Những đối tượng nào được miễn giảm khi lưu thông qua Trạm thu phí xa lộ Hà Nội?

Thứ Sáu, 19/03/2021 13:47  | A. Quân

|

(CAO) UBND TPHCM vừa chấp thuận về việc thu phí đường bộ tại Trạm thu phí xa lộ Hà Nội (XLHN) để hoàn vốn dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội và QL1A (đoạn từ chân cầu Sài Gòn – ngã ba Tân Vạn). Theo đó, việc thu phí bắt đầu thực hiện từ 0 giờ ngày 1/4/2021.

Theo Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM - CII (chủ đầu tư), ngoài 11 đối tượng được miễn thu vé sử dụng dịch vụ đường bộ theo quy định của Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT, TPHCM còn chấp thuận miễn giảm cho các phương tiện:

Giảm giá 100% mức giá cụ thể cho phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo tuyến cố định của TPHCM có lộ trình đi qua Trạm thu phí XLHN. Danh sách tuyến xe buýt cố định lưu thông qua trạm sẽ do Sở GTVT TP gửi cho doanh nghiệp dự án.

Giảm 50% mức giá cụ thể đối với ô tô dưới 12 ghế không sử dụng để kinh doanh, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn trên 6 tháng (trước ngày Trạm thu phí XLHN đi vào hoạt động) tại các vị trí thuộc mặt tiền đường của 2 đường song hành của trục XLHN thuộc TP.Thủ Đức, với điều kiện chủ sở hữu sử dụng các phương tiện này phải sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) và có hồ sơ xác nhận của UBND TP.Thủ Đức về cư trú và của Sở GTVT về việc không sử dụng phương tiện để kinh doanh. (Được biết, hiện UBND 11 phường của TP.Thủ Đức đang thống kê danh sách các chủ phương tiện thuộc diện được giảm 50% mức thu và phối hợp với doanh nghiệp dự án dán thẻ ETC cho các chủ phương tiện này trong 03 ngày 20, 21 và 22/3 tại các trụ sở UBND phường và tại các chung cư).

Trạm thu phí xa lộ Hà Nội sẽ hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 01/4/2021

Để hạn chế ùn tại văn phòng trạm thu phí do các chủ phương tiện đến mua vé tháng, từ ngày 25/03/2021, các doanh nghiệp vận tải có nhiều phương tiện có thể đăng ký để người của trạm đến tận nơi bán vé tháng, vé quý và dán thẻ ETC. Các chủ phương tiện lẻ có thể đến văn phòng Trạm thu phí XLHN (số 466/2 xa lộ Hà Nội, KP.3, P.Phước Long A, TP.Thủ Đức, gần khu vực trạm thu phí) mua vé tháng, vé quý hoặc dán thẻ ETC để qua trạm thu phí theo làn thu phí tự động.

Theo Quyết định số 922/QĐ-UBND ngày 18/3/2021 của UBND TPHCM, mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ Dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ Ngã ba Trạm 2 (cũ) đến nút giao Tân Vạn như sau:

Tuy nhiên, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp do dịch bệnh Covid-19, giá vé đã được UBND TPHCM điều chỉnh, trong năm đầu tiên thu phí là 90% mức giá nêu trên. Như vậy, mức giá dịch vụ từ 0 giờ ngày 01/04/2021 đến 24g giờ ngày 31/3/2022 là:

Từ 0 giờ ngày 27/03/2021, Trạm thu phí XLHN sẽ tiến hành hoạt động thử nghiệm, các phương tiện đi qua trạm sẽ đi chậm lại, thực hiện các thao tác mua vé, công ty phát tờ rơi, không thu tiền.

Tuyến XLHN và QL1A từ chân cầu Sài Gòn đến ngã ba Tân Vạn những năm trước đây nhỏ hẹp, thường xuyên bị ách tắc, trong khi đây là tuyến huyết mạch kết nối cửa ngõ phía Đông của TPHCM với Đồng Nai, Bình Dương, BR-VT và đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Những ách tắc này gây thiệt hại rất lớn đến doanh nghiệp, người dân và sự phát triển chung của TPHCM.

UBND TP đã nhiều lần kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia theo hình thức BOT. Sau nhiều lần xem xét, dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội đã được UBND TPHCM giao cho Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (Công ty CII) làm nhà đầu tư, theo Quyết định số 567/2009/QĐ-CII, ngày 24/7/2009, và Hợp đồng BOT số 03/2009 /HD-B.O.T đã được ký kết ngày 25/11/2009 với vốn đầu tư là 2.287 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay, chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu và chi phí duy tu trong thời gian chờ thu phí).

Trong quá trình dự án đang triển khai thi công, do ngân sách TP khó khăn, để hoàn thành đồng bộ cho tuyến đường và cập nhật chi phí lãi vay, UBND TP và CII tiếp tục ký phụ lục Hợp đồng số 3027/2018/PLHĐ-BOT vào ngày 09/07/2018 nhằm bổ sung một số hạng mục khác trên tuyến đường.

Đó là xây dựng 02 cầu và đường vào Suối Cái trên 2 đường song hành, cải tạo đoạn rạch Suối Cái; bổ sung thêm dự án Xây dựng nút giao thông tại cổng chính Đại học Quốc gia TPHCM và chi phí đền bù giải phóng mặt bằng (phần kinh phí còn lại) của dự án đền bù giải phóng mặt bằng XLHN (đoạn tỉnh Bình Dương). Chỉ riêng chi phí đền bù giải tỏa đã là 1.410 tỷ đồng, nên tổng vốn đầu tư được điều chỉnh lên 4.905 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, mặt cắt ngang của tuyến được quy hoạch rộng 113,5m và 153,51 m; quy mô từ 14-20 làm xe.

Dự án gồm 3 đoạn: Từ cầu Sài Gòn đến nút giao Bình Thái (dài 6,2km); từ nút Bình Thái đến nút giao Trạm 2 (dài 5,3km); từ nút giao Trạm 2 đến nút giao Tân Vạn (dài 4,2km).

Đến nay, Dự án đã hoàn thành 100% trục đường chính, đoạn từ cầu Sài Gòn đến cuối nút giao Đại học Quốc gia TP; nâng cấp, rải nhựa toàn bộ đoạn Dĩ An (Bình Dương) cho xe lưu thông; hoàn thành 93% trục đường song hành bên phải và 74% trục đường song hành bên trái (hiện đã đưa vào sử dụng).

11 đối tượng được miễn thu vé sử dụng dịch vụ đường bộ theo quy định của Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT của Bộ GTVT:

1. Xe cứu thương; các loại xe khác đang chở người bị tai nạn đến nơi cấp cứu.

2. Xe cứu hỏa.

3. Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp gồm: máy cày, máy bừa, máy xới, máy làm cỏ, máy tuốt lúa.

4. Xe hộ đê; xe đang làm nhiệm vụ khẩn cấp phòng chống lụt bão theo điều động của cấp có thẩm quyền.

5. Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng

a) Xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, xe chở lực lượng vũ trang đang hành quân;

b) Các phương tiện cơ giới đường bộ mang biển số: nền màu đỏ, chữ và số màu trắng dập chìm (dưới đây gọi chung là biển số màu đỏ) có gắn các thiết bị chuyên dụng cho quốc phòng (không phải là xe vận tải thùng rỗng) như: công trình xa, cẩu nâng, téc, tổ máy phát điện. Riêng xe chở lực lượng vũ trang đang hành quân được hiểu là xe ô tô chở người có từ 12 chỗ ngồi trở lên, xe ô tô tải có mui che và được lắp đặt ghế ngồi trong thùng xe, mang biển số màu đỏ (không phân biệt có chở quân hay không chở quân).

6. Xe chuyên dùng phục vụ an ninh bao gồm các loại xe quy định tại điểm a khoản 5 Điều này và các loại xe của lực lượng công an (Bộ Công an, Công an tỉnh, thành phố, Công an quận, huyện):

a) Xe ô tô tuần tra kiểm soát giao thông của cảnh sát giao thông có đặc điểm: Trên nóc xe ô tô có đèn xoay và hai bên thân xe ô tô có in dòng chữ: “CẢNH SÁT GIAO THÔNG”;

b) Xe ô tô cảnh sát 113 có có in dòng chữ: “CẢNH SÁT 113” ở hai bên thân xe;

c) Xe ô tô cảnh sát cơ động có in dòng chữ “CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG” ở hai bên thân xe;

d) Xe ô tô của lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ sử dụng một trong các tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật trong trường hợp làm nhiệm vụ khẩn cấp;

đ) Xe ô tô vận tải có mui che và được lắp ghế ngồi trong thùng xe chở lực lượng công an làm nhiệm vụ;

e) Xe đặc chủng chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn.

7. Đoàn xe đưa tang.

8. Đoàn xe có xe hộ tống, dẫn đường.

9. Xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng sử dụng vé “Phí đường bộ toàn quốc” theo quy định của Bộ Tài chính về thu phí sử dụng đường bộ.

10. Xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc đến vùng có dịch bệnh theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.

11. Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe hai bánh gắn máy, xe ba bánh gắn máy.

Bình luận (0)

Lên đầu trang