Nissan X-Trail - chiếc crossover 5+2 hoàn hảo

Thứ Hai, 19/03/2018 13:56

|

(CAO) Bước vào thị trường Việt Nam vào cuối tháng 9/2016, Nissan X-Trail trở thành 'người mới' trong phân khúc xe gầm cao cỡ trung cạnh tranh trực tiếp với Honda CR-V, Mazda CX-5, KIA Sportage, Hyundai Tucson và Mitsubishi Outlander.

Tại một số nước, Nissan X-Trail còn được biết đến với tên gọi Rouge; chiếc crossover cỡ trung này đã giành được nhiều giải thưởng danh tiếng. Là 'kẻ đến sau', đương nhiên Nissan X-Trail cần một khoảng thời gian đủ dài để người tiêu dùng biết đến tên tuổi. Ngay cả những 'ông lớn' như Honda, Mazda, Mitsubishi,... cũng cần một khoảng thời gian để định hình sản phẩm và tìm chỗ đứng.

Nhưng với thế mạnh là thương hiệu đến từ Nhật Bản và độ bền bỉ của xe Nissan đã được chứng minh thông qua mẫu sedan BlueBird. X-Trail chắc chắn vẫn có một vị thế riêng trong phân khúc tưởng chừng đã bão hoà.

Thay vì lựa chọn mẫu X-Trail phiên bản cao cấp nhất - SV 2.5 4WD Premium L (986 triệu đồng) để thực hiện bài trải nghiệm, chúng tôi lại chọn mẫu X-Trail SL 2.0 Premium L (918 triệu đồng). Với mức giá cách nhau khoảng 68 triệu đồng, người tiêu dùng sẽ được và mất gì!?

Nếu lấy Nissan X-Trail SL 2.0L đặt lên bàn cân với các đối thủ cùng phân khúc, ngoại hình xe không nổi bật, hiện đại nhưng bù lại thế mạnh xe là thiết kế tiện nghi, sang trọng và nhiều tính năng công nghệ như: đèn LED tự động cân bằng góc chiếu, đèn hậu công nghệ LED, cảm biến đóng/mở cốp điện, hàng ghế sau có thể dịch chuyển xa gần, cửa sổ trời toàn cảnh, gạt mưa tự động theo tốc độ, gương chiếu hậu tích hợp sấy, khay nước có chế độ làm nóng lạnh,...

Tổng Quan: Thiết kế nhìn 'ưng cái bụng'

Tất cả phiên bản X-Trail (X-Trail 2.5L SV 4WD, X-Trail 2.0 SL 2WD, X-Trail 2.0 2WD​) đều có kích thước dài x rộng x cao lần lượt là 4.635 x 1.790 x 1.700 mm, chiều dài trục cơ sở ở mức 2.630 mm, khoảng sáng gầm 215 mm.

Điểm nhấn của X-Trail là cụm lưới tản nhiệt thiết lế nổi bật với thanh kim loại mạ crom sáng bóng đặt chsinh giữa; đây được xem là thiết kế nổi bật trên các mẫu xe mới của Nissan nhằm giúp xe đậm chất thể thao, sang trọng.

X-Trail được trang bị cụm đèn pha dạng LED Projector đi kèm dải đèn LED chiếu sáng ban ngày, đuôi xe với cụm đèn hậu to và viền được mạ crom sáng bóng.

Thế mạnh của Nissan X-Trail so với các mẫu xe cùng phân khúc là cửa mở khoang hành lý. Hãng đã rất tâm lý khi tích hợp chế độ đóng/mở tự động bằng cảm biến và nút bấm.

Nội Thất: Thiết kế 5+2 rộng rãi và nhiều tiện nghi

Nội thất của X-Trail nói chung và của phiên bản SL 2.0 2WD sở hữu nội thất màu đen. Khu vực lái được Nissan trang bị vô-lăng 3 chấu bọc da sang trọng, tích hợp các nút chức năng như: Đàm thoại rảnh tay, nút điều chỉnh âm lượng, kiểm soát tốc độ, nút điều khiển các tính năng cài đặt.

Tại khu vực cụm điều hoàn trung tâm là màn hình cảm ứng kích thước 5,6 inch với nhiều chức năng giải trí chạy hệ điều hành Android đi kèm 6 loa với các tiện ích: bản đồ, kết nối Wifi, Radio, USB, iPod, Bluetooth,..

Gương chiếu hậu chống chói và tích hợp khả năng sấy kính cũng là nét hấp dẫn của X-Trail. Mặc dù không tự động gập/mở kính khi lock cửa xe hoặc tự động điều chỉnh góc nhìn khi chuyển sang chế độ lùi; nhưng 2 tính năng nói trên cũng đã là điểm cộng cho chiếc crossover gia đình.

Tương tự người anh em khác của X-Trail, phiên bản 2.0 SL vẫn sở hữu cửa sổ trời toàn cảnh Panorama đối với hàng ghế trước và sunroof đối với hàng ghế sau; hệ thống được điều chỉnh đóng/mở bằng điện kèm tính năng chống kẹt. Trang bị này giúp không gian trong cabin thoáng đãng hơn và giúp toàn bộ hành khách có thể vươn tầm mắt nhìn ngắm cảnh vật xung quanh.

Tại khu vực cần số, Nissan đã rất tinh tế khi bố trí hộc đựng nước trang bị cửa lùi hơi lạnh giúp chai nước để đây luôn trong trạng thái mát lạnh. Ổ điện là trang bị nhỏ nhưng rất cần thiết, Nissan đã trang bị hẳn 2 ổ cắm tạo sự thoải mái cho hành khách.

Để khởi động X-Trail, người lái cần sử dụng chìa khóa thông tin (Smart Key) để trong xe và bấm nút Start/Stop; trong trường hợp không có chìa, xe sẽ liên tục phát ra tiếng kêu để cảnh báo. Về tính năng an toàn sơ đẳng - dây đai an toàn, nếu người ngồi hàng ghế phụ phía trước không thắt dây, xe sẽ liên tục phát âm thanh cảnh báo kèm theo kí hiệu dây an toàn chớp tắt.

Ghế ngồi của X-Trail là điểm ấn tượng lớn với chúng tôi. Toàn bộ ghế được thiết kế không trọng lực hỗ trợ xương sống theo nghiên cứu của Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ - NASA. Đối với thể trạng cao 1m75 và nặng 85 kg, khá là 'tròn trịa', ghế của X-Trail có thể ôm trọn lấy phần lưng và giúp hành khách không cảm giác mệt mỏi trong các hành trình dài.

Đương nhiên, toàn bộ ghế được bọc da sang trọng và hai hàng ghế đầu được chỉnh điện 8 hướng đi kèm nhiều đường may nổi tinh tế.

Hệ thống điều hòa của X-Trail vận hành tự động 2 vùng độc lập tích hợp khả năng lọc bụi bẩn, cửa gió hàng ghế sau giúp việc làm mát nhanh - sâu, không gian xe luôn trong trạng thái mát mẻ.

Ngoài ra khoảng để chân tại hàng ghế thứ 2 khá rộng, đủ chỗ ngồi thoải mái cho 3 người lớn do có thể trượt lên xuống chia sẻ không gian với hàng ghế thứ 3. Ghế có thể gập lại theo tỷ lệ 40:20:40.

Tuy nhiên do sở hữu thiết kế dạng 5+2, nên dù ở phiên bản thấp nhất hoặc cao nhất của X-Trail, hàng ghế thứ 3 chỉ phù hợp với trẻ em và có thể gập phẳng tỷ lệ 50:50. Bởi lẽ, hãng thiết kế bánh sơ-cua bên bỏ trong xe (tương tự các mẫu sedan để trong cốp) dưới hàng ghế thứ 3 nên khoảng để chân gần như bị chiếm trọn.

Không thể lấy 5+2 cạnh tranh trực tiếp với các mẫu xe thuần 7 chỗ, nhưng bù lại X-Trail có khả năng mở rộng chỗ ngồi trong các hành trình ngắn hoặc mở rộng không gian khoang hành lý. Cụ thể khi hàng ghế thứ 3 được gập lại, không gian chứa đồ sẽ tăng lên 550L (so với không gấp là 135L). Đồng nghĩa sẽ lớn hơn khoang hành lý của Mazda CX-5 (403L) và Hyundai Tucson (488L).

Điểm khác biệt giữa X-Trail 2.5 SV và 2.0 SL là hệ thống camera 360 độ; đây là một tính năng khá thú vị cho người lái và với người dùng, hệ thống này giúp chiếc xe trở nên sang trọng hơn hẳn.

Động Cơ: Vận hành mạnh mẽ từ đô thị đến đường trường

Động cơ Nissan nói chung và X-Trail nói riêng có khả năng vận hành tối ưu. Về điểm này, X-Trail 2.5 SV 4WD đương nhiên sẽ 'ngon' hơn hẳn phiên bản 2.0 SL 2WD. Sơ lược về động cơ X-Trail 2.5 SV 4WD, hãng đã trang bị khối động cơ 2.5L có công suất tối đa 170 mã lực, mô-men xoắn cực đại 224 Nm; xe sở hữu hộp số điện tử vô cấp X-Tronic CVT với 7 cấp ảo, đi kèm hệ dẫn động 2 cầu.

Còn X-Trail 2.0L SL sở hữu động cơ xăng MR 20, dung tích 2.0L, công suất cực đại 142 mã lực, mô-men xoắn cực đại 200 Nm; vẫn sử dụng hộp số tự động X-Tronic CVT với 7 cấp ảo, đi kèm hệ dẫn động 1 cầu.

Với thông số kỹ thuật nói trên, chiếc X-Trail 2.5 SV 4WD có thể băng rừng, lội suối hoặc phóng nhanh trên cát để trải nghiệm cảm giác Off-Road với gói công nghệ Chassis Control - sự đột phá với 3 hệ thống kiểm soát lái - phanh động cơ - ôm cua chủ động. Tính năng này sẽ can thiệp trực tiếp vào xe, tạo độ ổn định cao nhất khi di chuyển trên đường nhựa hoặc off-road. Đây là công nghệ chưa từng được áp dụng trên các mẫu crossover cỡ nhỏ tại Việt Nam.

Quay lại chiếc X-Trail 2.0L SL, chúng tôi lấy tiêu chí trải nghiệm cảm giác lái xe trong đô thị làm chủ đạo nên xe buộc phải di chuyển vào các tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc để có thể đánh giá rõ nhất về các tính năng lái 'nhàn nhã'.

Điều khiển xe máy trong khung giờ cao điểm là một điều khủng hoảng nhưng với X-Trail, mọi thứ hoàn toàn khác. Sở hữu góc quan sát rộng cùng hệ thống Vô-lăng trợ lực điện cảm biến tốc độ, X-Trail dễ dàng luồng lách qua các dòng xe trên đường.

Chúng tôi bật chế độ Eco (tiết kiệm), chiếc xe thông báo mức tiêu hao nhiên liệu là 11,3L/100km, chân ga lúc này khá là 'ù lỳ' nhưng vẫn đủ sức lao nhanh khi cần thiết.

Từ đường Nguyễn Văn Cừ, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Vũng Tàu và cảm nhận lúc này về chiếc X-Trail thay đổi từng nhịp. Đến đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, chúng tôi tắt chức năng Eco và chuyển sang chế độ giả lập số tay, X-Trail lao khá nhanh từ 0-60 km/h. Tại cao tốc, xe duy trì tốc độ 110 km/h nhưng cụm động cơ chỉ ở mức xấp xỉ 1.900 vòng/phút.

Tuy nhiên, đối với những người đam mê tốc độ và ưa thích cảm giác thốc ga 'dính ghế', chắc chắn rằng X-Trail sẽ không thể làm điều này. Như đã nói trên, hộp số vô cấp CVT hướng đến cảm giác lái êm ái chứ không mạnh mẽ như số sàn hoặc số tự động có cấp. Việc chuyển sang giả lập số sàn cũng chỉ giúp người lái cảm thấy thêm phần thú vị chứ không thể 'lao vút như vị thần'.

Khả năng ổn định thân xe là điều tuyệt vời cho người lái cũng như toàn bộ hành khách, trên quốc lộ 51, chiếc xe duy trì ở tốc độ 80 km/h nhưng cảm giác xe đang di chuyển ở mức 40-50 km/h. Người lái buộc phải liên tục quan sát bảng đồng hồ để tránh trường hợp chạy quá tốc độ.

Về tính năng thiết thốn camera 360 độ trên bản 2.0L SL 2WD, thực sự đối với người lái thiết bị này có hay không, không quan trọng. Bởi nếu có thì người lái sẽ quan sát vật cản xa hơn và chính xác hơn, nhưng để quan sát tối ưu, người lái cần khoảng thời gian làm quen với hiệu ứng ống kính mắt cá (fisheye). Dĩ nhiên, tính năng này không thể thay thế cho camera lùi hoặc cảm biến lùi.

Chúng tôi chọn cung đường khá đèo dốc để trải nghiệm tính năng Cruise Control của X-Trail, thiết lập xe lên dốc với tốc độ gần 50 km/h, X-Trail nhẹ nhàng lên dốc từ từ và rất chậm rãi, có những đoạn người lái buộc phải bù ga để chiếc xe có trớn đi lên. Tương tự, khi xuống dốc, tính năng này giúp người lái 'nhàn rỗi' hơn khi động cơ sẽ tự động kiềm hãm chiếc xe không lao quá nhanh. Việc lên xuống dốc bây giờ thật sự quá dễ dàng với X-Trail.

Không chỉ vậy, nhờ công nghệ kiểm soát lái chủ động - ARC, phanh động cơ chủ động - AEB, kiểm soát vào cua chủ động - ATC; giúp xe luôn ôm cua theo đúng quỹ đạo dù ở tốc độ cao, tăng khả năng bám đường. Bên cạnh đó, Nissan cũng trang bị cho X-Trail những tính năng an toàn như: chống bó cứng phanh - ABS, phân bổ lực phanh điện tử - EBD, hỗ trợ phanh khẩn cấp - BA, hệ thống cân bằng điện tử - VDC, phanh chủ động hạn chế trượt - ABLS, kiểm soát độ bám đường- TCS, khóa an toàn trẻ em cửa sau, 4 túi khí (phiên bản 2.0L SV) và 6 túi khí (phiên bản 2.5L SV)

Theo cảm quan cá nhân, X-Trail là mẫu crossover thú vị. Bởi hãng không hề cắt giảm các hệ thống an toàn đối với phiên bản thấp hơn nên chắc chắn nó xứng đáng với từng đồng bỏ ra. Đồng thời, càng di chuyển nhiều trên X-Trail, bạn sẽ cảm nhận cái hay của nó trong từng thời điểm.

X-Trail mặc dù là tân binh trong phân khúc crossover tại Việt Nam, nhưng với sự khác biệt từ thiết kế, công nghệ, động cơ và tính năng an toàn; X-Trail đã tạo được vị thế riêng của mình. Trong tầm giá 1 tỷ đồng, X-Trail Premium thực sự là chiếc xe 'đáng đồng tiền bát gạo'.

So với các mẫu xe cùng phân khúc, X-Trail hiện đang có giá bán thấp hơn Honda CR-V khoảng 270 triệu đồng. Trước tình hình lượng xe về nước bị khan hiếm nguồn hàng, X-Trail gần như là 'át chủ bài' với thế mạnh là lắp ráp trong nước nên số lượng xe gần như thoải mái hơn; đồng thời người mua cũng có thể nhanh chóng có xe hơn các thương hiệu ô tô khác.

Một số hình ảnh thêm về Nissan X-Trail:

Bình luận (0)

Lên đầu trang