(CATP) Cầu bộ hành là một trong những hạng mục thi công cuối cùng nhằm bảo đảm việc kết nối hành khách an toàn và thuận tiện của dự án tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Theo đó, phương án tổ chức giao thông ở khu vực ngã tư Thủ Đức để phục vụ thi công tại khu vực cầu vượt thép Thủ Đức vừa được các đơn vị thông nhất.
Phân luồng bảo đảm an toàn giao thông
Ngày 24/7/2024, Ban Quản lý (BQL) ĐSĐT số 1 cho biết, trong giai đoạn thiết kế cơ sở ban đầu, vị trí các vế thang và nhánh cầu kết nối chỉ mang tính ý tưởng, chưa được xác định chi tiết, nên trong quá trình triển khai thiết kế, thi công thực tế tại hiện trường đòi hỏi tốn nhiều thời gian thực hiện công tác cập nhật điều chỉnh, thỏa thuận và thống nhất vị trí, hướng tuyến cầu bộ hành. Các vị trí mới này phải bảo đảm cho việc kết nối nhà ga Metro với các công trình dọc theo tuyến Võ Nguyên Giáp (lúc trước là Xa lộ Hà Nội), như công viên dạ cầu Sài Gòn, siêu thị Mega Market, trung tâm thương mại Vincom An Phú, Khu Công nghệ cao, Khu du lịch Suối Tiên... Đồng thời, thiết kế phải bảo đảm không ảnh hưởng, chồng lấn đến các công trình tiện ích, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như hệ thống điện cao thế 110 KV, đường ống cấp nước D2000 & D2400... và hạn chế tối đa việc di dời hệ thống thoát nước, viễn thông, cây xanh, chiếu sáng hiện hữu của TP.
Do vậy, cầu bộ hành ga Thủ Đức và ga Đại học Quốc gia là hai ga cuối cùng được các cấp thẩm quyền thẩm định và thông qua thiết kế kỹ thuật, vị trí đặt trụ và vế thang. Sau khi được cấp thẩm quyền thông qua, BQL ĐSĐT, tư vấn và nhà thầu khẩn trương đàm phán và đã thống nhất với các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật trong công tác phối hợp tổ chức, phân luồng giao thông, di dời cây xanh, hệ thống cấp thoát nước, điều chỉnh dải phân cách, tim đường. Đến nay cơ bản tất cả các vị trí hạ tầng chồng lấn kết cấu cầu bộ hành đã được di dời và bàn giao phục vụ việc thi công khoan cọc nhồi, bệ cọc, trụ, xà mũ trụ cầu. Tại ga Đại học Quốc gia (đối diện cổng Khu du lịch văn hóa Suối Tiên), BQL ĐSĐT bố trí cầu đi bộ vượt đường Võ Nguyên Giáp, các vế thang kết nối trực tiếp từ phía nhà ga tuyến ĐSĐT số 1 với Khu du lịch Suối Tiên (từ nhánh phải cầu bộ hành) và tiếp cận lối vào Đại học Quốc gia (từ nhánh trái) tạo sự kết nối thuận tiện, an toàn cho hành khách là khách du lịch, học sinh, sinh viên... khi đi và đến địa điểm này. Hiện nay, BQL ĐSĐT đã thi công xong các kết cấu phần dưới (cọc, móng cọc, trụ cầu) và dự kiến hoàn thành công tác lắp dầm cầu vào cuối tháng 7/2024 trước khi chuyển sang giai đoạn hoàn thiện kiến trúc.
Đơn vị thi công gấp rút đẩy nhanh tiến độ
Việc rào chắn thi công dự kiến kéo dài 3 tháng
Tương tự, tại ga Thủ Đức, cầu bộ hành có thiết kế băng ngang đường Võ Nguyên Giáp với các vế thang kết nối trực tiếp vào đường Song hành bên phải (Q9 cũ) và đường Song hành bên trái (Q.Thủ Đức cũ). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi công trụ TH2 (trụ nằm giữa dải phân cách trên đường Võ Nguyên Giáp và là trụ cuối cùng trong hạng mục cầu bộ hành), BQL ĐSĐT gặp phải một số khó khăn, vướng mắc liên quan việc rào chắn và phân luồng giao thông nhằm bảo đảm việc lưu thông an toàn tại vị trí này. Cụ thể, vị trí rào chắn thi công trụ TH2 nằm ngay dưới chân dốc cầu vượt thép, có lưu lượng xe lớn, tốc độ lưu thông cao và góc chuyển hướng đột ngột. Để thi công được trụ này, trong hơn ba tháng vừa qua, BQL ĐSĐT đã tích cực phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm Quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật TP.Thủ Đức và Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Xa lộ Hà Nội lên phương án, vừa bảo đảm an toàn trong thời gian thi công khi chưa điều chỉnh tim đường Võ Nguyên Giáp, vừa phối hợp thực hiện phương án cải tạo, tổ chức phân luồng giao thông lâu dài sau khi thi công, cần cải tạo dải phân cách, điều chỉnh tim đường để bảo đảm độ êm thuận, tạo điều kiện tốt nhất và an toàn cho các phương tiện lưu thông.
Rào chắn công trình thi công cầu bộ hành cho tuyến Metro số 1
Theo đó, các đơn vị thống nhất phương án tổ chức giao thông phục vụ thi công tại khu vực cầu vượt thép Thủ Đức như sau: Cấm các loại xe tải trên 5 tấn, xe sơ-mi rơ-moóc lưu thông trên cầu vượt thép Thủ Đức theo hướng từ nút giao thông Thủ Đức về cầu Sài Gòn. Lộ trình thay thế: Xa lộ Hà Nội - đường bên hông cầu vượt thép Thủ Đức - Võ Nguyên Giáp. Hạn chế tốc độ tối đa cho phép trên cầu vượt thép Thủ Đức (hướng lưu thông từ Đồng Nai về TPHCM) từ 60km/h thành 40km/h trong thời gian thi công trụ TH2. Trong quá trình thi công, các đơn vị liên quan theo dõi tình hình giao thông khu vực trên, đồng thời yêu cầu nhà thầu tăng cường bố trí nhân sự có kiến thức về điều tiết giao thông để cùng điều hành, phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Rạch Chiếc và Đội CSGT Công an TP.Thủ Đức bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.
Việc rào chắn thi công kết cấu trụ TH2 dự kiến kéo dài 3 tháng (theo Thông báo số 9460/TB-SGTVT ngày 19/7/2024), bắt đầu từ ngày 27/7/2024 đến ngày 29/10/2024. Tuy nhiên, BQL ĐSĐT hiện đang tích cực đôn đốc nhà thầu đề xuất các giải pháp bổ sung (huy động nhân sự, máy móc, tăng cường ca kíp làm việc...) nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, rút ngắn thời gian chiếm dụng hàng rào tại vị trí này, kịp thời công tác thi công xây dựng trong tháng 9, phục vụ cho việc vận hành, nghiệm thu gói thầu. Tiến độ tổng thể thi công cầu bộ hành dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ hạng mục kiến trúc của 5/9 cầu bộ hành (gồm Tân Cảng, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Công Nghệ Cao) trong tháng 7/2024; tháng 8/2024 hoàn thành cầu Thảo Điền, An Phú; tháng 9/2024 hoàn thành 2 cầu bộ hành cuối cùng (cầu Thủ Đức, Đại học Quốc Gia), tiến tới tổ chức kiểm tra nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong đầu quý IV/2024.