Đặc sản mùa lũ hút hàng, dân biên giới “xuất ngoại” đánh bắt

Thứ Hai, 30/09/2019 19:47  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Hiện nhiều loại thủy sản mùa nước nổi đang hút hàng, trong đó có cá linh – loài đặc sản được ưa chuộng. Do vậy, nhiều người dân sang bên kia biên giới đánh bắt mang về bán cho thương lái Việt Nam.

Vàm Cỏ Lau (ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, H.An Phú, An Giang) trước đây được xem là ngư trường đánh bắt của hàng trăm gia đình, nhưng nay đó là chuyện của quá khứ.
Ông Năm Đằng (65 tuổi) - người có hơn nửa đời gắn bó với cánh đồng này kể, trước đây, cứ hễ đến mùa nước lũ là gió rất mạnh, nước chảy rất dữ. Đêm đến người dân ra đánh bắt đỏ đèn, còn giờ may mắn lắm chỉ thấy thấp thoáng vài chiếc.
Ông Đằng cất trại nhỏ trên nền đất trồng màu, khi nước lũ về trại được độn thùng phuy thành chiếc bè nổi. Thời điểm này, chiếc rớ rộng 1.000m2 phơi nắng nhiều hơn là đặt dưới nước vì vắng bóng cá, tôm.
Sau cuộc trò chuyện, lão Năm Đằng ra khởi động máy kéo chiếc rớ lên khỏi mặt nước nhưng chiến lợi phẩm thu được chỉ 2 con cá nhỏ chỉ bằng 3 ngón tay. Chỉ tay về phía cánh đồng nước bên kia biên giới, lão Năm Đằng nói: “Bên kia đánh bắt nhộn nhịp hơn, chứ làm kiểu này sống không nổi”.
Sản lượng cá đánh bắt ngày một giảm, nên người dân vùng biên chỉ còn cách “xuất ngoại”.
Do vậy, đến hẹn là người dân ở các xã như: Vĩnh Hội Đông, Phú Hội, Khánh An, Phú Hữu (H.An Phú, An Giang) sang xã Pung Xăng (H.Prây Chusa) hay xã An Phú, TT.Tịnh Biên, Nhà Bàng sang H.Kiri Vong (tỉnh Tà Keo) để đóng thuế đặt lọp cua đồng, cá lóc, đóng đáy cá linh…
Vợ chồng chạy xuồng từ bên kia biên giới mang 21kg cá linh còn sống cân cho bạn hàng với giá 60 ngàn đồng/kg, ông Sáu Măng (52 tuổi) cho biết, vợ chồng làm nghề đặt lờ cá linh đến nay đã hơn 20 năm. Năm nay, gia đình thuê mặt nước ở Campuchia đặt 250 cái lờ cá linh với giá 5,5 triệu đồng/vụ, thay vì chỉ 5 triệu như năm rồi”.
“Làm nghề này sóng gió lạnh lắm và 2 giờ khuya là vợ chồng nấu cơm rồi chạy qua bên kia là sáng. Khi đến nơi là đặt tới chiều mới xong và đến sáng hôm sau mới đổ bắt cá. Nghề này vất vả lắm, tuy nhiên vẫn phải bám trụ vì không đất vườn. Đi trong đêm nên muỗi mòng dữ lắm, nhất là lạnh thấu xương khi phải trầm mình suốt dưới nước” – ông Sáu Măng kể.
Ông Năm Sài (ngụ xã Phú Hữu) cho biết, con trai ông sang Campuchia thuê đồng đặt lọp cá linh nửa tháng nay.
Ông Năm Sài tâm sự: “Mình sống ở khu vực biên giới thì phải chịu thiệt và họ đòi giá sao người dân bên này cũng phải chấp nhận. Không đóng mà lén lút khai thác lỡ bị bắt và bị phạt cả trăm triệu đồng chứ không phải đơn giản”.
Đối với những hộ đặt lọp cá lóc, dớn, đóng đáy, số tiền đó đóng thuế thường dao động từ vài chục đến hơn trăm triệu đồng.
Cá sau khi đánh bắt sẽ mang về cân cho thương lái ở Vàm Cỏ Lau. Người dân nơi đây gọi là “chợ cá linh” bởi có hoạt động mua bán giữa người dân và thương lái cũng như hoạt động sáng đêm, ghe xuồng từ khắp nơi cứ thể tấp nập đổ về.
Không phải tự dưng mà người dân đem cá tới chợ bán, mà giữa họ có sự ràng buộc. Đầu mùa nước lên, mỗi bạn hàng phải tìm ngư dân đặt mối thu mua, rồi cho họ mượn tiền làm vốn. Mỗi người mượn ít cũng 10 triệu, nhiều lên đến vài chục triệu đồng. Số tiền này sẽ được trừ vào tiền bán cá hàng ngày hoặc hẹn đến cuối mùa thì trả lại, tuỳ theo thoả thuận.
Giữa trưa, một vài xuồng chở cá xuôi dòng từ bên kia biên giới cập vào kênh Năm Xã, cánh bạn hàng bắt đầu í ới gọi nhau. Mang cá lên chợ cân, ông Nguyễn Văn Hải (50 tuổi) cho biết: “Người làm nghề hạ bạc như tôi nên mùa lũ hàng năm đều đến đây để bán hàng cho thương lái. Năm nay, tôi đầu tư hơn 30 triệu đồng để mua sắm lọp, lờ để đánh bắt cá linh. Năm nay tuy có lũ nhưng lượng cá bắt được giảm hơn một nửa”.
Theo lời ông Hải, với 200 cái lọp mấy năm trước gia đình ông đổ cá đầy mấy khoang xuồng. Nhiều hôm hết chỗ phải ngưng đổ lọp vì sợ cá chết, còn nay chỉ mong được 20 – 30kg là mừng.
Theo quan sát của phóng viên, người đứng ra thu mua cá của ngư dân là bà Nguyễn Thị Diễm (ngụ ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu).
Bà Diễm cho biết: Bà làm nghề thu mua cá linh gần 20 năm. Năm nay, nước lên trễ nên lượng cá đến thời điểm này thu mua không nhiều, chỉ khoảng 150kg/ngày, thay vì cả tấn cùng thời điểm năm trước. Mỗi mùa lũ gia đình bà làm được từ 2 – 3 tháng.
“Ngày xưa, việc thu mua cá linh bằng ghe đục, còn giờ ít nên mình không thuê người đi chở mà các hộ dân mang đến đây cân. Trước đây điểm thu mua trên kia nhưng 3 năm trước lộ quốc phòng được xây dựng nên dời về đây. Số ngư dân mang cá đến cho tôi cân khoảng 30 hộ. Mỗi ký cá mình cân bán lại kiếm được tiền lãi 5 ngàn đồng. Cá sau đó được giao lại cho các bạn hàng lớn” – chồng bà Diễm cho hay.
 
Theo lời bà Diễm, lúc nào cũng chuẩn bị một chiếc xuồng lớn đậu dưới bến để chạy ra đồng lũ cân hàng nếu sóng to, gió lớn ngư dân không chạy về được, bất kể ngày đêm.
Bất chấp cái nắng gắt nhưng vẫn ngồi trên đê để đợi cá về, chị Võ Thị Ngọc (32 tuổi) cho biết: “Cá linh mình cân giá 60 ngàn bán ra 80 ngàn đồng/kg. Mấy ngày nay, lượng cá người dân bắt được ít ỏi nên tôi phải ngồi chờ đợi như thế này! Nhiều hôm tôi tranh thủ đi từ 2, 3 giờ sáng mà vẫn không có hàng để cân”.
Ngoài cá, cua, ốc cũng là mặt hàng được đánh bắt từ Campuchia chở sang cân cho thương lái Việt Nam.
Giá bán và mua các loài đặc sản mùa lũ tăng từ vài ngàn cho đến vài chục ngàn đồng/kg.

Bình luận (0)

Lên đầu trang