Dự án cao tốc Bắc - Nam: Không nên cứ khó khăn lại dùng ngân sách

Thứ Năm, 11/06/2020 22:57

|

(CAO) Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu quan điểm khi cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Không có nhiều ý kiến thảo luận tại phiên họp chiều nay (11/6) xung quanh đề xuất của Chính phủ chuyển đổi sang đầu tư công đối với 3 dự án thành phần, gồm: đoạn tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Mai Sơn - Quốc lộ 45 và đoạn tuyến Phan Thiết - Dầu Giây. Điều này có thể được lý giải là do đa phần đại biểu đã tán thành.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm thảo luận tại Hội trường

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) bày tỏ băn khoăn khi tỷ trọng đầu tư theo hình thức đối tác công tư chỉ còn 40% tổng chiều dài dự án thay vì 81% như mục tiêu ban đầu. Kêu gọi đầu tư từ xã hội theo đó cũng chỉ khoảng 22%, đầu tư bằng ngân sách lên tới 78%.

5 dự án còn lại tiếp tục triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công tư, nhưng với thực tế hiện nay và khả năng cho vay của Ngân hàng như Chính phủ báo cáo thì ông Hàm lo ngại, không có gì đảm bảo sẽ lựa chọn được nhà đầu tư.

“Đây là vấn đề cần quan tâm để chấn chỉnh khâu dự báo chuẩn bị đầu tư các dự án đối tác công tư” – đại biểu Hàm lưu ý. Ông cũng đề nghị phải xem xét lại vì sao không thực hiện được kêu gọi đầu tư.

“Việc chuyển đầu tư này là bất đắc dĩ, không nên tạo thành tiền lệ và tạo thành nếp nghĩ khó khăn là dùng ngân sách, cứ dùng ngân sách thì mới bảo đảm khả năng thành công” – đại biểu Hàm nêu quan điểm.

Theo ông Hàm, nếu cách đây gần 3 năm đầu tư toàn bộ dự án bằng ngân sách thì cũng chỉ cần thêm 22.000 tỷ và đến giờ cơ bản gần xong dự án.

Chung quan điểm, đai biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, đến nay, việc triển khai dự án đã quá chậm so với Quốc hội đặt, cần gác lại những tồn tại trong quá khứ cùng quyết tâm chính trị để triển khai dự án này.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) góp ý tại phiên thảo luận

Song theo đại biểu này, việc chuyển 2 dự án thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45; Phan Thiết-Dầu Giây sang đầu tư công không thuyết phục và sẽ nảy sinh những mâu thuẫn, đồng thời đi ngược với chủ trương, các tiêu chí căn cứ để Quốc hội quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam.

“Vì hai dự án này có lưu lượng vận tải và giá trị thương mại cao nhất, cần phải ưu tiên đầu tư PPP” – đại biểu Sinh nêu lý lẽ và đề nghị kết hợp hai phương án do Chính phủ đề xuất là Quốc lộ 45 Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu.

“Hai dự án này có lưu lượng vận tải thấp, giá trị thương mại thấp và mỗi dự án chỉ có 2 nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển. Tổng số vốn ngân sách cũng chỉ cần bổ sung thêm 12.707 tỷ, tức là giảm 10.757 tỷ đồng so với phương án của Chính phủ trình” – ông Sinh phân tích.

Thực hiện phương án như trên, đại biểu Quảng Trị khẳng định sẽ huy động được thêm 10.765 tỷ đồng vốn tư nhân để đầu tư cho dự án.

Một yêu cầu quan trọng nữa, được đại biểu Hàm nêu ra, là cần đánh giá tác động đến nợ công khi chuyển đổi hình thức đầu tư, điều chưa được đánh giá cụ thể trong báo cáo của Chính phủ.

“Theo báo cáo nợ công của Chính phủ, năm 2020, 2021 rất nhiều khoản nợ đến hạn trả. Số nợ phải trả lớn và bội chi phải tăng để khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 dẫn đến phát hành trái phiếu Chính phủ sẽ khó khăn do quy mô thị trường trái phiếu còn nhỏ, tiềm lực tài chính của các tổ chức tài chính phi ngân hàng còn hạn chế, dư địa các quĩ tài chính ngoài ngân sách và ngân hàng thương mại để mua trái phiếu hạn hẹp” – ông Hàm chỉ ra.

Từ thực tế này, đại biểu của Phú Thọ khẳng định cần tính toán kỹ khả năng hấp thụ của thị trường trái phiếu khi phát sinh các khoản vay mới, xem xét khả năng vay và giá phải trả để sắp xếp lại các khoản vay, ưu tiên cho nhiệm vụ cấp bách và cho dự án cao tốc Bắc Nam.

“Kiểm soát nợ công hiện nay không chỉ tính đến trần nợ công, khả năng trả nợ mà còn phải tính đến khả năng vay, tức là vay được không, giá phải trả như thế nào” – ông Hàm cảnh báo.

Cũng theo đại biểu Hàm, để triển khai được các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư cần lượng vốn tín dụng rất lớn nên Chính phủ và Ngân hàng nhà nước cần có giải pháp tháo gỡ để tiếp tục triển khai 5 dự án thành phần còn lại của dự án cao tốc Bắc Nam và các dự án BOT trong thời gian tới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang