Xử nghiêm 'xe dù bến lậu' vì kinh doanh lành mạnh

Thứ Năm, 23/02/2017 19:25

|

Văn Phòng Chính Phủ đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân TP.HCM trả lời đề nghị xử lý nghiêm tình trạng ‘xe dù, bến lậu’.

Vận chuyển hành khách đòi hỏi điều kiện về xe, bến bãi, nhân sự … Mục đích của các quy định này nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách, đảm bảo an ninh trật tự xung quanh bến bãi.

Vừa qua, hàng loạt các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại TP.HCM đã có kiến nghị gửi Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ đề nghị xử lý nghiêm ‘xe khách trá hình’, ‘bến xe khách lậu’.

Theo kiến nghị này, ‘xe khách trá hình’ và ‘bến xe khách lậu’ đã gây thất thu thuế, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, bất bình đẳng giữa đơn vị làm ăn chân chính và các đơn vị hoạt động ‘trá hình’ dẫn đến đã có nhiều doanh nghiệp vận tải phải thu hẹp sản xuất, bỏ bến xe để ra ngoài cạnh tranh với ‘xe khách trá hình’. Theo kiến nghị này, nổi cộm trong lĩnh vực vận tải hành khách là các sai phạm kéo dài của Công ty TNHH Thành Bưởi.

Từ việc lập bến xe lậu…

Công văn của Văn phòng Chính phủ

Theo quy định, bến xe phải đủ tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy, phù hợp với phương án kinh doanh và quy hoạch của Nhà nước. Doanh nghiệp vận chuyển hành khách theo hợp đồng thì không được bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách dưới mọi hình thức. UBND Quận 10 đã có báo cáo số 8489/BC-UBND, nêu rõ: Qua kiểm tra, UBND quận 10 phát hiện địa điểm kinh doanh của Công ty Thành Bưởi tại 419 Lê Hồng Phong, quận 10 là “bến xe trá hình”, không theo quy hoạch, không đúng phương án kinh doanh của doanh nghiệp, Công ty Thành Bưởi có dấu hiệu nhận đặt chỗ cho hành khách đối với loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng, Công ty Thành Bưởi vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy ... Các vi phạm này gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn cháy nổ tại địa bàn, tạo sự bức xúc trong nhân dân.

Thành ủy, UBND TP HCM đã chỉ đạo kiên quyết dẹp bến xe “lậu”, Sở Giao thông vận tải TP.HCM nêu sẽ dẹp bến xe “lậu” như của Công ty Thành Bưởi trong tháng 8/2016. Nhưng sau đó, bến xe của Công ty Thành Bưởi hoạt động càng nhộn nhịp hơn. Ngay cả khi có lệnh cấm đường của Sở Giao thông Vận tải, xe của Công ty Thành Bưởi vẫn vi phạm. Không những thế, Công ty Thành Bưởi, đơn vị sai phạm lại gửi đơn “tố” ngược Sở Giao thông Vận tải “triệt” đường kinh doanh của mình.

… đến sử đất công trái phép, thu lời bất chính

Bến xe của Công ty Thành Bưởi tồn tại trên mảnh đất hơn 10.000 m2 do Công ty CP Giày Sài Gòn (là doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa) sử dụng theo Hợp đồng thuê của Nhà nước, trả tiền hàng năm, để làm văn phòng, nhà xưởng sản xuất giày dép, túi xách.

Bến xe tại 419 Lê Hồng Phong, TP.HCM. (Ảnh GT)

Hợp đồng thuê đất không cho phép Công ty Giày Gài Gòn cho thuê lại hoặc sử dụng đất sai mục đích. Việc Nhà nước cho thuê đất nhằm để Công ty Giày Sài Gòn (sau khi cổ phần hóa) tiếp tục phát triển ngành nghề kinh doanh truyền thống, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Giá thuê đất hàng năm Công ty Giày Sài Gòn phải trả cho Nhà nước là 100.000 đồng/m2, tức chưa đến 10.000 đồng/m2 cho mỗi tháng. Giá thuê này được áp dụng suốt từ năm 2007 và không hề thay đổi trong suốt 10 năm qua.

Công ty Giày Sài Gòn đã không sử dụng các ưu đãi này để tạo công ăn việc làm. Hiện công ty đã ngừng các hoạt động sản xuất, nợ thuế hơn 16 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty Giày Sài Gòn lại để cho Công ty Thành Bưởi sử dụng trái phép đến 4.500 m2 đất của Nhà nước và thu lợi hơn 400 triệu đồng mỗi tháng.

UBND quận 10 đã chỉ đạo xử phạt vi phạm hành chính với Công ty Giày Sài Gòn, đồng thời buộc Công ty này nộp lại số tiền thu lợi bất chính, đề nghị UBND TP HCM thu hồi đất của Công ty Giày Sài Gòn để làm trường học. Dù có nhiều chỉ đạo từ Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP.HCM, các vi phạm của Công ty Thành Bưởi, của Công ty Giày Sài Gòn liên quan đến việc lập “bến xe trá hình” trên mảnh đất có giá hàng ngàn tỷ giữa trung tâm thành phố vẫn diễn ra công khai trong nhiều năm.

Môi trường kinh doanh lành mạnh không chỉ cần có khung pháp lý minh bạch, mà còn cần sự tuân thủ của các doanh nghiệp, của cơ quan quản lý. Không thể có sự cạnh tranh công bằng nếu các doanh nghiệp lại có các mức độ tuân thủ luật định khác nhau. Doanh nghiệp phải chịu các chi phí nhất định để tuân thủ các điều kiện kinh doanh thì không thể cạnh tranh với những doanh nghiệp bất chấp các điều kiện kinh doanh. Doanh nghiệp nộp thuế đầy đủ thì không thể cạnh tranh với những doanh nghiệp không nộp thuế. Doanh nghiệp phải bỏ tiền đầu tư bến bãi theo giá thị trường thì không thể cạnh tranh với doanh nghiệp sử dụng đất trái phép của Nhà nước …

Như vậy, việc các cơ quan quản lý Nhà nước thực thi triệt để các quy định pháp luật, xử lý nghiêm các sai phạm là yếu tố quan trọng để duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh công bằng.

Với trả lời kiến nghị của Văn phòng Chính Phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước tại TP.HCM sẽ xử lý dứt điểm các sai phạm của Công ty Thành Bưởi và Công ty Giày Sài Gòn.

http://m.baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/kien-nghi-xu-ly-ben-lau-cua-cong-ty-thanh-buoi-3329792/

Bình luận (0)

Lên đầu trang