TPHCM: Xe máy vẫn nườm nượp chạy ngược chiều, "phi" vào đường cấm

Thứ Tư, 26/04/2023 16:02  | Hải Văn

|

(CATP) Mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp đi ngược chiều, sai làn đường... gây mất an toàn giao thông, nhưng nhiều người vẫn ngang nhiên "cúp cua" chạy ngược chiều, chạy sai làn đường, leo vỉa hè... thậm chí chạy cả vào đường cấm, gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Nườm nượp chạy ngược chiều

Qua công tác quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT thành phố phát hiện tình trạng xe máy chạy ngược chiều diễn ra thường xuyên tại nhiều tuyến đường trên địa bàn. Bất chấp việc bị Sở GTVT thành phố "điểm tên", tình trạng xe máy chạy ngược chiều vẫn diễn ra thường xuyên.

Ghi nhận tại đường Điện Biên Phủ (đoạn từ đường Phan Liêm đến Mạc Đĩnh Chi) cho thấy, hầu như thời điểm nào trong ngày, đoạn đường trên cũng có hàng trăm xe gắn máy, xe ba gác nối đuôi nhau từ đường Phan Liêm chạy ngược chiều qua đường Điện Biên Phủ để vào đường Mạc Đĩnh Chi. Vào giờ cao điểm, xe cộ nườm nượp đổ dồn về khiến đoạn đường này bị kẹt xe cục bộ.

Anh Nguyễn Phương Bình (ngụ Q.Bình Thạnh) bức xúc: "Mỗi lần qua ngã ba Mạc Đĩnh Chi - Điện Biên Phủ đều phải căng mắt ra ngó bên trái, nhìn bên phải. Ở ngã ba này lúc nào cũng có xe cộ đột ngột băng ngang qua đường nên chỉ cần mất tập trung một chút là có thể xảy ra va chạm. Nhiều hôm, tôi bị họ va quẹt xong rồi còn bị cự cãi um xùm".

Cách đó hơn trăm mét, việc đi ngược chiều tại đường Nguyễn Văn Giai (Q1) cũng xảy ra phổ biến. Theo lộ trình, muốn đi từ đường Nguyễn Văn Giai sang Huỳnh Khương Ninh, người điều khiển phương tiện giao thông phải đi theo chiều thuận của đường Đinh Tiên Hoàng và Võ Thị Sáu (do 2 tuyến này là đường một chiều), sau đó, rẽ trái vào đường Phan Liêm mới đến Huỳnh Khương Ninh.

Tuy nhiên, để cho nhanh, nhiều người đã cắt ngang đường Đinh Tiên Hoàng rồi phi thẳng từ đường Nguyễn Văn Giai sang Huỳnh Khương Ninh. Khu vực được nhiều người chọn "nhảy cóc" này nằm gần ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, vốn có rất nhiều phương tiện giao thông ôm cua, lưu thông qua lại nên thường xuyên xảy ra tình trạng phanh gấp, giao thông ùn ứ.

Leo vỉa hè và chạy ngược chiều trên đường Trường Chinh

Chạy ngược chiều nhiều nhất phải kể đến các khu vực dọc Quốc lộ (QL) 1A. Ghi nhận tại khu vực ngã ba Trạm Hai cho thấy, bất chấp xe container, xe ben, xe tải chạy rầm rập, tại đoạn đường từ cổng chào Trường đại học Nông Lâm TPHCM đến đường Chu Văn An trên QL1A, mỗi ngày có hàng trăm xe gắn máy, xe ba gác nối đuôi nhau chạy ngược chiều, trong đó có không ít người là học sinh, sinh viên. Không chỉ đi ngược chiều, nhiều người còn không đội mũ bảo hiểm, chở 3, phóng nhanh vượt ẩu.

Anh Lê Văn Tùng (ngụ TP.Thủ Đức) cho biết, anh thường đi giao hàng cho khách ở khu vực làng đại học Thủ Đức. Nếu đi từ ngã ba Trạm Hai vào làng đại học này, xe gắn máy phải vòng lên ngã tư Khu Công nghệ cao, sau đó chạy về ngã ba 621 mới vào được làng đại học. Lộ trình này vừa xa vừa tốn xăng. Để rút ngăn thời gian và tiết kiệm nhiên liệu, anh chọn phương án chạy ngược chiều. Việc "đi tắt đón đầu" này tuy tiết kiệm được 1/5 chặng đường, nhưng anh lại đối mặt với nhiều rủi ro như: dễ bị Cảnh sát Giao thông (CSGT) thổi phạt, dễ bị cán đinh và va quẹt với dòng xe chạy xuôi chiều.

Mặc dù các chiến sĩ CSGT thường xuyên túc trực để điều tiết giao thông, xử phạt vi phạm, nhưng ngày nào cũng có rất nhiều người ngang nhiên chạy ngược chiều từ ngã tư Bình Phước đến Chợ đầu mối Thủ Đức (TP.Thủ Đức). Hôm nào thấy CSGT chốt chặn, nhiều người liền quay đầu di chuyển đúng luật hoặc xuống xe dẫn bộ. Vắng CSGT, họ lại nối đuôi nhau chạy ngược chiều. Đoạn đường từ ngã tư Bình Phước đến Chợ đầu mối Thủ Đức vốn khá hẹp, bên đường bị nhiều quán sá, hàng rong, xe đẩy chiếm dụng, mỗi ngày, đoạn đường trên lại có một lượng lớn xe khách, xe container, xe tải qua lại nườm nượp cộng với tình trạng xe cộ chạy ngược chiều khiến giao thông ở đây trở nên quá lộn xộn.

Xe máy chạy vào đường ôtô trên đường Phạm Văn Đồng

Tại ngã ba Quốc lộ 1A - Tô Ngọc Vân (Q12), tình trạng chạy ngược chiều, vi phạm Luật Giao thông diễn ra như cơm bữa. Để đi từ khu vực xung quanh Bến xe Ngã Tư Ga (P.Thạnh Lộc, Q12) sang cầu Bến Phân để vào Q.Gò Vấp, người điều khiển phương tiện giao thông phải đi qua hầm chui cầu Bến Cát hoặc cầu vượt ngã Tư Ga. Tuy nhiên, do lộ trình này khá dài nên nhiều người đã cúp cua băng ngang qua QL1A rồi chạy ngược chiều vào đường Tô Ngọc Vân, bất chấp khu vực trên thường xuyên có xe container, xe bồn, xe tải... qua lại nườm nượp.

Tương tự, tại các khu vực như, trước cổng Công ty PouYuen Việt Nam (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân), trước Công ty cân Nhơn Hòa (P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức), ngã tư Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh)... tình trạng xe máy đi ngược chiều diễn ra nhan nhản, gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Vô đường cấm, leo vỉa hè

Bên cạnh việc chạy ngược chiều, Sở GTVT thành phố còn cho biết, hiện có rất nhiều xe gắn máy chạy vào làn đường dành cho ôtô.

Nhằm "cởi trói" ùn tắc giao thông trên hai tuyến đường Phạm Văn Đồng và Trường Chinh, từ ngày 23/4/2016, Sở GTVT thành phố đã tăng khung thời gian cho phép xe máy được lưu thông vào làn phía bên phải nằm sát dãy phân cách giữa đường ôtô và đường hỗn hợp ôtô - xe máy. Cụ thể, đường Trường Chinh - đoạn từ đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) đến đường Phan Văn Hớn (Q12); đường Phạm Văn Đồng - đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) đến đường số 38 (TP.Thủ Đức). Thời gian được phép di chuyển từ 6 giờ - 8 giờ và từ 16 giờ - 19 giờ. Tốc độ tối đa từ 80km/giờ xuống 60km/giờ.

Từ ngày 25/5/2019, Sở GTVT thành phố điều chỉnh tăng khung thời gian xe máy lưu thông vào làn bên phải của đường ôtô tại 2 tuyến đường trên từ 6 giờ - 9 giờ và từ 16 giờ - 20 giờ. Sở GTVT điều chỉnh là vậy, tuy nhiên hiện có rất nhiều xe gắn máy không nghiêm túc chấp hành. Trưa 24/4, có mặt tại đường Phạm Văn Đồng, phóng viên ghi nhận, sau khi lưu thông qua cầu vượt ngã tư Bình Triệu, thay vì di chuyển vào làn hỗn hợp, nhiều xe gắn máy tiếp tục lưu thông trên làn đường dành cho ôtô. Có xe còn lạng lách, lấn tuyến ra giữa đường ôtô rồi phóng vù vù về hướng thành phố Thủ Đức. Ở chiều ngược lại, nhiều xe gắn máy cũng bỏ qua làn hỗn hợp, chạy ào ào vào làn đường ôtô để lên cầu vượt ngã tư Bình Triệu.

Nhiều trường hợp chạy ngược chiều trên QL1A

Không chỉ chạy ngược chiều, tình trạng xe máy lưu thông vào làn đường ôtô tại ngã ba Trường Chinh - Phạm Văn Bạch diễn ra thường xuyên. Tương tự, ở cửa ngõ phía Tây Nam của thành phố, tình trạng xe máy chạy lấn qua làn đường ôtô trên QL 1A diễn ra nhan nhản khiến giao thông tại khu vực này bị ùn tắc như cơm bữa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn.

Bên cạnh chạy lấn len, lấn làn, nhiều xe máy còn phóng vù vù trên vỉa hè. Ghi nhận tại khu vực trước cổng Khu công nghiệp Tân Bình (Q.Tân Bình) cho thấy, mỗi khi có đèn đỏ, thay vì dừng lại chờ tín hiệu giao thông thì nhiều người đi xe máy trên đường Trường Chinh ngang nhiên leo lên vỉa hè rồi quẹo phải vào đường Tây Thạnh. Ở phía đối diện, nhiều xe máy cũng leo vỉa hè và chạy ngược chiều từ đường Tống Văn Hên qua đường Trần Thái Tông.

Tại các tuyến đường như: Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh)... tình trạng xe gắn máy chạy băng băng trên vỉa hè diễn ra hàng ngày. Việc bị xe máy càn lướt thường xuyên khiến nhiều đoạn gạch lát vỉa hè bị bong tróc thành "ổ gà”, "ổ trâu", trông thật nham nhở, nhếch nhác.

Trong số những người chạy ngược chiều, lấn len, lấn tuyến, leo vỉa hè... có không ít người là tài xế xe ôm công nghệ. Nhiều hãng xe ôm công nghệ lớn như Grab, Bee, Gojek... đã yêu cầu tài xế phải tuân thủ Luật Giao thông Đường bộ Việt Nam như không lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều. Nếu vi phạm, tài xế sẽ bị khóa tài khoản vĩnh viễn. Tuy nhiên, việc quản lý tài khoản của tài xế xe ôm công nghệ vi phạm giao thông vẫn chưa được cơ quan chủ quản thực hiện triệt để.

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 20/12/2019, người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "cấm đi ngược chiều" sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Ngoài xử phạt hành chính, người thực hiện hành vi trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. Hành vi đi xe máy trên vỉa hè và vào làn đường ôtô sẽ bị phạt từ 400 - 600 ngàn đồng. Nếu đi sai làn gây ra tai nạn thì còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng. Pháp luật quy định là vậy, tuy nhiên vẫn chưa được nhiều người nghiêm túc chấp hành khiến giao thông vốn kẹt xe triền miên lại càng thêm phức tạp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang