(CAO) Từ ngày 1/1/2025, người dân có thể tra cứu thông tin về phạt nguội và gửi phản ánh vi phạm giao thông qua ứng dụng VNeTraffic trên điện thoại di động. Đây là một ứng dụng giao thông trên thiết bị di động dành cho công dân do Bộ Công an quản lý, vận hành, được quy định trong Thông tư 73/2024 quy định về công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông.
Theo quy định, trong trường hợp vi phạm giao thông nhưng không thể dừng phương tiện để xử lý, trong 10 ngày kể từ khi phát hiện vi phạm, cán bộ có thẩm quyền sẽ xác định thông tin về phương tiện vi phạm.
Sau đó, thông báo sẽ được gửi tới chủ phương tiện qua văn bản hoặc qua ứng dụng VNeTraffic, yêu cầu đến cơ quan chức năng để giải quyết.
Thông tin vi phạm sẽ được công khai trên website của Cục Cảnh sát giao thông và trên ứng dụng VNeTraffic để người dân dễ dàng tra cứu.
Các thông tin bao gồm loại phương tiện, biển số, màu biển số, thời gian và địa điểm xảy ra vi phạm, hành vi vi phạm, đơn vị phát hiện và đơn vị xử lý, cùng số điện thoại liên hệ để giải quyết vụ việc.
VNeTraffic có thể được tải về điện thoại di động từ Google Play (với Android) hoặc App Store (đối với iOS). Người dân sẽ quét mã QR trên Căn cước công dân gắn chíp để điền các thông tin cá nhân; tiếp đến nhập mã OTP gửi về, thiết lập mật khẩu và xác nhận hoàn thành để đăng ký tài khoản.
Trong app VNeTraffic, ngoài tra cứu vi phạm phạt nguội, người dân có thể tạo phản ánh bằng cách truy cập vào mục tạo phản ánh. Sau đó chọn loại phản ánh, địa điểm xảy ra vụ việc, mô tả, cung cấp thêm hình ảnh/video để cảnh sát xử lý; cuối cùng ấn vào "gửi phản ánh".
Như vậy, từ năm 2025, ngoài cách tra cứu trên website của Cục Cảnh sát giao thông, người dân có thêm lựa chọn tiện lợi hơn thông qua ứng dụng VNeTraffic.
Đây là bước cải tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa quản lý và tăng cường minh bạch trong xử lý vi phạm giao thông.
Theo Nghị định 176/2024 có hiệu lực từ 1/1/2025, cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh về vi phạm trật tự, an toàn giao thông, có thể hỗ trợ không quá 10% tổng số tiền phạt cho mỗi vụ việc và tối đa là 5 triệu đồng/vụ.