Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường hôm nay (1/6) gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội 5 nhóm vấn đề dự kiến chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 3 đang diễn ra.
Trong 5 nhóm vấn đề này, các đại biểu sẽ lựa chọn 4 nhóm vấn đề để đưa vào chương trình chất vấn. Việc xin ý kiến diễn ra trong ngày, sau đó đoàn thư ký Quốc hội sẽ tổng hợp, trình Quốc hội.
Cụ thể, nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài chính. Nội dung dự kiến chất vấn về tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội.
Xin ý kiến Quốc hội về 5 nhóm vấn đề dự kiến chất vấn
Nội dung nữa là thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; Hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường; giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới.
Các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số cũng được đặt ra.
Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. “Chia lửa” với Bộ trưởng Tài chính là các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Công an; Thống đốc Ngân hàng nhà nước; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán nhà nước.
Nhóm vấn đề tiếp theo thuộc lĩnh vực ngân hàng bao gồm tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng nhà nước; việc phối hợp chính sách tài khóa và kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.
Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu; cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại; việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Thực trạng và giải pháp phòng, chống tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng cũng là những nội dung được đề cập đến.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chịu trách nhiệm trả lời chính. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán nhà nước; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan.
Thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, nội dung chất vấn dự kiến mà Tổng Thư ký xin ý kiến là công tác bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ và khai thác có hiệu quả băng tần, tài nguyên thông tin quốc gia; việc phát triển nền công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghiệp an ninh thông tin.
Cùng với đó là việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác; công tác xây dựng, triển khai thực hiện các cơ sở dữ liệu quốc gia; thực trạng và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số.
Trách nhiệm trả lời chính thuộc Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Cùng tham gia trả lời, giải trình các vấn đề liên quan có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Ở nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực Giao thông - vận tải, nội dung chất vấn gồm tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc.
Công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước; thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT cũng sẽ được đặt ra.
Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể chịu trách nhiệm trả lời chính. Hỗ trợ ông giải trình còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán nhà nước.
Nhóm vấn đề cuối cùng thuộc lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ở lĩnh vự này, nội dung chất vấn dự kiến là công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản.
Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững cũng là những nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực này.
Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Cùng tham gia giải trình với ông Hoan có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ.
Theo nghị trình, phiên chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày, bắt đầy từ chiều 7/6 đến hết ngày 9/6. Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ.
Sau hoạt động chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để nâng cao hiệu lực thi hành, đồng thời làm cơ sở giám sát việc thực hiện.