TPHCM: Vì sao cảng Cát Lái vẫn là "điểm nóng" ùn tắc?

Thứ Bảy, 04/04/2020 23:00  | Quang Hà

|

(CATP) Cảng Cát Lái đang chiếm 90% lượng container vào TPHCM, 40% lượng hàng xuất nhập của cả nước. Hiện lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu mỗi ngày qua cảng này khoảng 14.000 container. Thực hiện các giải pháp chống ùn tắc tại khu vực cửa ngõ cảng Cát Lái, mới đây, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM triển khai nhiều dự án, nhưng hiệu quả chưa rõ rệt. Hằng ngày, lượng xe ra vào khu vực này quá lớn nên vẫn còn xảy ra ùn ứ.

CÒN NHIỀU CÔNG TRÌNH TẠI KHU ĐÔNG VẪN Ì ẠCH

Theo quy hoạch đến năm 2020, năng lực hàng hóa dự kiến thông qua cảng Cát Lái là 37 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, vào năm 2018, sản lượng hàng đã vượt quy định, đạt 63,6 triệu tấn. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019, lượng hàng qua cảng này lên tới 58,8 triệu tấn. Lưu lượng xe ra vào cảng bình quân 16.100 lượt/ngày đêm, cao điểm lên đến 18.000 lượt/ngày đêm, vượt gấp đôi năng lực của tuyến đường.

Để giảm ùn tắc, TPHCM đã triển khai Đề án tạo thuận lợi thương mại, thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, với mục tiêu cắt giảm thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn hơn nữa thời gian làm thủ tục, giảm chi phí đi lại cho doanh nghiệp, giảm ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái và giao thông xung quanh cảng.

Theo quan sát của phóng viên, hiện nay, hàng hóa vận chuyển đi và đến cảng này chủ yếu bằng đường bộ, không có đường chuyên dùng. Mặc dù thời gian qua thành phố đã đầu tư, đưa vào khai thác một số công trình, như: cầu vượt và hầm chui tại nút giao Mỹ Thủy, cầu Bà Cua mới trên đường Võ Chí Công, cầu qua đảo Kim Cương, song hệ thống hạ tầng giao thông khu vực cảng này chưa được đầu tư đồng bộ. Tất cả các loại xe lưu thông ra vào khu vực cảng đều đi trên các tuyến đường Đồng Văn Cống, Võ Chí Công. Lưu lượng xe ra vào cảng đã vượt quá năng lực của các tuyến đường này.

Trong khi đó, hệ thống hạ tầng xung quanh khu vực vẫn chưa được đầu tư theo quy hoạch. Tuyến đường Nguyễn Duy Trinh hiện vẫn còn nhỏ, chỉ đủ cho 2 làn xe container lưu thông hai chiều, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc.

Theo quy hoạch, tuyến đường Đỗ Xuân Hợp đoạn từ cầu Nam Lý thay thế cho cống đập Rạch Chiếc đến đường Nguyễn Duy Trinh (Q9) do Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 quản lý, sẽ được mở rộng, nâng cấp, với chiều dài hơn 1,8km, rộng 30m, được xây dựng đồng bộ nền mặt đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước, cây xanh, hệ thống chiếu sáng, hào kỹ thuật..., tổng vốn đầu tư dự án là 360 tỷ đồng. Dự án đã được khởi công từ ngày 15-9-2018, chia thành 2 gói xây dựng. Gói xây lắp 1 sẽ thi công trong 340 ngày, gói xây lắp 2 sẽ thi công trong 360 ngày.

Song đến nay, công trình cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp đang trong tình trạng thi công ì ạch. Trên công trường xây dựng cầu Nam Lý, thường chỉ có vài công nhân trông coi máy móc, phương tiện cơ giới. Nhà thầu quây tôn làm rào chắn suốt 3 năm qua, làm mặt đường hẹp lại. Vào giờ cao điểm, khu vực này liên tục ùn tắc giao thông. Con đường Đỗ Xuân Hợp mới chỉ mở rộng dở dang đoạn từ đường Liên Phường tới lối rẽ vào đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Các tuyến đường Liên Phường, Võ Chí Công, mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao Mỹ Thủy), đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ nút Mỹ Thủy đến phà Cát Lái) vẫn đang được tiến hành và chưa hoàn thành. Trên các tuyến đường này, hiện chỗ nào cũng có công trình.

Các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái đang quá tải

NHIỀU CÔNG TRÌNH VẪN CÒN "NẰM TRÊN GIẤY"

Theo nhiều chuyên gia, về lâu dài, việc vận tải xe container bằng đường bộ sẽ phải thay thế bằng đường thủy giữa các cảng ICD đến cảng Cát Lái, nhằm giảm khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ. Hiện nay, TPHCM có 41 cảng hàng hóa đang khai thác, quy hoạch đến năm 2020 có 46 cảng, đến năm 2030 có 48 cảng. Song trên thực tế, cảng biển và các cảng ICD của thành phố vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng, trong khi hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển chiếm tỷ trọng rất lớn.

Để phát triển, chống ùn tắc, TPHCM cần phải đầu tư đồng bộ hệ thống cảng cạn ICD theo quy hoạch dọc tuyến các sông Đồng Nai, Sài Gòn, Vàm Cỏ, để vừa phục vụ di dời các cảng nội địa như cụm cảng Trường Thọ trong địa bàn thành phố, vừa giảm bớt áp lực cho giao thông khu vực cảng Cát Lái.

Theo Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TPHCM, thành phố đang gấp rút triển khai xây dựng để khép kín đường Vành đai 2 (đoạn phía Đông) và đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú (Q2), đầu tư xây dựng đường sắt chuyên dùng vận chuyển container từ Cát Lái đến các đầu mối giao thông trong khu vực...

Theo báo cáo của Sở GTVT TP, sở sẽ hoàn thành 53 dự án trong năm 2020. Trong đó, đấu thầu khởi công 35 dự án; phê duyệt 31 dự án chuyển tiếp; hoàn thành 36 dự án trong giai đoạn 2021 - 2025. Sở đang rà soát các quy định mới về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND TPHCM chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông thông qua hình thức này.

Trong số các dự án dự kiến phê duyệt, có nhiều dự án tại khu vực phía Đông thành phố như: cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Xiển (Q9, đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến đường vào cảng trung chuyển ICD - Long Bình), xây dựng đường ven sông Sài Gòn (Q2, đoạn từ đường Đặng Như Mai đến đường Vành đai 2)...

Việc đầu tư khép kín đường Vành đai 2, riêng đoạn 1, đoạn 2 và đoạn 4, UBNDTP đã có chủ trương đầu tư công dự án; hồ sơ dự án đã được các sở, ngành, đơn vị góp ý lần 2. Ban Giao thông thuộc Sở GTVT đang bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư công dự án.

Sở GTVT còn tham mưu, trình UBNDTP báo cáo, kiến nghị Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam về việc phân cấp quản lý các tuyến đường thủy nội địa quốc gia trên địa bàn thành phố; quy hoạch cụm cảng cạn ICD Long Bình phục vụ di dời cảng Trường Thọ; bổ sung tuyến vận tải đường thủy từ TPHCM đi Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và ngược lại; phát triển hệ thống cảng cạn trên địa bàn thành phố theo quy hoạch của Bộ GTVT.

Bình luận (0)

Lên đầu trang