Cần quyết liệt giải quyết ùn tắc cửa ngõ phía Đông TPHCM:

Bài 2: Mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh để khu Đông cất cánh

Thứ Sáu, 05/06/2020 09:56  | Nam Anh

|

(CATP) Dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (Q9) được cho là công trình giao thông trọng điểm, cấp bách cần thực hiện trong năm 2020. Tại buổi làm việc với Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã có doanh nghiệp (DN) xung phong chi 300 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng tuyến này, nhưng chẳng hiểu sao đến nay DA vẫn nằm trên… giấy?

MONG XÓA ĐIỂM ÙN TẮC

Đường Nguyễn Duy Trinh là tuyến huyết mạch ở khu Đông Sài Gòn, nhưng mặt đường rất nhỏ hẹp, lại đi qua khu vực đông dân cư nên thường xảy ra TNGT. Ông Trần Văn Hùng - có gần 20 năm sống trong khu vực này - cho biết, việc đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến Nguyễn Duy Trinh hết sức cần thiết, mang tính cấp bách, bởi mặt đường nhỏ hẹp, thời gian cấm tải dài, trong khi tuyến này có lưu lượng phương tiện giao thông đông đúc, đặc biệt là xe trọng tải lớn thường xuyên ra vào cảng nên hay xảy ra ùn tắc và tai nạn.

Mỗi buổi sáng hoặc chiều muộn có hàng trăm xe container và ôtô tải nặng tham gia giao thông khiến tình trạng kẹt xe kéo dài, trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Có mặt tại đây, chúng tôi ghi nhận đường Nguyễn Duy Trinh có nhiều điểm giao cắt, giao thoa với nhiều tuyến đường quan trọng của TP như Võ Chí Công, XL Hà Nội, đường Vành đai 2 ra vào cảng Cát Lái... nên thường xảy ra ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm. Theo thống kê của người dân, mỗi năm trên tuyến này xảy ra hơn chục vụ TNGT, trong đó có 7 - 8 trường hợp chết người.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến và các đại biểu trong chuyến khảo sát đường Nguyễn Duy Trinh

Theo tài xế xe ôm Trần Văn Hiền, chỉ cần một va chạm nhỏ sẽ dẫn đến kẹt xe kéo dài. Mặt khác, đường Nguyễn Duy Trinh đi qua nhiều khu vực đông dân cư lại là tuyến độc đạo dẫn vào cảng Phú Hữu - mỗi ngày có hàng trăm xe container ra vào bốc dỡ hàng cũng là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc. Do đường ra vào cảng khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN.

Theo quan sát của chúng tôi, đường Nguyễn Duy Trinh rộng khoảng 7m, chỉ đủ để 2 làn xe cơ giới lưu thông, do thường xảy ra tai nạn nên tuyến này cũng được coi là "con đường tử thần"; tình trạng ùn tắc nghiêm trọng làm ảnh hưởng dây chuyền đến việc lưu thông của các phương tiện trên đường Vành đai 2 ra vào cảng Cát Lái, XL Hà Nội phía Q2 và đường Võ Chí Công, qua cầu Phú Mỹ về Q7. Vì vậy, việc mở rộng mặt đường sẽ là tia hy vọng cuối cùng nhằm cải thiện trật tự an toàn giao thông.

Anh Đoàn Mạnh Tuấn - bán tạp hóa trên tuyến này - cho rằng, tình trạng kẹt xe diễn ra hàng ngày, nhiều nhất là vào lúc sáng sớm và chiều tối. Đây cũng là nút thắt giao thông khiến cánh tài xế cũng như người điều khiển xe 2 bánh lưu thông vào giờ cao điểm phải nhích từng chút một rất khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng kẹt xe thường xuyên cũng khiến các hộ kinh doanh ven đường vắng khách. Anh Tuấn than thở, có khi ngay từ sáng sớm vừa mở cửa ra đã thấy kẹt xe; chưa hết, vào ban đêm hay giữa trưa vắng người, cánh tài xế thường phóng bạt mạng trên đường, rất dễ xảy ra tai nạn.

CHỜ DỰ ÁN THỰC HIÊN

Đánh giá đường Nguyễn Duy Trinh là tuyến huyết mạch đi qua nhiều khu dân cư Đông Sài Gòn, UBND TPHCM đã phê duyệt DA nâng cấp, mở rộng quy mô lên 30m, từ vòng xoay Vành đai 2 đến đường 990 dài 1,6km, không những giải quyết được bài toán giao thông cho thành phố, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các DN kinh doanh tại cảng Phú Hữu. Dù UBND TPHCM đã có nhiều công văn chỉ đạo mở rộng tuyến này, nhưng đến nay DA vẫn án binh bất động!

Còn nhớ vào buổi thị sát tuyến Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ vòng xoay Vành đai 2 đến đường 990 dẫn vào cảng Phú Hữu, Q9), Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, đây là tuyến đường hết sức quan trọng dẫn lên đường Vành đai 2 cũng như lối vào KCN Phú Hữu.

Đường Nguyễn Duy Trinh chỉ rộng 7m trong khi mật độ phương tiện lưu thông đông, rất dễ xảy ra tai nạn

Tại buổi làm việc, đại diện Công ty CP vận tải - thương mại quốc tế ITC Phú Hữu cho biết nếu tuyến này được nâng cấp, mở rộng lên 30m, 4 làn ôtô và 2 làn XM lưu thông với tổng chiều dài 1,6km sẽ tốn khoảng 930 tỷ đồng, DN sẵn sàng chi 300 tỷ để TP sớm thực hiện, chỉ mong TP sử dụng vốn ngân sách giải phóng mặt bằng. Riêng tiền làm đường, DN sẽ chịu trách nhiệm chung với TP, nhưng đến nay DA vẫn nằm trên giấy!

Trong buổi thị sát, ông Trần Vĩnh Tuyến đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) khẩn trương lên phương án để TP phê duyệt DA nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực theo quy hoạch, giảm tai nạn và ùn tắc, bên cạnh đó tạo điều kiện thuận lợi để người dân và các DN đẩy mạnh phát triển kinh tế khu Đông Sài Gòn.

Trong văn bản gửi Sở GTVT TP về việc đảm bảo an toàn trên đường Nguyễn Duy Trinh (chạy qua Q9 và Q2), ông Trần Vĩnh Tuyến giao Giám đốc Sở GTVT khẩn trương tiến hành thủ tục đầu tư mở rộng toàn tuyến theo quy định; trong đó chú trọng đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh đoạn qua Q9 nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc và TNGT, kết nối giao thông giữa KCN Phú Hữu với đường Vành đai 2 - TPHCM và tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Qua đó, nâng cao hiệu quả khai thác hoạt động của KCN Phú Hữu.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc và mở rộng mặt bằng đường Nguyễn Duy Trinh, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông - cho biết, UBNDTP đã quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư, giao BQLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ DA. Đơn vị đang gấp rút triển khai cụm DA nhằm giải tỏa ùn tắc khu vực "điểm đen" giao thông cảng Cát Lái. Trong đó, DA mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ Vành đai 2 đến đường vào KCN Phú Hữu (Q9) dài 1,6km là một trong những công trình được ưu tiên hàng đầu.

Theo phương án mở rộng được phê duyệt cuối năm 2019, đoạn dài 1,6km sẽ được mở rộng lên 30m, đủ cho 4 làn ôtô và 2 làn XM lưu thông; trong đó sẽ mở rộng nút giao thông Nguyễn Duy Trinh và đường 990 để đảm bảo đi các hướng thuận tiện, an toàn.

Tổng mức đầu tư DA là 832,2 tỷ đồng, thực hiện bằng vốn ngân sách TP. Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật khoảng 507,9 tỷ, chi phí xây dựng chừng 254,5 tỷ. Hiện nay, khó khăn lớn nhất của DA là vướng khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Ban quản lý DA đầu tư xây dựng các công trình giao thông đang phối hợp với UBND Q9 trong việc đàm phán với người dân.

(Còn tiếp...)

Bài 1: Bao giờ hết kẹt xe ở khu Đông?
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang