Tín dụng vào bất động sản tăng, vào chứng khoán giảm mạnh

Thứ Tư, 19/10/2022 13:17

|

(CAO) Thống đốc NHNN cho biết như vậy trong báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, căn cứ định hướng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2022 khoảng 14% có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế, NHNN điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, đáp ứng đủ, kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

Cơ quan này cũng chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Tín dụng vào kinh doanh chứng khoán giảm mạnh

Thống kê cho thấy, đến ngày 26-9-2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,58 triệu tỷ đồng, tăng 10,83% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm gần đây, phù hợp với diễn biến phục hồi của nền kinh tế.

Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, cao hơn cùng kỳ năm trước, một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

Nêu số liệu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phản ánh, đến cuối tháng 8-2022, tín dụng ngành nông, lâm, thủy sản tăng 7,56%; tín dụng ngành công nghiệp- xây dựng tăng 7,37%; Tín dụng ngành thương mại-dịch vụ tăng 11,34%.

Cùng đến thời điểm này, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 9,26%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 10,54%; xuất khẩu tăng 2,68%; công nghiệp hỗ trợ tăng 11,6%; Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm 0,28%.

Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 15,68% so với cuối năm 2021, chiếm 20,92% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 7,35%; phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 20,14%; tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 35,07%, chiếm 0,32%.

Tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tính đến 30-6-2022 giảm 1,72% so với cuối năm 2021, chiếm 0,88%.

Liên quan đến việc triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế, Thống đốc cho biết, đến cuối tháng 8-2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất chỉ đạt hơn 10.700 tỷ đối với gần khoảng 580 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 9.800 tỷ đồng.

“Hiện các ngân hàng đang tiếp tục rà soát danh mục khách hàng đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất để đẩy mạnh công tác hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ lãi suất” – Thống đốc khẳng định.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, các Ngân hàng thương mại còn tâm lý e ngại khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng.

Thuế thu từ kinh doanh bất động sản đạt gần 27.000 tỷ đồng

Cập nhật tình hình thực hiện Nghị quyết 62 về hoạt động chất vấn thuộc lĩnh vực ngành Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, số thu thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 26,86 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 13,2 nghìn tỷ (trên 96%) so với cùng kỳ 2021.

Tới đầu tháng 9, lượng hồ sơ khai giá chuyển nhượng cao hơn giá của UBND chiếm 72%, trung bình một bộ hồ sơ khai giá cao hơn gần 3 lần so với giá UBND đưa ra.

Theo Bộ trưởng Phớc, hiện còn nhiều tồn tại trong thu thuế chuyển nhượng bất động sản dù các quy định quản lý thuế này đã được luật định nhưng chưa đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa chặt chẽ.

Bên cạnh việc người dân chưa ý thức đầy đủ về pháp luật cũng như chưa có ý thức tự giác thực hiện nộp thuế, dữ liệu về đất đai của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa được xây dựng đồng bộ, liên thông để trao đổi phục vụ quản lý thông tin liên quan đến đất…

Bình luận (0)

Lên đầu trang