Bố trí vốn đầu tư công nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất

Thứ Ba, 17/03/2020 16:41  | Hải Triều

|

(CATP) Văn phòng Chính phủ hôm qua (16-3) đã ra thông báo kết luận cuộc họp của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

BỔ SUNG DỰ ÁN VÀO DANH MỤC ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN

Tại cuộc họp trước đó về vấn đề này, sau khi nghe Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, việc cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất (dự án) là cần thiết, cấp bách và phải có giải pháp quyết liệt, cần có để đầu tư ngay nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động hàng không.

Phó thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khảo sát, đánh giá, thẩm định để lập hồ sơ xác định tính cấp bách của nhiệm vụ này, trên cơ sở đó căn cứ các quy định về dự án khẩn cấp của Luật Đầu tư công 2019 để xem xét, quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm việc triển khai dự án, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Liên quan đến nguồn vốn đầu tư, Phó thủ tướng đồng ý bố trí nguồn vốn đầu tư công theo quy định để sớm triển khai dự án như đề xuất của các Bộ, cơ quan.

Cụ thể, đối với kế hoạch năm 2020, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tính toán, xác định nhu cầu vốn cụ thể; rà soát, điều chỉnh trong tổng số vốn đã được giao trong kế hoạch năm 2020 để cân đối vốn cho dự án.

Đối với số vốn còn thiếu cần bổ sung, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT tổng hợp chung trong phương án phân bổ sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2019, bảo đảm phù hợp với khả năng giải ngân của dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. "Trên cơ sở đó, Bộ GTVT thực hiện việc bổ sung danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đối với dự án theo đúng quy định" - thông báo nêu rõ.

Về việc bố trí vốn giai đoạn 2021 - 2025, Phó thủ tướng chỉ đạo, Bộ GTVT cân đối số vốn còn lại của dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ; gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp chung, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Cũng theo yêu cầu của Phó thủ tướng, các Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh khẩn trương phối hợp với Bộ GTVT để hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án theo đúng quy định.

Sân bay Tân Sơn Nhất đang bị quá tải. Ảnh: Ngọc Thạch

LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN TỐI ƯU

Xét về lâu dài, Phó thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu 3 phương án xử lý và báo cáo rõ cơ sở pháp lý, tính khả thi và thẩm quyền quyết định; trên cơ sở đó, lựa chọn phương án khả thi, tối ưu nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ba phương án đang được xem xét hiện nay gồm:

Phương án thứ nhất là giao ACV quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý (trong đó có đường cất hạ cánh và đường lăn tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất) theo hình thức đầu tư tăng vốn Nhà nước tại ACV, để tăng vốn điều lệ của ACV trên cơ sở cổ đông Nhà nước góp vốn bằng tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý không tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa ACV, bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật và chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Phương án thứ hai là đầu tư đường cất hạ cánh và đường lăn tại các cảng hàng không theo hình thức đầu tư đối tác công tư. Phương án thứ ba là sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng giao ACV chịu trách nhiệm đầu tư, duy tu, bảo dưỡng hạ tầng khu bay.

Trước đó, báo cáo Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho biết, ACV thường xuyên phải thực hiện duy tu, sửa chữa nhỏ để đảm bảo an toàn khai thác theo nguyên tắc "hỏng đâu sửa đó". Vì thế, theo ông Thanh, việc cải tạo, nâng cấp tổng thể hệ thống đường cất/ hạ cánh, đường lăn tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hết sức cấp bách, cần phải thực hiện ngay để đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng điều kiện khai thác cho các loại tàu bay thế hệ mới như A350-900 hoặc B787-9...

Bình luận (0)

Lên đầu trang