Sáng 18/10, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Thành ủy TPHCM về một số nội dung liên quan đến vấn đề đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.
Tiếp đoàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc
Kiến nghị thí điểm hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp thực tiễn
Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết vấn đề quản lý về đất đai, môi trường là vấn đề TP xem như là sống còn trong quá trình phát triển của TP; đồng thời kiến nghị nhiều nội dung quan trọng…
Cụ thể, để tạo điều kiện thực hiện chủ động, phù hợp với tình hình thực tiễn của TP, đối với nhóm các vấn đề đưa vào dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, đồng chí Phan Văn Mãi kiến nghị cho TP thí điểm xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của TP, trình HĐND TP thông qua; trên cơ sở đó UBND ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất, không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất.
Đồng thời, cho TP áp dụng việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất cùng mục đích sử dụng thì bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỷ lệ phần trăm… Bên cạnh đó, thí điểm cho TP được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B trên địa bàn TP.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo tại buổi làm việc
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng đề xuất cho UBND TP thí điểm thực hiện thủ tục về thuê đất, thuê đất có mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai; không thực hiện thủ tục thuê khu vực biển được quy định tại Luật Biển Việt Nam và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo như hiện nay đối với các dự án về cảng biển; cho phép Trung tâm Phát triển quỹ đất triển khai công tác khai thác ngắn hạn đối với các khu đất do Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất…
Đối với môi trường, đồng chí Phan Văn Mãi kiến nghị cho UBND các cấp thí điểm được sử dụng hình ảnh vi phạm ghi nhận từ các thiết bị thu hình ảnh của các cá nhân, tổ chức như camera, smart phone, cameara giao thông, camera giám sát an ninh trật tự tại địa phương... để xử phạt trực tiếp vi phạm vệ sinh nơi công cộng vi phạm xả rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định. Đồng thời, thí điểm áp dụng biện pháp ngắt điện, ngắt nước công đoạn sản xuất trong cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thi hành biện pháp khắc phục hậu quả về bảo vệ môi trường…
Ngoài ra, phân cấp cho TP thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp Giấy phép môi trường đối với các dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với công suất trung bình. Đối với dự án nhóm A có cấu phần xây dựng được phân loại theo tiêu chí quy định của pháp luật đầu tư công, xây dựng và không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đối với các dự án xử lý rác mới, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị cho TP thí điểm được triển khai đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công xử lý chất thải rắn sinh hoạt; trong đó TP giao đất, cho thuê đất trong các khu liên hợp xử lý chất thải đã được quy hoạch và đưa ra các yêu cầu về công suất, tiêu chí về công nghệ, tiêu chuẩn môi trường, đơn giá và các yêu cầu khác có liên quan nhằm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy để xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu đất được giao trong các khu liên hợp xử lý chất thải của TP.
Cần thống nhất thủ tục hành chính giao đất, cho thuê đất
Đối với nhóm các vấn đề vướng mắc, khó khăn, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng TP xác định có 5 vấn đề đang là điểm nghẽn lớn nhất cần phải được xem xét, tháo gỡ ngay, như tiến độ công tác lập quy hoạch TPHCM chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 11/NQ-CP; thủ tục hành chính giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phụ thuộc vào các quy định pháp luật khác như pháp luật về đầu tư, về đấu thầu, pháp luật về nhà ở, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công… trong khi các quy định này chưa thống nhất, đồng bộ, dẫn đến việc giải quyết hồ sơ kéo dài; việc sắp xếp lại, xử lý đất và các tài sản khác gắn liền với đất là tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tuy nhiên khái niệm “tài sản công” vẫn chưa được quy định cụ thể.
Từ 5 vấn đề đang là điểm nghẽn nêu trên, đồng chí Phan Văn Mãi kiến nghị tách phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 để thực hiện độc lập; sau khi hoàn tất sẽ tích hợp vào quy hoạch TPHCM. Đồng thời, cần thống nhất thủ tục hành chính giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với các luật khác về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, cần bổ sung khái niệm về chuyển mục đích sử dụng đất và quy định chuyển mục đích sử dụng đất cũng là một quyền của người sử dụng đất nhằm làm rõ các thuật ngữ giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong đó người sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất được sử dụng đất theo hình thức giao đất hoặc thuê đất.
Đối với đất do các doanh nghiệp đã thực hiện xong việc cổ phần hóa đang quản lý, sử dụng: Không lập lại Phương án sử dụng đất đối với doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa nhưng không có Phương án sử dụng đất. Đồng thời, giải quyết các thủ tục đất đai (ký Hợp đồng thuê đất, ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất hoặc thu hồi đất) theo đúng các quy định pháp luật đất đai.
Ngoài ra, cần bổ sung khái niệm “đất do Nhà nước trực tiếp quản lý”, từ đó xác định cụ thể những trường hợp đất đai là đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để có chế định quản lý, sử dụng đất đặt biệt, tránh gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước cũng như tránh áp dụng pháp luật tùy tiện đối với các loại đất khác không phải là đất do Nhà nước trực tiếp quản lý.
16 vấn đề vướng mắc của TPHCM được đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, việc tháo gỡ các vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thống nhất sẽ tạo điều kiện để xã hội phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn… Trao đổi về các ý kiến góp ý của đoàn công tác, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết, Ban Thường vụ Thành uỷ sẽ tiếp tục chỉ đạo bổ sung nội dung báo cáo Bộ Chính trị, cũng như đề xuất Chính phủ, Thủ tướng bộ khung cơ chế về các cơ chế, chính sách thí điểm.
“Quan điểm của TPHCM không đề xuất, kiến nghị những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP hoặc đã có trong luật. Những vấn đề thời gian qua các bộ, ngành mong muốn được thực hiện thì TPHCM sẵn sàng đăng cai thí điểm.” - đồng chí Nguyễn Văn Nên khẳng định.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng những đề xuất, kiến nghị của TP về Luật Đất đai (sửa đổi), nếu được Quốc hội thông qua, theo lộ trình đến năm 2024 mới có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị từ nay đến năm 2024, với tinh thần trách nhiệm, chúng ta không thể chờ đợi, thời gian rất quan trọng. Do đó, cần có cơ chế để thực hiện thí điểm và bổ sung vào dự thảo Luật và từ đó Quốc hội có cơ sở xem xét và mạnh dạn quyết định hơn.
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ với tinh thần trách nhiệm trong phối hợp hành động và trách nhiệm chung của TP đối với đất nước trong một lĩnh vực đất đai vô cùng lớn, khó khăn, thử thách, phức tạp, nhạy cảm, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ hơn với TP; chuẩn bị chu đáo hơn để tham mưu cho cấp trên; và những gì thuộc thẩm quyền của TP thì TP sẽ cố gắng, nỗ lực thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc
Sau khi nghe ý kiến các thành viên trong đoàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị đề xuất thí điểm nhiều cơ chế, chính sách về đất đai, môi trường của TP rất đúng, có cơ sở xác đáng.
Theo đồng chí Trần Hồng Hà, trong 18 vấn đề vướng mắc của TPHCM đã có 16 vấn đề được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này. Đồng chí cũng đề nghị TP phân công đầu mối chuẩn bị hồ sơ, tổng kết và hoàn thiện đề xuất để trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua.