TPHCM: Truyền thông vào cuộc kịp thời hỗ trợ ngành du lịch phục hồi

Thứ Ba, 02/06/2020 20:55  | Lê Ngân

|

(CATP) Chiều 2-6, Hội Nhà báo TPHCM, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Sở Du lịch TPHCM phối hợp tổ chức Toạ đàm "Phát huy vai trò của truyền thông trong chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam".

Phát biểu đề dẫn của buổi toạ đàm, ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều ngành như du lịch, hàng không... đặc biệt khó khăn.

Ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM phát biểu tại buổi tọa đàm

Để chia sẻ khó khăn này, thời gian qua, các cơ quan truyền thông của TPHCM và cả nước đã vào cuộc kịp thời, thường xuyên thông tin để hỗ trợ, sớm phục hồi ngành du lịch, đặc biệt là vai trò của truyền thông trong chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" do Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch vừa phát động.

Góp ý kiến, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cũng nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", Báo Người Lao Động đã xây dựng chuyên trang để thông tin về chương trình, quảng bá các điểm đến, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch… Bởi ngay từ đầu, Báo xác định du lịch là ngành thiệt hại nặng nề và phải làm gì đó để hỗ trợ dưới góc độ một cơ quan truyền thông.

Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động nêu ý kiến tại buổi tọa đàm

"Trong hơn 2 tuần triển khai, chuyên trang "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" của Báo Người Lao Động đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia hơn dự kiến, đồng thời chúng tôi còn phối hợp với các địa phương cùng nhau quảng bá, kêu gọi người dân đi du lịch nội địa…, tạo sức lan toả. Báo cũng sẵng sàng giảm giá quảng cáo, hay cho doanh nghiệp nợ tiền quảng cáo 2-3 năm" - ông Tô Đình Tuân cho biết.

Ông Tuân đề xuất đẩy nhanh việc gói hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch cũng như miễn giảm thuế; chú trọng đến thành phần học sinh - sinh viên du lịch trải nghiệm thực tế đồng thời áp dụng phương thức du lịch trả góp; các đơn vị du lịch phải liên kết phân vai rõ ràng trong việc kích cầu hỗ trợ du lịch; đẩy mạnh truyền thông liên tục không ngắt quãng dễ bị người dân bỏ quên; ngành du lịch và truyền thông luôn quảng bá du lịch là nhu cầu không thể thiếu của đời sống, tái tạo sức lao động...

Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm

Còn ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel đề xuất phương án nhà nước hỗ trợ khách du lịch là mỗi khách đi tour trọn gói (khách mua dịch vụ lẻ không được hưởng) của công ty du lịch sẽ được tặng 1 triệu đồng, trừ trực tiếp vào giá tour và doanh nghiệp sẽ được nhà nước khấu trừ lại khi nộp thuế.

"Nếu từ nay đến cuối năm có khoảng 10 triệu lượt khách nội địa đi du lịch trong nước, nhà nước sẽ bỏ ra khoảng 10.000 tỉ đồng từ chính sách tặng 1 triệu đồng/du khách đi tour. Mỗi người đi du lịch sẽ chi tiêu ít nhất từ 3-5 triệu đồng, tương đương khoảng 30.000 - 50.000 tỉ đồng được đưa vào nền kinh tế và tạo gói quay vòng cho ngành du lịch. Chính sách này rất cần thiết để hồi sinh ngành du lịch" - ông Nguyễn Quốc Kỳ dẫn chứng.

Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines thông tin về cuộc họp giữa hãng với Cục Hàng không Việt Nam mới đây đã chọn ra một số thị trường như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… để từng bước khai thông quốc tế. Bởi thị trường quốc tế đóng vai trò rất quan trọng với ngành hàng không, du lịch.

Theo bà Võ Ngọc Thúy, Phó giám đốc Sở Du lịch, để kích cầu du lịch, Sở đưa ra câu slogan "Hello TPHCM City!” (ý nghĩa cởi mở, thân thiện, hướng đến tương lai) giới thiệu những điểm đến mới, an toàn, sinh động, có chương trình giảm giá cụ thể. Chẳng hạn tour tham quan di sản Biệt động Sài Gòn, du lịch sinh thái; kích cầu giảm giá có 24 doanh nghiệp, 26 khách sạn giảm giá 50-60%...

Bình luận (0)

Lên đầu trang