(CAO) Trong năm 2013 TPHCM tập trung đẩy nhanh thủ tục thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách, kết nối vùng: Vành đai 2, Vành đai 4, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Bình Tiên…
Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) năm 2022 và kế hoạch thực hiện trong năm 2023.
Theo đó, trong năm 2022, Sở phối hợp chặt chẽ với Ban An toàn giao thông TP, Công an TP và các sở, ngành, quận, huyện có liên quan, đặc biệt là các nhóm phản ứng nhanh bảo đảm trật tự ATGT khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, trung tâm TP… góp phần bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn TP.
Đồng thời, công tác duy tu, bảo trì hệ thống giao thông được thực hiện kịp thời, đảm bảo điều kiện khai thác và đảm bảo ATGT. Công tác ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động giao thông vận tải được chú trọng triển khai.
Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn TP trong năm 2022 tăng cả 3 mặt so với cùng kỳ năm 2021. Nhưng so với cùng kỳ năm 2019 (trước khi xảy ra dịch Covid-19) giảm cả 3 mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương. Bên cạnh đó, số điểm đen TNGT phát sinh tăng cao so với năm 2020 và năm 2021.
Trong quý IV/2022, tình hình ùn tắc giao thông có chiều hướng gia tăng trở lại, một số tuyến đường ở các khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực cảng Cát Lái ở mức phục vụ rất cao; các tuyến đường cửa ngõ TPHCM đang quá tải vào giờ cao điểm và vào các ngày cuối tuần như Quốc lộ 1, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TPHCM - Trung Lương… Ngoài ra, đã phát sinh thêm 6 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông.
Trong năm 2023, Sở Giao thông Vận tải TPHCM thường xuyên rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông tại các nút giao thông, các tuyến đường theo thẩm quyền. Nghiên cứu tổ chức phân luồng khu vực trung tâm TP theo hướng hạn chế xe tải, xe khách lưu thông một số tuyến đường; cấm xe sơ mi rờ-móoc lưu thông vào nột số tuyến đường có mặt cắt ngang nhỏ, đường trục xuyên tâm TP. Nghiên cứu đề xuất việc thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực nội đô TP, báo cáo cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương thực hiện.
Đồng thời, rà soát tổ chức giao thông dọc tuyến metro số 1, khu vực nhà ga, kết nối với các nhà ga tuyến metro số 1, sắp xếp khu vực các bãi đỗ xe, nhà chờ xe buýt… khu vực đón trả khách nhằm phát huy hiệu quả đầu tư. Sử dụng ứng dụng mô hình dự báo tình hình giao thông đô thị của TP vào điều chỉnh tổ chức giao thông tại các điểm, khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông.
Mặt khác, phối hợp với các đơn vị liên quan ban hành kế hoạch chi tiết các giải pháp xử lý đối với 30 tuyến đường thường xảy ra TNGT (từ 4 vụ trở lên trong năm 2022), 7 điểm đen TNGT, 24 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông bằng các giải pháp phi công trình theo 3 mảng chính hạ tầng giao thông, tuyên truyền, xử lý vi phạm để tập trung triển khai thực hiện trong năm 2023. Cùng với đó, tiếp tục rà soát tổng hợp danh sách các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông giờ cao điểm để gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện có phương án huy động, bố trí lực lượng điều tiết giao thông.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các dự án trọng điểm như xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, xây dựng nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50, xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa… Đẩy nhanh thủ tục thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách, kết nối vùng: Vành đai 2, Vành đai 4, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Bình Tiên…