Những trường hợp CSGT được dừng xe người tham gia giao thông

Thứ Tư, 27/07/2016 13:01

|

(CAO) Khi vụ việc về clip CSGT đánh người vi phạm giao thông lan truyền tung trên mạng internet, người dân có những ý kiến trái chiều. Trong đó phần lớn họ muốn CSGT có cách xử sự chuyên nghiệp hơn, đúng quy trình hơn trong quá trình xử phạt vi phạm giao thông, để không xảy ra những va chạm đáng tiếc.

Nhiều người dân không đồng tình với lời lẽ xúc phạm của người vi phạm, tuy nhiên trong tất cả các tình huống mà CSGT yêu cầu dừng phương tiện để xử lý vi phạm, CSGT phải nói rõ lỗi cho người dân hiểu để người dân tâm phục khẩu phục. Còn nếu người vi phạm có thái độ chống người thi hành công vụ, CSGT có thể áp dụng những quy định pháp luật để xử lý và được hỗ trợ.

Để CSGT làm tốt nhiệm vụ, Bộ Công an ban hành Thông tư 01/2016 Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông.

Những trường hợp CSGT được dừng xe người tham gia giao thông - Ảnh: minh hoạ

Theo đó, trong Điều 5 của thông tư này quy định về quyền hạn của CSGT: Được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát...

Ngoài ra, tại Điều 12 của thông tư này cũng quy định các trường hợp được dừng phương tiện để kiểm soát (trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ); Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;

Thực hiện kế hoạch, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng công an cấp huyện trở lên;

Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự... Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp; Tin báo, tố giác tội phạm về hành vi vi phạm pháp luật và phương tiện tham giao thông.

Thông tư 01/2016 cũng quy định rõ: CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để đảm bảo cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, tại mục 6 của điều 5 này cũng quy định rõ, CSGT được phép trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các thiết bị khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Thông tư 01/2016 của Bộ Công An cũng quy định một số nội dung liên quan đến trang bị và sử dụng phương tiện kỹ thuật dành cho cán bộ CSGT làm nhiệm vụ, cũng như các quy định về tuần tra kiểm soát (bao gồm cả hình thức công khai và kết hợp hóa trang).

Trên thực tế tác nghiệp, một số CSGT cũng có những lúc có hành xử thiếu chuyên nghiệp và chưa đúng mực như quy định của ngành. Một số chuyên gia phân tích cho rằng nhiều CSGT đang có sự nhầm lẫn giữa quyền hạn và quyền lực. Quyền hạn thì được Bộ Công an quy định rõ và hàng năm, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP cũng thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng về văn hóa ứng xử nhằm xây dựng hình ảnh đẹp cho CSGT. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn những lúc giữa CSGT và người vi phạm xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Bên cạnh làm tốt công tác chuyên môn thì CSGT còn phải xây dựng hình ảnh tác phong chuyên nghiệp. Có nghĩa là nghiêm túc trong xử lý lỗi vi phạm (không bỏ sót lỗi, nói rõ lỗi vi phạm và mức xử phạt theo quy định pháp luật…) và vận dụng những quy định của pháp luật, của ngành để làm tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông chứ không phải mỗi lần CSGT xử lý vi phạm là có nguy cơ xảy ra xung đột.

Bình luận (0)

Lên đầu trang