũng nhận ra, nhưng ngày càng nhiều hơn và phức tạp hơn.

“Việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, thuốc men là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện cả công và tư. Có vị bộ trưởng cũng than phiền với tôi là muốn ra mua viên Zinat, một loại kháng sinh rất thông dụng mà không mua được ở các cửa hàng” – ông Hiếu chia sẻ.

Trong khi đó, theo ông, nguồn nhân lực chất lượng cao đã thiếu nay còn càng ít hơn, vì mức lương không tăng mà có xu hướng giảm. Chưa hết, ở các bệnh viện công không đủ phương tiện, cơ sở vật chất để triển khai những kỹ thuật mới, hiện đại khiến các bác sĩ giỏi cũng đành phải bó tay, nản lòng.

Từ thực trạng trên, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Quốc hội rà soát cho ý kiến chi tiết, cụ thể sớm để hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trong kỳ này và thông qua ở kỳ họp tiếp theo.

Ông Hiếu cũng kiến nghị giám sát Chính phủ, ban hành sớm các nghị định, thông tư then chốt nhằm tháo gỡ các vướng mắc nghiêm trọng của hệ thống y tế, như quyết nghị giảm tốc độ dịch COVID, hướng dẫn quyết toán các chi phí chống dịch, thống nhất thanh toán chi trả bảo hiểm y tế cho một số lĩnh vực cụ thể.

Vẫn theo bác sĩ Hiếu, cần có nguồn ngân sách cụ thể ghi trong gói hồi phục kinh tế cho y tế tuyến cơ sở; đầu tư các kỹ thuật cao tại các bệnh viện chuyên ngành; chính sách đào tạo, nâng cao chất lượng, thu hút tài năng, nguồn nhân lực đang vô cùng khó khăn của ngành y tế hiện nay.

“Với tư cách là một bác sĩ vẫn đang thường xuyên trực tiếp điều trị cho người bệnh, tôi rất mong các vị lãnh đạo cao cấp, các vị đại biểu Quốc hội hiểu được phần nào những khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải, nó không chỉ là về vật chất mà trong lúc này chủ yếu là về tinh thần, sự ổn định và phương hướng phát triển rõ ràng là điều nhân viên y tế chúng tôi cần nhất lúc này” – bác sĩ Hiếu trải lòng

Nhấn mạnh đại dịch Covid vừa qua đã chứng minh khả năng vượt khó của ngành y tế Việt Nam, nhưng đại biểu của Bình Định chỉ ra, chính họ trong thời bình lại hoang mang khi những biến cố xảy ra. “Những con sâu đã bị gạt khỏi hệ thống, những người mới nhận nhiệm vụ lại bối rối, loay hoay chưa tìm được đường đi cho đúng, vì đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi mà hệ thống pháp luật hiện nay chưa hoàn chỉnh” – ông Hiếu bình luận.

Chia sẻ với tâm tư của bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị cần tiếp tục quan tâm đến hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở.

“Cần có cơ chế chính sách để các cơ sở y tế chủ động tự tin trong việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, tránh tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra không dám làm, không dám mua và thái độ cứ nhìn vào đâu là thấy y tế tiêu cực ở đó” – ông An yêu cầu.

Đại biểu của Đồng Nai nhấn mạnh, mặc dù hệ thống y tế đang bị rúng động bởi “quả bom” Việt Á, nhưng việc chống dịch chữa bệnh cứu người vì sức khỏe của người dân vẫn phải là ưu tiên hàng đầu.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nhìn nhận, dù những tiêu cực liên quan đến ngành y tế vừa qua không khỏi làm cho cả xã hội bức xúc, xót xa, nhưng những thành công trong công việc đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường cần được ghi nhận công lao hàng đầu của ngành y tế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang