Lễ khởi công được triển khai đồng loạt tại 12 điểm cầu, trong đó điểm cầu trung tâm được đặt tại Quảng Ngãi, hai điểm cầu chính được tổ chức tại Quảng Bình, Hậu Giang và 9 điểm cầu phụ khác.
12 dự án có tổng chiều dài 729 km, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h, đi qua 15 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) với tổng mức đầu tư khoảng 147 nghìn tỷ đồng.
Cùng dự lễ khởi công tại các điểm cầu có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có dự án đi qua thực hiện nghi thức khởi công - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngày 10/1/2022, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết 44 về chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.
Chỉ 1 tháng sau, Chính phủ ban hành Nghị quyết 18 và sau đó tiếp tục ban hành Nghị quyết 119 để triển khai Nghị quyết 44 của Quốc hội, xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và ấn định thời gian hoàn thành dự án rất cụ thể.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, 12 dự án đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù, cùng sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc rốt ráo của các bộ ngành, các địa phương cùng sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân vùng dự án đi qua.
Nhờ đó, chỉ trong gần 1 năm, một khối lượng công việc lớn đã được giải quyết, từ khâu chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng, đảm bảo đủ điều kiện khởi công theo quy định của pháp luật toàn bộ 12 dự án, rút ngắn 1/2 thời gian làm thủ tục so với cách làm trước đây.
Trong khi đó, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1), đoạn Cam Lộ - La Sơn đã hoàn thành và được Bộ Giao thông vận tải tổ chức khánh thành đưa vào khai thác, sử dụng từ ngày 31/12/2022. Cũng dịp này, 3 đoạn cao tốc: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây được thông xe kỹ thuật và sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng trước ngày 30/4/2023.
Mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã dành nguồn lực lớn nhất phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không đã và đang được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng, miền, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển mới.
Thủ tướng phát biểu tại lễ khởi công - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nghị quyết Đại hội XIII đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong 10 năm tới, chúng ta phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000 - 2020, khoảng 1.000 km. Đây là nhiệm vụ khó khăn, song Thủ tướng tin tưởng chúng ta sẽ làm được với kinh nghiệm đã có, cùng quyết tâm, nỗ lực, sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân.
"Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi chúng ta phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bảo đảm tiến độ, không để kéo dài, không được đội vốn
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông với chiều dài 2.063 km nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kết nối Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, địa bàn chiếm 62,1% dân số và đóng góp 65,7% GDP cả nước, có quy mô rất lớn, vai trò động lực, tác động lan toả mạnh mẽ, ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, nâng cao năng lực cạnh canh quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, địa phương, tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp, đô thị mới.
Thủ tướng nhấn mạnh đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước, cùng với nhiều tuyến cao tốc khác đang được đầu tư trên khắp cả nước, trong đó có ưu tiên cho các vùng khó khăn như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền núi phía bắc. Dự án cũng là đòi hỏi khách quan của sự phát triển, là mong mỏi lớn của nhân dân ta, có ý nghĩa rất lớn về kinh tế, chính trị, xã hội với đất nước, với mọi người dân trên mọi miền cả nước.
Nhà nước đã dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt để đầu tư tuyến cao tốc xương sống này, đang đẩy nhanh tiến độ 11 dự án thành phần dài 654 km (quyết định đầu tư năm 2017) và khởi công 12 dự án thành phần dài 729 km (quyết định đầu tư năm 2021).
Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan, các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn; chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã rất quyết tâm, nỗ lực, với tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục khó khăn, hoàn thiện rất nhiều thủ tục, giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án.
Kết quả ban đầu là rất đáng khích lệ, nhưng thời gian tới, công việc rất lớn và nhiều khó khăn, thách thức, như phải sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại, trong đó có các nơi đông dân cư, dễ phát sinh khiếu kiện; chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các địa phương; việc thi công khối lượng rất lớn trên nhiều địa bàn khác nhau, trong thời gian không dài và chịu tác động của thời tiết.
Yêu cầu đặt ra đối với việc thực hiện dự án là: Bảo đảm tiến độ, không để kéo dài; không được đội vốn, tăng tổng mức đầu tư; bảo đảm chất lượng thi công, yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật; bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để xảy ra, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tuân thủ nghiêm, đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra; thưởng phạt nghiêm minh, kịp thời; kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh về giá, nguyên vật liệu, nhân lực, thiết kế…
Thủ tướng gặp gỡ, động viên một số hộ dân nhường mặt bằng để làm đường cao tốc Bắc-Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
"Phải xem việc này như việc nhà mình, đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện..."
Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 nối thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị, cá nhân tham gia dự án phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, tuân thủ quy định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả, thực hiện các công việc chủ động, tích cực, không trông chờ, ỷ lại, không đùn đẩy trách nhiệm, làm việc thực chất với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đấy, chủ động nắm bắt tình hình, giải quyết các vấn đề đặt ra, tăng cường kỷ luật kỷ cương.
"Phải xem việc này như việc nhà mình, đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm là có hiệu quả, có sản phẩm cụ thể, được nhân dân và các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thừa nhận", Thủ tướng nêu rõ.
Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo các ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại, xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn, giữ gìn môi trường; tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo các dự án thành phần hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu.
Các bộ, ngành liên quan của Trung ương, UBND 32 tỉnh, thành phố có dự án đi qua phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để Ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả. UBND các tỉnh cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các nhà thầu thi công dự án một cách nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp chỉ đạo, thành lập các tổ công tác để giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan tới mỏ vật liệu.
UBND các tỉnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý II/2023. Đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới, nơi canh tác mới bằng và tốt hơn nơi ở cũ để người dân ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
Các nhà thầu thi công phải huy động đầy đủ nhân lực, thiết bị, tài chính để tập trung hoàn thành gói thầu. Các nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thi công phải thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm trong khảo sát, lập dự toán, giám sát thi công các gói thầu, hoàn toàn chịu trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật nếu để xảy ra sai phạm.
Thủ tướng nêu rõ đầu tư hạ tầng giao thông không chỉ là nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải mà còn là nhiệm vụ của các địa phương, các bộ, ngành vì chính lợi ích thiết thực của các địa phương, vì sự phát triển của đất nước. Chính phủ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành dự án đúng tiến độ, chất lượng; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...