(CAO) Theo Bộ trưởng Công Thương, nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất cao, cho nên hàng hóa của chúng ta làm ra chủ yếu xuất khẩu, nếu ép giá đầu vào thì giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, vô hình trung là gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước...
Chiều 1/6, mặt hàng xăng dầu đã được liên Bộ Công Thương-Tài chính đưa ra quyết định điều chỉnh giá với mức tăng thêm từ 600-920 đồng/lít, trong đó xăng RON95 lên 31.573 đồng/lít... Như vậy, giá xăng liên tục thiết lập mức kỷ lục và đang có mức cao nhất trong lịch sử.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội chiều 1/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết hiện nay giá xăng của Việt Nam còn thấp hơn giá thế giới, dẫn tới tình trạng "chảy" xăng dầu ra nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Theo ông Diên, về nguyên tắc, tăng giá xăng dầu làm tăng giá vật tư đầu vào, từ đó làm tăng chi phí sản xuất, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình phục hồi kinh tế-xã hội.
"Nói như vậy không sai nhưng ở chiều ngược lại, nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất cao, cho nên hàng hóa của chúng ta làm ra chủ yếu xuất khẩu, nếu ép giá đầu vào thì giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, vô hình trung là gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước," Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.
Cũng theo ông, Việt Nam đang là đối tác thương mại của rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nên nếu "ép giá đầu vào," các nước có thể kiện chúng ta về chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí là thao túng tiền tệ. Chưa kể, hệ lụy của việc duy trì giá xăng dầu ở mức quá thấp là tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Do đó, cần phải cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng chứ không nói một chiều.
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay một mặt vẫn phải cố gắng dùng các công cụ, kể cả thuế, kiểm soát thị trường để giảm giá. Trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, cần tính toán đến các công cụ như chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế. Mục tiêu là để kiểm soát giá, đảm bảo hiệu quả quản lý cả trong nước và phù hợp với quy định, luật pháp quốc tế.
Cũng liên quan đến giá xăng, Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho rằng các bộ cần điều hành giá xăng dầu theo biên độ giao động nhỏ.
Theo đại biểu Lâm, Bộ Công Thương cần điều hành giá xăng dầu theo hướng đảm bảo mức giá có biên độ giao động nhỏ, phục vụ ổn định cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và trong phạm vi kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc kiểm soát giá xăng dầu không có nghĩa giữ giá xăng dầu ở mức thấp. Vì nếu chênh lệch quá lớn giữa giá xăng dầu trong nước và dầu thế giới sẽ dẫn đến buôn lậu xăng dầu.
Cùng đó, việc chênh lệch giá quá lớn giữa xăng dầu trong nước và xăng dầu thế giới cũng không đảm bảo yếu tố cạnh tranh của thị trường tự do. Hệ quả là phải đối mặt với những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp... và khi đó, thị trường Việt Nam sẽ bị đánh giá không vận hành theo đúng cơ chế thị trường.
Đại biểu đoàn Bắc Giang nhấn mạnh về dài hạn, giá xăng dầu tiếp tục tăng, thiết lập các kỷ lục mới là điều bình thường. Nhưng nếu như vượt quá mục tiêu kiểm soát lạm phát, ảnh hưởng đến nền kinh tế thì Chính phủ cần có các giải pháp cần thiết kiểm soát giá xăng dầu để giá mặt hàng này không tăng quá cao, vượt qua sức chống chịu của nền kinh tế, của người dân và doanh nghiệp. Kiểm soát được đà tăng của giá xăng dầu mới kiểm soát được lạm phát, chỉ số CPI.
Đại biểu Bùi Minh Khoa (Thanh Hóa) kiến nghị để đảm bảo giá xăng dầu bớt tăng quá “nóng," các cấp thẩm quyền cần sớm quyết định điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng giống như chính sách hạ thuế bảo vệ môi trường vừa qua.
Ông Khoa đề nghị ngay tại Kỳ họp này, Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với giá xăng dầu trong năm 2022.
Theo ông, việc giảm thuế có thể ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách Nhà nước, tuy nhiên, với giá dầu thô tăng trong khi Việt Nam xuất khẩu dầu thô nên có thể bù đắp thu ngân sách nhà nước từ nguồn này.
(CAO) Từ 15 giờ ngày 1/6, giá xăng E5 RON92 tăng 602 đồng/lít; xăng RON95-II tăng 921 đồng/lít; dầu diesel tăng 841 đồng/lít; dầu hỏa tăng 941 đồng/lít và dầu mazút tăng 303 đồng/kg.