Đêm ấy có 5 gia đình nhận tin dữ: người thân phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Một buổi tối bình thường bỗng biến thành đêm dài ngỡ như không bao giờ kết thúc...
TỪ ĐAM MÊ ĐẾN “NGHIỆP” ĐA MANG
Một buổi tối trung tuần tháng 5-2018, người dân TPHCM và các tỉnh thành lân cận như Đồng Nai, Bình Dương bàng hoàng trước hung tin nhóm phòng chống tội phạm đường phố Q.Tân Bình (TPHCM) do ông Trần Văn Hoàng phụ trách bị 2 đối tượng “đá xế” dùng hung khí chống trả, khiến 2 trong số 5 thành viên vĩnh viễn ra đi, trong khi ông Hoàng rơi vào nguy kịch.
Vợ chồng ông Hoàng bên nơi mưu sinh của gia đình
Trong ký ức những người ở lại, cả hai anh Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM), Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê Bình Định, tạm trú Q.Tân Bình, TPHCM) đều là những người tốt bụng và ít nói. Riêng đối với anh Thôi, điều khiến chúng tôi ấn tượng chính là trí nhớ siêu phàm của anh. Trong một lần theo chân nhóm bám đuôi băng trộm ở Q.Bình Tân, nhờ thuộc nằm lòng hàng chục biển số xe của các đối tượng, anh Thôi đã góp phần quan trọng giúp nhận diện chính xác phương tiện chúng sử dụng.
Chương trình Giao lưu “Gương sáng phố phường” do Báo Công an TPHCM phối hợp cùng Đài Truyền hình thành phố (HTV) và Cung Văn hóa Lao Động thành phố tổ chức hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19-8), nhằm tuyên dương những tấm gương tiêu biểu trong lực lượng Công an và quần chúng nhân dân tại TPHCM có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chương trình Giao lưu “Gương sáng phố phường” lần thứ 19 - 2018 diễn ra vào lúc 9 sáng 12-8 tại Cung Văn hóa Lao Động thành phố và sẽ phát trên HTV vào dịp 19-8.
Các nhân vật trong bài viết này sẽ tham gia giao lưu tại chương trình.
Còn với Nguyễn Hoàng Nam - thành viên nhỏ nhất nhóm, kỷ niệm về chàng trai trẻ mê bắt cướp với cả nhóm chính là mối tình dang dở của anh với người vợ sắp cưới. “Nó còn chưa thực hiện được tâm nguyện thì lại...” - anh Nguyễn Công Tường, thành viên kỳ cựu của nhóm, ngậm ngùi nhớ lại câu chuyện về người em út thân thương.
Trở về sau lần chạm mặt tử thần, hàng ngày ông Trần Văn Hoàng vẫn chạy xe ôm chở khách và phụ vợ buôn bán mưu sinh. Suốt hơn 20 năm qua, ông vẫn rong ruổi khắp Sài Gòn theo dõi các đối tượng để góp phần ngăn chặn. Ông cùng các anh em trong nhóm từng tham gia bắt hàng trăm vụ, giúp Công an thành phố bảo vệ bình yên trên những nẻo đường...
Bà Nguyễn Thị Xí - vợ ông Hoàng - cho biết: “Suốt mấy chục năm gắn bó cùng người chồng “thích lo chuyện bao đồng”, đến lúc này thay vì phản đối, tôi quyết định để ông ấy theo đuổi niềm đam mê và sẽ trở thành hậu phương vững chắc để ông ấy yên tâm làm việc nghĩa”.
Những nhát chém gây thương tích và vết xương sườn gãy khi bắt cướp trên phố mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức, nhưng ông Hoàng quyết không từ bỏ công việc này, bởi với ông đây là việc làm trượng nghĩa mà người từng học võ như ông luôn ghi nhớ như cái nghiệp ở đời. “Ráng dăm ba tháng nữa khỏe hẳn, chú lại dẫn tụi nhỏ ra đường...”, ông chia sẻ.
ĐỨNG LÊN TỪ NƠI NGÃ XUỐNG
Từ ngày biến cố ập đến, cho đến nay cả nhóm Tân Bình vẫn tiếp tục duy trì hoạt động đều đặn, tích cực phối hợp với công an trong công tác phòng chống tội phạm. Các anh đã biến nỗi đau vô hình thành động lực để những người ở lại tiếp tục bước tiếp, mặc dù phía sau mỗi chân dung chính là những góc khuất số phận không thể diễn tả bằng lời.
Trong số này có hai chàng trai nhiệt huyết và quả cảm khác là Nguyễn Đức Huy, Đinh Phú Quý. Từ những lần đọc những thông tin nghĩa hiệp của nhóm trên các phương tiện thông tin đại chúng, lần lượt trong 2 năm 2015 và 2017, Nguyễn Đức Huy - sinh viên Đại học Công nghiệp TPHCM và Đinh Phú Quý - sinh viên Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM - đã quyết định tham gia nhóm phòng chống tội phạm đường phố Q.Tân Bình.
Nhóm phòng chống tội phạm đường phố Q.Tân Bình bắt nóng một đối tượng cướp giật
Dù cuộc sống còn bộn bề lo toan, vừa đi học vừa làm thêm kiếm tiền trang trải việc học, nhưng Huy - Quý vẫn dành thời gian tham gia việc nghĩa cùng nhóm. Đến nay, 2 chàng trai này đã tham gia khống chế nhiều vụ cướp giật trên địa bàn, nêu cao tinh thần đấu tranh với tội phạm đồng thời thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Đặc biệt, dù thời gian gần đây không còn trực tiếp lần theo dấu vết tội phạm nhưng thủ lĩnh tinh thần Trần Văn Hoàng vẫn âm thầm đứng phía sau hỗ trợ các thành viên. “Ngày nào còn gắn bó với đam mê này thì ngày đó, tôi sẽ không cho phép xảy ra thêm bất kỳ sự hy sinh nào nữa”, ông nhấn mạnh.
Theo anh Hoàng Văn Kiên (30 tuổi, ngụ Q.Tân Bình), thành viên nhóm Tân Bình, việc bắt cướp bây giờ ngoài niềm đam mê, còn cần phải có kinh nghiệm và sự tỉnh táo để xử lý tình huống. “Mỗi khi phát hiện đối tượng, anh em trong nhóm sẽ thông báo cho cảnh sát hình sự để tìm phương án giải quyết tốt nhất”, anh chia sẻ.
Đứng lên từ nơi ngã xuống chính là ý chí và quyết tâm mà những người ở lại muốn tiếp tục duy trì. Nỗi đau giờ đã trở thành kinh nghiệm xương máu cho các thế hệ sau và việc truyền đạt, thổi bùng lên ngọn lửa đam mê hành hiệp chính là phần việc mà ông Hoàng và các thành viên kỳ cựu trong nhóm quyết tâm thực hiện.
Tội phạm ngày một manh động và những đóng góp âm thầm của nhóm đã tiếp sức cho lực lượng cảnh sát. Sự ra đi của các anh giúp làm ấm lại trái tim nhân ái của toàn xã hội, khiến nhiều người bừng tỉnh để nhận ra một điều giản dị, nhưng đã trở thành chân lý: sự ra đi của họ không vô ích. Những con người tay không tấc sắt đã dùng chính sinh mạng mình chống lại cái xấu, cái ác, nên những người ở lại sẽ tiếp tục bảo vệ những giá trị chân chính và đáng quý này.