(CAO) Sở GTVT TPHCM cho biết trên địa bàn TP có 22 bến đò ngang với gần 3 triệu lượt hành khách/năm. Đáng chú ý, dù quy định bắt buộc người đi đò phải mặc áo phao nhưng người dân còn chủ quan, không thực hiện.
Chiều 9-2, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP tuần qua. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì cuộc họp.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì cuộc họp
Tại buổi họp báo, ông Bùi Hòa An – Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết sau vụ chìm đò mới đây tại Đồng Nai khiến khiến 1 nạn nhân tử vong, Sở đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát tất cả các bến đò ngang trên địa bàn. Theo đó, hiện TP có 22 bến đò ngang phục vụ khoảng 3 triệu lượt hành khách/năm.
Ông Bùi Hòa An cho biết thời gian qua tình hình hoạt động của các phương tiện tại các bến đò ngang này ổn định, không xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GTVT TP thừa nhận có tình trạng hành khách đi đò ngang chủ quan, ít mặc áo phao dù trên đò có trang bị áo phao.
Liên quan đến đề xuất áp dụng hình thức hợp đồng BOT đối với hệ thống đường bộ hiện hữu, trong đó tập trung với các tuyến đường trục chính đô thị kết nối vùng quốc lộ đi qua địa phận TPHCM như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22… đại diện Sở GTVT TP cho biết việc thu hút được vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng từ khu vực tư nhân thông qua hình thức BOT là rất cần thiết.
Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Hòa An phát biểu tại buổi họp báo
Ông Bùi Hòa An cho biết vốn ngân sách hạn năm 2021-2025 của TP được bố trí là 141.000 tỷ đồng. Hiện nay vốn đầu tư cho giao thông chỉ đáp ứng khoảng 20% từ đầu tư công cho phát triển hệ thống giao thông TP. Trước đây, TP đã huy động được gần 10.000 tỷ theo hình thức hợp đồng BOT để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, hoàn thành đưa vào khai thác và đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân, đảm bảo an toàn giao thông, giảm kẹt xe, tăng cường lưu thông hàng hóa.
“Việc áp dụng đối với hình thức hợp đồng BOT là hình thức thu phí trực tiếp của người sử dụng để hoàn vốn đầu tư. Do đó, quá trình xác định và lựa chọn công trình đầu tư áp dụng hình thức hoạt động nêu trên, thành phố sẽ chủ động xem xét, đánh giá đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, của Nhà nước, của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật”, ông Bùi Hòa An nhấn mạnh.