Miền Tây ngóng lũ:

Kỳ 2: Đồng ruộng cạn khô, nông dân rời làng

Thứ Sáu, 26/07/2019 12:48  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Mùa lũ chưa về, địa bàn đánh bắt bị thu hẹp khiến việc mưu sinh của cư dân vùng lũ trở nên kém sung túc. Đối với những làng nghề sản xuất ngư cụ cũng trở nên đìu hiu vì vắng khách hàng.

Không kế sinh nhai người dân chẳng còn cách nào khác là bỏ xứ lên các thành phố lớn để làm công nhân. Điệp khúc ấy "đến hẹn lại lên" và ngày càng phổ biến.

Người dân huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) ngày đêm mong nước lũ về.

Đìu hiu những xóm nghề

Trước đây, cứ đến mùa nước nổi là các làng nghề như làm lọp cá linh ở cồn Cốc (xã Phước Hưng, H.An Phú), lưỡi câu (P.Mỹ Hòa, TP.Long Xuyên, An Giang), lưới Thơm Rơm (P.Tân Hưng, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), đóng xuồng rạch Bà Đài (xã Long Hậu, H.Lai Vung, Đồng Tháp) hoạt động suốt ngày đêm vì số lượng hàng làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu.

Thế nhưng vài năm trở lại đây, dù được các địa phương hỗ trợ bằng hình thức cho vay vốn với lãi suất ưu đãi nhưng số hộ làm ngư cụ phục vụ việc đánh bắt mùa lũ cứ lần lượt bỏ nghề.

Xuồng ghe nằm bờ, cồn Cốc cạn khô.

Từ lâu cồn Cốc được biết đến là nơi có làng nghề đan lọp cá linh để cung ứng cho thị trường trong vùng và xuất sang Campuchia. Vào tháng này của những năm trước, về cồn Cốc sẽ thấy cảnh tượng nhà nhà làm lọp, không chỉ có người lớn mà còn người già và trẻ nhỏ. Ấy vậy mà giờ đây nó trở nên đìu hiu, vắng lặng đến lạ thường.

Làng lọp cá linh nay chỉ còn gia đình ông Dân thực hiện.

Ngồi đan lọp cùng vợ, ông Nguyễn Văn Dân (ngụ ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng) cho biết: “Giờ làm trước để đáp ứng cho những đơn hàng phục vụ dân giáp biên giới chứ không thể xuất sang Campuchia. Họ đặt hàng số lượng lớn mình phải có nhân công, làm trong thời gian ngắn, trong khi ở đây người dân đi Bình Dương chỉ còn lại mấy ông, bà già. Ở đây hiện chỉ còn duy nhất gia đình tôi làm thay vì mấy chục hộ như trước. Lý do nước mỗi năm càng ít nên người dân cũng từ đó mà bỏ nghề”.

Con đường phơi lọp nay vắng bóng lọp.

Theo ông Dân, hiện cồn Cốc có hơn một nửa dân đi thành phố. Mùa lũ ngày một “cạn dần” nên không còn sức hút đối với những người xa quê.

Cách ông Dân vài căn là nhà ông Út Tòng (68 tuổi) - Tổ trưởng Tổ đan lọp cá linh. Mời chúng tôi vào nhà uống trà, ông Tòng kể, nghề đan lọp ở cồn Cốc hình thành vào khoảng những năm 1999. Năm nào nước lên mạnh dân vùng này sống rất khỏe vì vừa làm nghề, vùa tham gia đánh bắt, kể cả người già và trẻ nhỏ.

“Sàn nhà tôi lúc trước thời điểm này nhân công làm sáng đêm, phải đốt đèn và đi nấu mì phục vụ mỏi tay. Lọp chất không hết phải đem ra ngoài sân, nhà nào như nhà nấy! Họ làm từ đầu cồn xuống tới cồn nên phải thành lập cái tổ cho vay vốn sản xuất 10 triệu đồng/hộ” – ông Tòng nhớ lại. Thế nhưng những năm gần đây, mùa lũ về muộn, ít nước vì thế mà nhu cầu tiêu thụ lọp cũng giảm theo, lao động trong làng phải bỏ xứ đi kiếm sống.

Nhiều nhà đóng cửa, cỏ ngoài sân mọc um tùm vì gia chủ đi tìm vùng đất hứa.

Theo lời ông Tòng, nước lũ giờ lạ lắm! Mọi năm tháng này nước đã đục và bắt đầu quay và chảy xuống, còn giờ nước chảy lên, lớn – ròng như mới tháng 2. Người dân trong xóm ai cũng đợi nước, bởi không lũ làm ra bán không được, đặt cũng không xong.

“Mấy năm trước, người dân nhận được đơn đặt hàng từ 1.000 – 2.000 cái nhưng không có nước người đặt không xuống lấy họ phải ôm nợ từ 15 – 20 triệu đồng. Vỡ kèo người dân nhúng hóa chất bảo quản nhưng cũng không được bao lâu mối mọt ăn hết và chỉ còn cách đốt bỏ” – ông Út Tòng nói trong xót xa.

Tương tự làng lưỡi câu phường Mỹ Hòa không nhộn nhịp do nhiều người đã bỏ nghề. Ông Nguyễn Văn Thu (68 tuổi) cho biết, những năm nước nhiều để có lượng lưỡi câu cung cấp ngoài 6 thành viên trong nhà thì phải thuê thêm 2 lao động nữa, năm nay chưa có nước nên gia đình chỉ có 3 người làm cầm chừng.

“Trước đây, sản xuất ra bao nhiêu là thương lái đến lấy hết bấy nhiêu, còn giờ phải giao tận nơi bằng cách đi trực tiếp hoặc gửi xe, cứ 10 ngày gửi một lần, còn tiêu thụ chậm thì 15 ngày. Việc làm nghề này cuộc sống không ổn định cũng như không có vốn” - ông Thu than vãn.

Cách nhà ông Thu không xa là nhà ông Nguyễn Văn Hải. Đến nay người này gắn bó với nghề nay 25 năm và đang đứng trước nguy cơ bỏ nghề. “Trước đây là nhà nhà làm sáng đêm, nhộn nhịp như cái chợ, còn giờ họ lần lượt đi Bình Dương vì không còn vốn” – ông Hải cho hay. Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ làng lọp cá linh, lưỡi câu mà làng lưới, đóng ghe xuồng cũng rơi vào cảnh tương tự.

Ông Kháng kể về đồng ruộng vắng lũ và nông dân rời làng.

Lũ lượt đi tìm vùng đất hứa

Mùa lũ không về, biết bao người dân nghèo rơi cảnh thất nghiệp, chạy vại đi tìm kế sinh nhai. Tuy nhiên phần đông chọn cảnh bỏ xứ, bỏ nhà để lên TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân, phụ hồ, bốc vác để cầm cự qua ngày. Vì thế rảo quanh các khu dân cư sẽ thấy nhiều nhà cửa đóng then cài, người già trông giữ trẻ nhỏ.

Ghé vào khu dân cư ở ấp Tắc Trúc (xã Nhơn Hội, H.An Phú) chúng tôi gặp ông Huỳnh Văn Dứt (60 tuổi) vợ là Đinh Thị Hoa (58 tuổi) đang làm lọp tôm. Ông Dứt kể, nghề này gắn bó với vợ chồng đã 20 năm qua. Vợ chồng có 5 người con và tất cả đều lập gia đình. Nhưng vì không trụ được với nghề làm lọp của gia đình cũng như việc đánh bắt thủy sản không còn thuận lợi như trước nên 10 người con (dâu lẫn rể) quyết lên Bình Dương để tìm kế mưu sinh. Vì thế vợ chồng ông phải chăm sóc và nuôi dạy 3 đứa cháu nội và 4 đứa cháu ngoại. “Nơi này hiện chỉ còn người già ở lại giữ cháu, bởi 10 gia đình thì hết 9 là có con đi thành phố” – ông Dứt xác nhận.

Nhiều làng quê ở miền Tây chỉ còn người già và trẻ em.

Được gọi là “chúa đảo” bởi không chỉ là người quản lý an ninh trật tự, con người trên cồn Cốc mà ông Út Tòng còn phụ trông coi khoảng 7 căn nhà hàng xóm. Ông này cho biết: “Hiện dân trong xóm đi hết 80%. UBND xã vừa mới điện tôi hỏi về trường hợp của một gia đình đầu cồn vay vốn của ngân hàng chính sách đến hạn mà chưa trả. Tôi cũng cho biết trường hợp này đã đi thành phố và làm chưa có tiền. Những căn nhà đối diện tôi phải trông hộ vì sợ kẻ gian đột nhập trộm hết tài sản”.

Nhiều dòng sông kiệt nước vào mùa lũ.

Nguyên nhân người dân bỏ xứ đi được cho là ít đất sản xuất, nguồn thủy sản cạn kiệt và sự thay đổi thất thường của thiên nhiên. Anh Nguyễn Văn Mạnh (43 tuổi, ngụ ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội) cho biết: “Mọi năm tháng này có nước mình đặt 200m dớn để bắt cá, tôm đủ nuôi sống gia đình 7 miệng ăn, còn năm nay thất nghiệp. Có lẽ sắp tới khó tránh được việc đi Bình Dương, bởi giờ đợi người đến thuê làm việc khác cũng khó”.

Cảnh người dân đánh bắt cá linh các mùa lũ trước, năm nay lũ chưa về nên người dân đang trông ngóng

Nhìn ra cánh đồng nứt nẻ, dòng sông cạn nước, ông Hồ Văn Mến - Tổ trưởng tổ 21 (ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội) cho hay: “Ấp này 680 hộ dân, trong khi đó đi hết 80%, chỉ còn lại những người già, trẻ con. Riêng tổ này có 21 hộ nhưng nhà nào cũng có người đi thành phố. Giờ trong xóm không còn thấy trai, gái trong độ tuổi lao động nữa đâu”. Lũ không về mang đến tổn thất rất lớn, khiến hàng triệu người dân mất đi nguồn sinh kế. Đáng buồn hơn nó kéo theo bao hệ lụy.

Những chiếc dớn khơi trên mặt sóng vì nước kiệt.

Nỗi lo mùa vụ mới

Lũ là hiện tượng tự nhiên xảy ra hàng năm, nó gắn liền với lịch sử phát triển của vùng ĐBSCL. Nhiều năm nay, người dân vùng ngập lũ đã chủ động hạn chế được lũ dữ và khai thác có hiệu quả lũ đẹp nhằm cải thiện cuộc sống. Thế nhưng đã hơn 5 năm trở lại đây, nhiều tỉnh đã không còn lũ đẹp về, khiến cho đồng ruộng không được bồi đắp phù sa, tiêu diệt mầm bệnh…

Đồng ruộng cạn khô không được bồi đắp phù sa, tiêu diệt mần bệnh khiến nông dân hết sức lo lắng.

Ông Lê Văn Kháng (ngụ H.An Phú, An Giang) cho biết: “Nhìn mực nước dưới sông không lên được khỏi mé vậy là vùng này tiêu rồi. Mọi năm nước trên đồng ngập khỏi lưng quần chứ không phải đất đai nứt nẻ như hiện tại. Đời sống người dân sẽ tiếp tục khó khăn bởi không đánh bắt được cá, tôm, còn ruộng rẫy tới đây sẽ bị chuột, sâu rầy phá hoại khiến chi phí sản xuất tăng lên rất cao. Việc sản xuất kém hiệu quả của những năm lũ nhỏ đã khiến cho nhiều hộ dân thua lỗ đến nỗi phải sang đất trả nợ”.

Một nông dân kể, thời gian gần đây có loại sâu keo bay từ xa về gây hại ruộng bắp. “Sâu nó ăn trên đọt và bên trong thân cây nên khi phun xịt thuốc không diệt được. Khi bẻ cây bắp ra con sâu nằm bên trong. Do vậy không có lũ về tiêu diệt nhất định loài dịch hại này sẽ gia tăng. Tôi còn thấy các ruộng trước đây bị ngập lũ sau đó trồng củ sắn năng suất từ 7 – 9 tấn/công, tuy nhiên dịch bệnh hiện nay nên chỉ thu hoạch được từ 1- 2 tấn/công” – anh này nói trong lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Tòng - Tổ trưởng Tổ an ninh ở cồn Cốc: “Những năm có lũ xóm làng vui lắn vì người dân vô đồng đặt lọp bắt cá nhộn nhịp, nhà nhà đi mua tre về làm lọp. Ngoài ra, trẻ em cũng được tham gia nên không xảy ra tệ nạn xã hội. Nhớ lại ngày xưa, mỗi lần có đám cưới là 5 – 7 mân ăn cháo khuya, còn giờ chưa đầy 2 mâm mà toàn chỉ ông, bà già. Hiện cồn Cốc có khoảng 130 hộ dân, với 600 nhân khẩu nhưng có khoảng 300 người rời quê đi lên thành phố mưu sinh”.

(Còn tiếp...)

Kỳ 1: Đi xuyên vùng rốn lũ
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang