Sớm có giải pháp căn cơ trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở ĐBSCL:

Kỳ cuối: Làm gì để “cứu” đồng bằng?

Thứ Bảy, 17/08/2019 12:20  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Sạt lở ở ĐBSCL hiện nay đang diễn ra trên diện rộng và không còn bình thường nữa. Nhằm hạn chế và khắc phục, nhiều địa phương thường xuyên quan trắc để cảnh báo, tiến hành lấp hố xoáy, di dời dân, tài sản…

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng một số địa phương chưa “bắt đúng bệnh” và “bốc đúng thuốc”, dẫn đến công tác khắc phục chưa mang lại hiệu quả, gây lãng phí.

Nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở ở ĐBSCL là thiếu cát và phù sa.

NGUYÊN NHÂN CHÍNH: THIẾU CÁT VÀ PHÙ SA

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho biết, ĐBSCL là do phù sa, cát sông Mê Công tải về miệt mài bồi đắp trong 6.000 năm qua. Trong quá trình bồi đắp đó, đúng là có lở có bồi nhưng bồi luôn nhiều hơn lở. Nhưng từ 1992 trở về đây, sạt lở ngày càng gia tăng, bồi đắp ngày càng giảm.

Nguyên nhân chính của việc sạt lở ĐBSCL là sự mất cân bằng trên toàn hệ thống sông Mê Công, tức là sự thiếu cát và phù sa. Nguyên nhân đằng sau là do các đập thủy điện chặn cát và việc khai thác cát trên sông Mê Công ở tất cả các quốc gia từ Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Số liệu của Ủy hội Mê Công quốc tế cho biết, so sánh giữa 1992 và 2014, tải lượng phù sa mịn của sông Mê Công đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn/năm. Sau này nếu có thêm 11 đập dòng chính ở Lào và Campuchia thì tải lượng phù sa mịn sẽ giảm còn 42 triệu tấn/năm. Về cát, sau này nếu có thêm 11 đập dòng chính ở Lào và Campuchia thì 100% cát sẽ bị chặn lại, tức là sẽ không còn một hạt cát, viên sỏi nào về ĐBSCL nữa.

“Khi dòng nước bị thiếu phù sa sẽ nhẹ hơn, bị dư thừa năng lượng, chảy mạnh hơn, khoa học gọi là “nước đói”, có khuynh hướng ăn vào bờ và đáy sông để tự bù đắp, tự cân bằng động lực. Khi khai thác cát làm cho đáy sông sâu hơn thì bờ sông sẽ sụp đổ.

Nếu chúng ta quan sát các vụ sạt lở bờ sông ở ĐBSCL sẽ thấy các vụ sạt lở có một đặc điểm chung. Đó là trước khi sạt lở khoảng 1-2 ngày, thường có một vết nứt cách bờ sông khoảng 5m, chạy dài 80-100m. Sau đó, toàn bộ đoạn bờ sông bị nứt bị trượt đổ ụp xuống sông. Điều này chứng tỏ sạt lở là do đất bị mất chân bên dưới, phần đất ở trên trượt cả khối xuống”, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện lý giải.

Nhiều chuyên gia cho rằng nên hạn chế cấp phép khai thác và xuất khẩu cát.

Theo thạc sĩ Thiện, tất cả các nguyên nhân khác được cho là gây sạt lở đều là phụ. Nền đất yếu hoàn toàn không phải là nguyên nhân gây sạt lở, mà nó chỉ dễ sạt lở mà thôi. Nền đất ĐBSCL bản chất là yếu trong suốt quá trình hình thành mấy ngàn năm nay, gần đây không có gì làm cho nền đất đồng bằng yếu đột biến. Vậy sạt lở phải do biến động khác.

Còn sóng tàu thuyền có gây sạt lở cục bộ một vài nơi chứ không phải là nguyên nhân của hiện tượng sạt lở tràn lan ngày nay. Sự biến động dòng chảy, cũng là hệ lụy của việc khai thác cát trên hệ thống sông làm đảo lộn động lực dòng chảy.

ĐEM TRĂM TỶ “QUĂNG XUỐNG SÔNG”?

Sau vụ sạt lở kinh hoàng sông Vàm Nao, ngành chức năng đã tiến hành khảo sát và cho thấy đoạn sạt lở có 2 hố xoáy lớn và nguy hiểm. Để ổn định bờ, ngăn chặn sạt lở tiếp tục diễn ra, tỉnh An Giang đã tiếp hành lấp hố xoáy, với tổng kinh phí 50 tỷ đồng. Theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm này việc lấp hố xoáy vẫn đang diễn ra.

Tối 31-7 và rạng sáng 1-8, trên tuyến Quốc lộ 91 (đoạn ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ) đã xảy ra sạt lở và sụp 1/2 mặt đường nhựa, với chiều dài 85m. Sạt lở tiếp tục đe dọa đến 26 hộ dân nằm trong vùng cảnh báo.

Ông Trần Anh Thư - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tại vị trí sạt cách bờ 70m có hố xoáy -25m, dốc đứng. Giải pháp hiện thời ổn định mái dốc, sử dụng bao tải cát với định mức 23bao/m2. Lượng cát để xử lý tại vị trí sạt lở là 34.000 khối, với tổng chi phí khoảng 25 tỷ đồng.

Lấp hố xoáy cạnh Quốc lộ 91 – nơi vừa xảy ra vụ sạt lở sụp ½ mặt đường, nhiều chuyên gia cho rằng cần cân nhắc.

Khi được hỏi về việc các hố xoáy có phải là nguyên nhân gây sạt lở, mới xuất hiện và việc lấp bao cát có mang lại hiệu quả hay không? Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho biết: “Các hố sâu này là một phần tự nhiên của hệ thống sông Mê Công. Trên toàn hệ thống sông Mê Công có 584 hố, hố sâu nhất 90,5m, dài nhất 18km, nhỏ nhất có thể tích 29.000m3, lớn nhất có thể tích 1.46 triệu m3, các hố này đã có từ lâu rồi và là nơi trú ẩn của các loài cá lớn như tra dầu, hô...

Ở ĐBSCL có 22 hố lớn đã được Ủy hội Mê Công quốc tế khảo sát lập bản đồ từ 2008. Các hố này khác với các hố nhân tạo do khai thác cát tạo nên và không phải là nguyên nhân gây sạt lở”.

Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, nguyên tắc của các hố sâu tự nhiên là vào tháng 7 đến tháng 8 khi mùa lũ vừa bắt đầu, nước đổ về chưa mạnh lắm thì dòng nước mang cát vào lấp khoảng 1/3 thể tích hố. Sau đó, tới tháng 9 đến tháng 10 thì nước lũ chảy mạnh, nước nạo vét hố sâu, mang cát đi tiếp xuống dưới. Vậy hố sâu là chỗ tạm trữ cát vào đầu mùa để chuyển tiếp vào giữa mùa lũ.

Theo đó, hố sâu này được duy trì năm này qua năm khác một cách tự nhiên. Khi phía trên bị khai thác cát làm thiếu cát về đầu mùa, đến tháng 9 dòng chảy dư năng lượng sẽ nạo vét mở rộng hố sâu gây sạt lở.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện giải thích thêm: “Trong bối cảnh thiếu hụt cát và phù sa thì tại mỗi điểm sạt lở lại có thêm đặc điểm dễ bị tổn thương riêng. Tại điểm sạt lở ở Quốc lộ 91 vừa qua, đoạn sông có chiều ngang hẹp hơn đoạn phía trên, do đó để cân bằng năng lượng, dòng chảy buộc phải chảy nhanh hơn, đào sâu đáy sông hoặc ăn vào bờ.

Tại đoạn sông cong, dòng chảy từ trên xuống có quán tính đi thẳng nhưng buộc phải đổi hướng nên lực ly tâm làm đường tim sông (đường sâu nhất) không đi giữa sông mà dịch vào gần bờ bên lõm. Dòng chảy va đập vào bờ phía vịnh làm mực nước bên vịnh cao hơn bên doi. Mực nước cao hơn phía vịnh bị trọng lực kéo xuống nên tạo ra vòng chảy xoắn thứ cấp, nạo đáy sông và chân bờ sông phía vịnh. Đây chính là hố xoáy”.

Theo ông Thiện, đối với dòng sông, khi nó chọn điểm nào để gây sạt lở thì đó là điểm hợp lý nhất đối với nó. Sau khi sông đã gây sạt lở để cân bằng năng lượng mà ta trám lấp lại tức là đưa dòng sông trở lại trạng thái mất cân bằng năng lượng trước khi sạt lở. Dòng sông sẽ phải tự tìm cách giải quyết là phá vỡ công trình đó, đào sâu đáy sông hoặc ăn sang phía bờ kia. Sạt lở bờ sông ở ĐBSCL thường xảy ra vào đầu mùa lũ vì dòng chảy bắt đầu mạnh ăn đứt chân bên dưới và mực nước còn thấp không đỡ được trong lực khối bờ sông bên trên.

Trong bối cảnh thiếu cát và phù sa, chuyện gia tăng sạt lở ĐBSCL là tất yếu nếu cứ tiếp tục khai thác cát. Bài toán bây giờ là bài toán so sánh và đánh đổi. Đánh đổi giữa lợi nhuận khai thác cát và tổn thất do sạt lở cùng với chi phí ứng phó; đánh đổi giữa bờ này và bờ kia, bên nào cần bảo vệ hơn; so sánh chi phí giữa phương án bảo vệ và phương án rút lui, tái định cư, làm đường tránh.

“Việc lấp hố xoáy là rất đắt đỏ và ngược quy luật tư nhiên, không đảm bảo an toàn về lâu dài, cần cân nhắc giải bài toán so sánh, đánh đổi trước khi thực hiện” – ông Thiện nhấn mạnh.

CẤP THIẾT TÁI ĐỊNH CƯ CHO VẠN DÂN

Thời gian qua, số hộ dân ở tỉnh Đồng Tháp di dời không nhiều do thiếu kinh phí, quỹ đất và giải pháp sinh kế. Do vậy, tháng 5-2018, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương ký văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) đề xuất xây dựng 12 CTDC trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố với tổng diện tích 61 héc-ta, di dời khẩn cấp 2.440 hộ dân trong vành đai sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

Tổng kinh phí là hơn 711,7 tỷ đồng, trong đó cơ cấu kinh phí xây dựng 12 CTDC với kinh phí 657 tỷ đồng, mặt bằng 405 tỷ đồng, công trình giao thông 84 tỷ đồng…

Tại An Giang, vừa qua, Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh danh mục 29 CTDC cần đầu tư xây dựng để di dời 6.930 hộ dân vào nơi ở an toàn. Theo đó, tập trung tại các huyện, thị xã đầu nguồn có nguy cơ sạt lở cao, trên cơ sở xác định thứ tự ưu tiên theo cảnh báo sạt lở như: An Phú, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, TX. Tân Châu và TP. Long Xuyên.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện: “Trên bình diện đồng bằng có rất ít giải pháp nội tại ngăn chặn được khuynh hướng sạt lở, dù công trình hay phi công trình, vì chúng không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ là sự thiếu hụt phù sa và cát. Trước mắt cần làm là chỉ xây dựng công trình bảo vệ ở những nơi xung yếu như thành phố, những nơi tập trung dân cư.

Đối với những vùng ven sông ở nông thôn, thưa dân cư thì cần chủ động di dời người dân khỏi những nơi có nguy cơ cao. Quản lý, quy hoạch khai thác cát theo tinh thần liên kết vùng, liên tỉnh, vì khai thác cát ở một nơi sẽ ảnh hưởng toàn bộ dòng sông phía dưới và bờ biển”.

Kỳ 1: Thấp thỏm sống cạnh miệng hà bá
 
Kỳ 2: Định cư, nhưng chưa an cư
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang