Vietnam Airlines đối mặt nguy cơ thiếu hụt dòng tiền để hoạt động

Thứ Sáu, 12/06/2020 18:16

|

(CAO) Dù thị trường hàng không nội địa đã có những bước hồi phục tích cực nhưng với những thiệt hại to lớn từ dịch bệnh Covid 19 gây nên, Vietnam Airlines cho biết nếu không có sự hỗ trợ sớm từ phía Chính phủ thì đến tháng 8-2020 sẽ đối mặt với nguy cơ không còn tiền mặt để hoạt động.

Tình hình dịch bệnh Covid 19 đã tác động rất lớn đến ngành hàng không của toàn thế giới. Theo thống kê của Hiệp hội vận tải hàng không Quốc tế (IATA) cho thấy sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã “đốt” 41% (tương đương 157 tỷ USD) giá trị vốn hóa của 116 hãng hàng không niêm yết trên thế giới.

Đến ngày 9-6, IATA cho biết dịch bệnh Covid 19 đã làm suy giảm 419 tỷ USD doanh thu của toàn ngành hàng không, tức khoảng 50%. Theo dự báo của IATA, ảnh hưởng của Covid 19 sẽ khiến ngành hàng không lỗ 84 tỷ USD trong năm 2020 và lỗ tiếp 16 tỷ USD nữa trong năm 2021.

Vietnam Airlines đối mặt với nguy cơ thiếu hụt dòng tiền để duy trì hoạt động

Phải đến giữa 2022 thì các hãng hàng không mới có thể quay về điểm xuất phát cuối năm 2019. Tại Việt Nam, IATA dự báo thiệt hại do Covid 19 với các hãng hàng không có thể lên tới 4,3 tỷ USD doanh thu.

Ông Trịnh Thanh Hiền, Trưởng ban tài chính kế toán của Vietnam Airlines cho biết với tình hình dịch bịch đang diễn biến phức tạp hiện nay thì chưa thể nói trước được điều gì. Năm 2020, Vietnam Airline dự kiến sản lượng cả năm giảm 48% và doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng so với 2019. Sau khi cắt giảm chi phí, Vietnam Airlines dự kiến còn lỗ gần 15.000-16.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Với các công ty thành viên như Jetstar Pacific Airlines sản lượng 6 tháng đầu năm 2020 cũng giảm 64%; doanh thu giảm 64,2% so cùng kỳ. Dự kiến trong năm 2020, Jetstar Pacific Airlines sẽ lỗ khoảng 1.200 tỷ VNĐ.

Dù tình hình dịch bệnh Covid 19 ở Việt Nam đã được kiểm soát tốt và thị trường hàng không nội địa đã có bước phục hồi khá tích cực nhưng với tình hình các đường bay quốc tế chưa được khơi thông nên theo Vietnam Airlines khó khăn phía trước còn rất lớn.

Theo ông Hiền, việc dịch bệnh Covid 19 bùng phát bất ngờ khiến tất cả các hãng không đều không lường trước được vấn đề quản trị rui ro.

“Đến hết tháng 5-2020, hầu hết các hãng hàng không đều đã không còn tiền mặt. Với Vietnam Airlines, nếu không có hỗ trợ kịp thời của Chính phủ thì đến tháng 8-2020 cũng sẽ rơi vào tình cảnh cạn kiệt dòng tiền”, ông Hiền nói.

Dù thị trường nội địa hồi phục tích cực nhưng khó khăn vẫn chưa hết đeo bám ngành hàng không

Để vượt qua khó khăn, Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ hỗ trợ với tư cách là chủ sở hữu 86% cổ phần cho vay khoảng 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước với thời gian tối thiểu 3 năm và có bảo lãnh của Chính phủ.

Đồng thời phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn. Quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo 12.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn trung-dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô khoảng 10.000 tỷ VNĐ để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.

Trong tháng 5 và 6-2020, Vietnam Airlines dự kiến mở thêm 13 đường bay nội địa. Hiện Vietnam Airlines đã khôi phục tất cả các đường bay nội địa. Từ đầu tháng 7-2020, sẽ sẵn sàng khai thác các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Asean ngay khi Chính phủ cho phép nối lại các đường bay. Đồng thời, chuẩn bị phương án bay lại Châu Âu vào cuối năm 2020 và khả năng bay Mỹ trong năm 2021 tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang