Từ đó, nông dân lần lượt chuyển nghề để có nguồn thu nhập chờ đến vụ sản xuất tiếp theo. Việc săn bắt nhẹ nhàng, cho thu nhập khá nhưng đổi lại phải thức trắng đêm, đối mặt nguy hiểm rình rập.
Anh Toàn đang móc sình tô bãi trước khi cho mồi lót để săn ếch
SĂN “GÀ ĐỒNG” Ở ĐỒNG LUNG
Ở miền Tây, ếch đồng còn được người dân gọi là “gà đồng” vì thịt trắng, ngon giống như thịt gà. Nơi săn bắt nhộn nhịp phải kể đến là xã Hòa An - một vùng đất lung trũng của huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang). Để bắt ếch người dân thường đi cắm câu, với mồi là cá biển hoặc ốc bươu vàng trộn thuốc bắc. Đây là một nghề đơn giản, dễ làm và cho nguồn thu nhập cao.
Gắn bó với nghề nay đã 30 năm, ông Sáu Thạch kể: “Trước kia, xứ này có hàng trăm người làm nghề cắm câu ếch, nay đã giảm hơn một nửa. Dù gia đình ít đất vườn nhưng nhờ nó mà cuộc sống cũng tạm ổn”. Theo ông Thạch, bí quyết của những người làm nghề là “bài thuốc” mạnh và mồi lót phải được phơi ngoài nắng 2 ngày cho đến khi bốc mùi.
Vừa chuyển sang làm nghề lái máy hút rơm cuộn chứ không còn cắm câu ếch thường xuyên như trước, anh Nguyễn Văn Toàn (31 tuổi) cho biết: Mùa săn “gà đồng” diễn ra khi vụ lúa hè thu kết thúc, cho đến khi nước lũ ngập trắng xóa các cánh đồng. Lúc này bà con đã thu hoạch xong vụ mùa, đồng trống ếch, nhái không còn nơi trú ngụ, kéo nhau vào bờ tìm nơi ẩn nấp, chờ đêm xuống bò ra ăn mồi. Mỗi người thường mang theo từ 100 – 200 cần câu, cắm từ 15 giờ cho đến khi trời vừa sập tối.
Mồi lót được cho lên bãi sình.
Mồi được móc vào lưỡi câu.
Chiều xuống, chúng tôi tháp tùng cùng anh Toàn làm cuộc hành trình đi cắm câu ếch. Thời điểm này cánh “thợ săn” vẫn đi bộ chứ không phải xuồng như năm có lũ. Theo quan sát, địa điểm cắm câu là những bờ mẫu bao quanh các mảng lúa non (gốc rạ mới đâm đọt).
Khi đến một bờ mẫu có mương nước cạnh bên, anh Toàn thò tay xuống ruộng móc lên đất rồi đắp lên bờ, tha cho láng và mở nắp chai lấy mồi lót cho lên bãi đất. Sau đó lấy cần câu móc miếng mồi ốc vào cắm xuống, rồi để mồi có lưỡi câu trên mặt bãi đất.
Ếch dính câu.
Xong việc vừa đi anh Toàn vừa bộc bạch: “Nếu muốn dính được nhiều ếch phải chọn những bờ thấp, trống cỏ hoặc ít cỏ và tô sình non vì đặc tính của ếch rất thích như thế khi về đêm. Câu cắm xuống nếu thấy mé bờ có cỏ thì làm trống một đường thông với mé nước, bởi khi bị động ếch nhảy xuống rồi vẫn tìm lên ăn mồi”.
Quá trình tháp tùng, chúng tôi thấy có nhiều địa hình chỉ vài bước chân là cánh thợ săn xuống cần, nhưng có nhiều khu vực lội xa cả cây số.
Trước thắc mắc trên, anh Toàn và ông Thạch cho biết, thường chỉ xuống câu ở những nơi biết có nhiều ếch hoặc không có ai xuống câu trước đó. Ngoài ra, theo những người này, dây cần câu giờ chỉ làm khoảng 20cm để khi dính ếch không kéo được xuống nước, bởi xuống nước là sẩy hết.
“Giờ cắm câu số ếch bắt được ít hơn rất nhiều so với trước, bởi thời gian gần đây nhiều người dùng bã thuốc. Khu vực nào họ làm 3 tháng sau mình cắm lại cũng không có. Việc làm này vừa tiêu diệt ếch lớn lẫn ếch con, mà còn độc hại với người tiêu dùng” – ông Thạch tiết lộ.
Nhổ câu thu chiến lợi phẩm.
Sau buổi chiều đặt câu nhiều địa điểm với đoạn đường di chuyển cả chục cây số, tối đến cánh “thợ săn” ra đi thăm câu, gỡ ếch, móc lại mồi mới. Đến 2 giờ sáng hôm sau, họ tiến hành nhổ câu để kịp bán cho những bạn hàng. Được biết, bình quân mỗi ngày người làm nghề kiếm được từ 2 – 5kg ếch. Mỗi ký ếch còn sống hiện được thu mua tại chợ từ 50 – 80 ngàn đồng/kg, tùy lớn nhỏ.
Anh Toàn với chiến lợi phẩm sau một ngày băng đồng.
ĐỘI SĂN CHUỘT ĐỒNG VÙNG BIÊN
Hiện các cánh đồng ở đầu nguồn lũ của tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã thu hoạch xong vụ mùa. Lũ chưa về, đồng ruộng khô cằn, kéo theo đó là chuột đồng sinh sôi, cắn phá mùa màng. Từ đó nhiều nông dân chuyển sang tiêu diệt bằng nhiều cách, trong đó có dỡ chà.
Ông Nguyễn Văn Gấu (ngụ xã Phú Hữu, H.An Phú, An Giang) cho biết, hiện các bờ đê, bờ mẫu chuột làm hang trú ngụ và sinh sôi rất nhiều. Do vậy nhà nhà đi gom thân cây ớt, thân bắp chất thành đống. Cách làm này tuy đơn giản nhưng cho hiệu quả rất cao.
Lấy lưới bao đống chà.
Anh Phạm Văn Phước (ngụ ấp Phú Quới) cho biết, anh làm nghề chất chà bắt chuột hơn 4 năm nay. Để có được đống chà, anh thường tìm xin cây ớt cuối vụ của người dân trong vùng nhổ về phơi khô, chọn nơi cao ráo để chất thành đống dụ chuột vào trú ngụ. Để có chuột, người dân thường dùng bắp, lúa rải quanh đống chà để chuột đến ăn, sau đó vào trú ngụ. Mùa dỡ chà kéo dài đến khi nước lũ lên ngập đồng.
Việc chất chà bắt chuột không chỉ cải thiện kinh tế gia đình mà còn góp phần tiêu diệt sinh vật phá hoại mùa màng. Theo tìm hiểu, đống chà chuột thường có diện tích khoảng 20 - 30m2. Sau khi chất, cứ 5-10 ngày dỡ bắt chuột một lần.
Tiến hành dỡ chà.
Lúc chúng tôi sang cũng đúng vào ngày dỡ chà, nên được tháp tùng theo đội quân “săn” chuột vùng biên hơn chục người. Địa điểm dỡ chà nằm cạnh đê quốc phòng và một con kênh nối liền với cánh đồng Campuchia. Vừa mang đồ nghề di chuyển đến địa điểm, các nông dân cho biết mỗi hộ chất từ 2- 3 đống chà và đến ngày dỡ họ sẽ gom lại cùng làm để không phải thuê mướn.
Đàn chuột đồng mập ú.
Vừa đến đống chà, các thành viên trong đội mở cuộn lưới cước bao quanh, kế đến là đắp đất đè lên, sau đó đưa lọp sắt có hom vào một góc lưới. Nói về cách thức đặt lọp sao cho chuột tự động chui vào đỡ tốn công bắt, ông Hai Tỵ chia sẻ: “Lọp đặt vào góc lưới nhưng phải chừa cửa để chuột chui vô. Trước cửa miệng lọp phủ ít cỏ tươi…”.
Bắt chuột.
Sau gần 30 phút, đống chà ớt được nhóm nông dân dỡ xong. Lúc này, rất nhiều chuột chạy vào chiếc lọp ngụy trang, riêng những con chạy loanh quanh họ liền bắt bỏ vào chiếc lồng sắt. Do việc bắt bằng tay không nên thỉnh thoảng cũng có người bị chuột cắn chảy máu.
Sau khi bắt hết chuột bên ngoài họ dùng leng đào những chiếc hang phía dưới đống chà. Chiến lợi phẩm hơn nửa buổi đi đồng là hơn 10kg, con chuột nào cũng vàng óng, mập ú. Chuột bắt xong, được phun nước để làm mát, hạn chế chết trước khi mang về nhà.
Niềm vui thu chiến lợi phẩm.
Theo thống kê, xã Phú Hữu có hơn 100 hộ dân dùng thân cây màu chất chà bắt chuột.
Chuột được cho vào lồng sắt MANG về nhà.
BẪY RẮN Ở MIỆT RỪNG
Hiện một số gia đình ở Kênh 9 (xã Kiên Bình, H.Kiên Lương, Kiên Giang) đang ra đồng, ven rừng đặt lọp bẫy rắn vì không có lũ. Tìm về nơi đây, chúng tôi gặp ông Bùi Văn Mi (73 tuổi, còn gọi là Tám Mi).
Người này cho biết, mọi năm vào mùa này, ông đặt lọp cá lóc, giăng lưới rắn nhưng năm nay nước lũ chưa về gia đình phải chuyển sang đặt lọp rắn. Nghề này rất vất vả, bởi phải ra đồng từ rất sớm cho đến trời sập tối, bị muỗi chích, vắt đeo, thậm chí rắn cắn nguy hiểm đến tính mạng.
Sống đến từng tuổi này, ông Mi chẳng nhớ mình đã bắt bao nhiêu con rắn từ loại không độc cho đến kịch độc.
Anh Lợi bên đống lọp đặt rắn.
Theo các hộ làm nghề lọp rắn, mùa đặt lọp rắn diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch, bởi đây là thời điểm rắn đi kiếm ăn nhiều. Nghề này phải đoán được nơi rắn ở. Địa điểm đặt bẫy phải rậm rạp, vắng vẻ do rắn chỉ ở nơi yên tĩnh, tốt nhất là nơi có rắn lột da.
Muốn có thu nhập đều phải chịu khó đi nhiều nơi lên đến hàng chục cây số. Do vậy, ngoài bắt được các loại rắn hổ hành, hổ lãi, hổ hèo, còn có rắn lục...
Ông Tám Mi bơi xuồng đi đặt lọp.
Ông Tám Mi bắt rắn hổ hành từ lọp.
Anh Bùi Chí Tài (38 tuổi) cho biết: “Lũ không về đồng cạn khô nên tôi sắm 100 cái lọp để đặt rắn kiếm tiền cho con cái học hành. Nhiều hôm bắt được rắn có nọc độc mạnh bán được nhiều tiền nhưng sợ lắm, bởi chạm nhẹ thôi là mất mạng. Hiện lượng rắn bắt được ngày một thưa dần, nhiều hôm không đủ chi phí. Giờ tôi không có nghề để chuyển nên đành bám trụ để đắp đổi qua ngày”.
Thương lái đến tận nhà để cân rắn từ những người đặt lọp.
Ông Nguyễn Thanh Chúc - tiểu thương chợ Mỹ Phú (xã Hòa Mỹ, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang): “Khoảng 5 giờ chiều, hàng chục xuồng nhỏ của người dân ở ấp 4, 6 và Tân Long của xã Hòa Mỹ bắt đầu rời bến đến các con kênh nội đồng để săn chuột đồng. Trong số này, có nhiều gia đình làm nghề đến nay đã 2, 3 thế hệ. Công việc của họ kết thúc vào khoảng hơn 11 giờ đêm, với chiến lợi phẩm là 3 - 5kg chuột, 1 – 2 ký ếch... Sau khi đậu xuồng lột chuột ở sông La Bách, họ sẽ đem lên cân cho chúng tôi lúc 1 giờ sáng. Tính ra, mỗi đêm họ có nguồn thu nhập mấy trăm ngàn đồng”. | | Người dân Hòa Mỹ bơi xuồng săn chuột đồng. Thương lái thu mua chuột tại bến sông La Bách. |