(CAO) Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã ký công văn khẩn gởi Bộ Giao thông vận tải nhằm báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các Dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 TPHCM…
Theo quy hoạch đã công bố, tuyến đường Vành đai 4 TPHCM là tuyến vành đai cao tốc thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia có chiều dài 199 km (đi qua địa giới hành chính của 05 tỉnh, thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM và Long An); vận tốc thiết kế 100km/h; quy mô 8 làn xe và được đầu tư trước năm 2030.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, các địa phương đã cơ bản hoàn tất công tác lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án của đường Vành đai 4 TP. Cụ thể, đối với đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn (do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền) có chiều dài khoảng 18,17km; khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 7.972 tỷ đồng đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; dự kiến trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư trong quý IV năm 2024.
Tương tự, đối với đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên, do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền) có chiều dài khoảng 45,54km; khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1 khoảng 19.151 tỷ đồng cũng đã cơ bản hoàn tất bước đầu.
Riêng đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn, do UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền) có chiều dài khoảng 47,45km; khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 19.827 tỷ đồng hiện đang lập Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần.
Đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (bao gồm cầu Phú Thuận vượt sông Sài Gòn và cầu kênh Thầy Cai, do UBND TP là cơ quan có thẩm quyền) có chiều dài khoảng 17,3km; khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1, theo phương án hướng tuyến kiến nghị) khoảng 14.089 tỷ đồng cũng cơ bản hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; chưa được cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; dự kiến trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư trong quý IV năm 2024.
Theo quy hoạch, tuyến đường Vành đai 4 TPHCM đi qua địa phận 5 tỉnh, thành phố (Ảnh minh họa)
Cuối cùng là đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM, do UBND tỉnh Long An làm cơ quan có thẩm quyền) có chiều dài khoảng 78,3km (trong đó đoạn qua tỉnh Long An dài 74,5 km, TPHCM dài 3,8 km); khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 67.024 tỷ đồng (trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Long An 64.182 tỷ đồng, đoạn qua địa phận huyện Nhà Bè 2.842 tỷ đồng) cũng đang chờ được được cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; dự kiến trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư trong quý IV năm 2024.
UBND TPHCM cho biết, trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ để triển khai dự án này, các địa phương đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: chưa có cơ chế cho địa phương được sử dụng nguồn vốn Ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư các dự án đường Vành đai 4; cơ chế được sử dụng Ngân sách địa phương hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án; nguồn vốn Nhà nước tham gia các dự án lớn, trong khi nguồn vốn Ngân sách địa phương đang khó khăn, khó cân đối, bố trí để tham gia dự án; tỷ lệ vốn Ngân sách tham gia hỗ trợ dự án trên 50% tổng mức đầu tư dự án; đồng thời cần một số cơ chế, chính sách đặc thù trong quá trình triển khai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Vì vậy, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, để việc triển khai thực hiện các Dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 TPHCM được diễn ra theo đúng quy trình và đảm bảo tiến độ, UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cần chủ trì, phối hợp UBND TP, UBND các tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu) có ý kiến hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án Vành đai 4 TP đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, phù hợp với quy hoạch được duyệt và đồng bộ về các yếu tố kinh tế - kỹ thuật trên toàn tuyến.
Song song đó, cần phối hợp chặt chẽ với UBND 5 tỉnh, thành phố trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho các dự án Vành đai 4 TP; cũng như chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở Giao thông vận tải các địa phương cập nhật hướng tuyến đã nghiên cứu trong hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án Vành đai 4 vào hồ sơ Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải sớm xem xét, có ý kiến về sự cần thiết điều chỉnh, cập nhật các nội dung đã thay đổi (quy mô mặt cắt ngang, hướng tuyến...) trong hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án Vành đai 4 TPHCM so với Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 TP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2011.