Cuối tháng 6/2020: Khởi công cải tạo sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất

Thứ Tư, 03/06/2020 21:33  | Hải Triều

|

(CAO) Bộ GTVT vừa thông tin về việc triển khai 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Đây là 2 dự án đầu tư công có tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó sân bay Nội Bài là 2.031 tỷ đồng, sân bay Tân Sơn Nhất 2.015 tỷ đồng.

Nguồn vốn, theo Bộ GTVT, được lấy từ một phần nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2019. Với nguồn vốn này, sân bay Nội Bài sẽ được cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 11L/29R (đường cất hạ cánh 1A) và đường cất hạ cánh 11R/29L (đường cất hạ cánh 1B); xây dựng mới các đường lăn thoát nhanh S3A, S5B, S6B; cải tạo, nâng cấp các đường lăn hiện hữu (S1, S1A, S2, S3, S4, S5, S5A, S6, S7).

Việc xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ cho sân bay Nội Bài cũng nằm trong nội dung đầu tư được công bố.

Đường lăn sân bay Nội Bài xuống cấp, lồi lõm như luống khoai. Ảnh: Việt Hùng

Đối với sân bay Tân Sơn Nhất, nội dung đầu tư gồm cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L; xây dựng mới các đường lăn thoát nhanh (W2A, W4A), đường lăn song song (W11A); xây dựng, cải tạo, nâng cấp các đoạn đường lăn nối (N1, W3, W5, W5A, W7, W9); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ.

Dự kiến, thời gian xây lắp diễn ra từ năm 2020 đến năm 2021, thời gian hoàn thành công tác thanh quyết toán năm 2022.

“Theo Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ, 2 dự án này là dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Trình tự thủ tục thực hiện xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp”- Bộ GTVT cho biết.

Mới đây, ngày 27/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Bộ GTVT được giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật để triển khai thực hiện.

Bộ GTVT là chủ đầu tư, Ban QLDA Thăng Long là đơn vị quản lý Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn CHKQT Nội Bài; Tổng công ty Cửu Long là đơn vị quản lý Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn CHKQT Tân Sơn Nhất.

Ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo để thực hiện Dự án, trong đó Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ trực tiếp đối với các cơ quan đơn vị như Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA Thăng Long và Tổng công ty Cửu Long, các cơ quan tham mưu của Bộ và các đơn vị Tư vấn Giám sát, Tư vấn thiết kế, Nhà thầu thi công để xây dựng phương án tổ chức thi công hợp lý nhất đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh trong quá trình thi công, đồng thời đảm bảo chất lượng, tiến độ của Dự án.

Về tiêu chí lựa nhà thầu xây lắp, ông Lâm khẳng định, phải đáp ứng điều kiện năng lực về tài chính, nhân sự chủ chốt đảm bảo bằng cấp, chứng chỉ phù hợp; có máy móc, trang thiết bị phù hợp với yêu cầu về kỹ thuật và tiến độ của dự án; về kinh nghiệm phải đảm bảo đã từng thi công công trình tương tự.

“Công tác này đang được khẩn trương thực hiện để tiến hành giao thầu xây lắp, đảm bảo tiến độ khởi công vào cuối tháng 6/2020” – ông Lâm nói.

Nội Bài và Tân Sơn Nhất là 2 cảng hàng không lớn nhất của cả nước, có vai trò rất quan trọng đối với giao thương trong nước và quốc tế, phục vụ các hoạt động chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng Vùng thủ đô Hà Nội và Vùng TPHCM nói riêng, cả nước nói chung.

Từ năm 2017 đến nay, do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng và áp suất bánh hơi lớn nên hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của 2 sân bay bị xuống cấp ngày càng nghiêm trọng.

Tình trạng xuống cấp kết cấu mặt đường băng như hiện nay, theo Bộ GTVT, nếu không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời có thể phải dừng khai thác hoạt động bay, gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế, chính trị tại 2 sân bay cửa ngõ lớn của đất nước, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước cũng như gây mất an toàn, an ninh hoạt động Hàng không.

Ngoài ra, hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn hiện hữu tại 2 sân bay này cũng không đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2025 với mức dự kiến là 44 triệu hành khách/năm đối với sân bay Nội Bài và 50 triệu hành khách/năm đối với sân bay Tân Sơn Nhất.

Bố trí vốn đầu tư công nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang