(CATP) Nhiều người vừa đi ôtô trên cao tốc từ Dầu Giây (Đồng Nai) đến TP.Phan Thiết (Bình Thuận), hay trên nhiều tuyến cao tốc cả nước, đang băn khoăn ở chỗ chưa có đèn chiếu sáng ban đêm.
Đi vào ban ngày chắc ít ai để ý ở giữa và hai bên phần đường đều không tìm thấy trụ điện chiếu sáng, chỉ đến khi qua đây lúc trời tối mới biết rõ rằng chưa được lắp đặt hệ thống đèn đường. Cảm giác thiếu an toàn xuất hiện ở nhiều hành khách trên xe giường nằm đang đồng hành với chúng tôi.
Những tài xế hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của đèn chiếu sáng ban đêm trên đường. Với các tuyến cao tốc, điều này càng cần thiết hơn, bởi dòng ôtô hai chiều, dù được tách biệt bằng dải phân cách cứng, nhưng lưu thông tốc độ cao, buổi tối ánh đèn của hàng trăm xe lớn nhỏ chạy ngược chiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tầm nhìn của tài xế.
Cũng cần nhớ rằng tuyến cao tốc luôn quy định tốc độ cho từng đoạn đường, chỉ một số ít quãng đường xe chạy khoảng 60km/h, còn lại hầu hết phải lưu thông từ 80km/h trở lên. Lý trình đi qua nhiều vùng có địa hình xuyên đồi, rừng cây rất trống trải, ban đêm trong xe nhìn ra ngoài thấy tối mịt, các lái xe rất cần có sự trợ giúp của hệ thống đèn chiếu sáng trên đường. Đặt giả thiết vào buổi tối có bò, dê, cừu... bỗng nhiên băng ngang đường hoặc nhởn nhơ "đi dạo", việc phát hiện từ xa sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, tất nhiên với điều kiện quan sát tốt và được sự trợ giúp từ ánh đèn đường.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Từng xảy ra chuyện có tuyến cao tốc đưa vào khai thác chưa bao lâu đã bộc lộ một số nhược điểm: không có trạm dừng chân, ngập nước khi mưa lớn. Những vấn đề này đang được khẩn trương khắc phục. Vì vậy, tiến hành bổ sung đèn chiếu sáng ban đêm cho cao tốc cũng là việc "cần làm ngay"!
Nhân tiện rà soát lại các tuyến cao tốc đã thông xe hoặc đang xây dựng, kịp thời bổ sung những khiếm khuyết (nếu có) để bảo đảm an toàn đồng thời tiết kiệm đáng kể chi phí, tránh trường hợp khánh thành rồi mới phát hiện và khắc phục sẽ mất nhiều thời gian và tốn kém.
Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam số 5729/2012 quy định đường cao tốc phải có đèn chiếu sáng ở hai nơi bắt buộc là trạm thu phí và trong hầm. Ngoài ra khuyến khích có đèn ở nơi giao nhau liên thông, trạm phục vụ kỹ thuật hay những biển báo chỉ dẫn quan trọng; còn trên các đoạn đường thẳng không có công trình khác thì không lắp vì tài xế có thể lóa mắt. Ở các nước phương Tây từng áp dụng điều này, nhưng nhiều tài xế đi các tuyến cao tốc ở nước ta cho rằng chất lượng mặt đường một số đoạn cao tốc chưa tốt nên vẫn cần đèn đường "rọi" sáng.
Anh Nguyễn Trung Dũng (40 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TPHCM), tài xế chuyên chạy tuyến TPHCM - miền Tây, chia sẻ, cao tốc TPHCM - Trung Lương chỗ có đèn, chỗ không có; chỗ có đèn chạy được 120 km/h thấy bình thường và nhìn rất rõ các xe khác; chỗ không có đèn rất khó thấy, cần xem lại mật độ lắp đèn để không gây lóa mắt cho tài xế, nếu khoảng cách giữa các đèn hợp lý thì sẽ giúp tầm nhìn tốt hơn. Nếu không có đèn và với chất lượng đường chưa tốt như Việt Nam thì khả năng tai nạn dễ xảy ra. Trường hợp không có đèn, tài xế sẽ dùng đèn chiếu xa, càng dễ gây lóa mắt hơn. Ngoài ra, tiết kiệm điện không có nghĩa là không sử dụng điện.
Lưu lượng xe qua lại ngày một tăng, nhất là vào dịp lễ, Tết sắp tới, cho nên có đèn đường càng sớm càng an toàn trên các tuyến cao tốc.