50 năm ngày con người đặt chân lên Mặt Trăng (20/7/1969 - 20/7/2019):

Kỳ 3: “Thế hệ vĩ đại nhất” của nước Mỹ

Chủ Nhật, 21/07/2019 13:47  | Anh Duy

|

(CATP) ​Nửa thế kỷ sau sự kiện Apollo 11, khi tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần cảnh báo về khả năng bị Trung Quốc “vượt mặt” trong nhiều lĩnh vực: Từ kỹ năng giải toán của học sinh đến đầu tư vượt trội cho quốc phòng thì những ngày này truyền thông Mỹ lại nhắc đến “Thế hệ vĩ đại nhất” – thế hệ những người con ưu tú của nước này đã vùi đầu vào cống hiến trong cuộc chạy đua khoa học – kỹ thuật với Liên Xô đương thời, mà “đỉnh cao” là thành tựu đáp tàu lên Mặt Trăng.

“Động lực” từ Liên Xô

CBS News nhận định: Chuyến bay của tàu Apollo 11, sau đó, đã trở thành biểu tượng của một sự kết thúc và khởi đầu. Nói là “khởi đầu” vì nó bắt đầu cho những bước chân đầu tiên của con người ngoài không gian, cách xa ngôi nhà Trái đất. Nhưng cũng đáng buồn thay, nó đánh dấu sự kết thúc cho giai đoạn của một quốc gia (Mỹ) sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ không giới hạn cho chính cuộc thám hiểm mà sau đó đã trở thành biểu tượng của vai trò lãnh đạo công nghệ trên sân khấu toàn cầu.

“Tầm nhìn” lãnh đạo thời đó, giờ thật “hiếm hoi” nếu soi vào các đời tổng thống gần đây của Mỹ: Bush (con) mải vướng vào chiến dịch chống khủng bố sau vụ 11-9, Obama chủ yếu tập trung vào các vấn đề đối nội như gói bảo hiểm y tế cung cấp an sinh cho người dân (Obamacare) hay các chiến lược nhằm gây ảnh hưởng kinh tế, địa – chính trị như chính sách “Xoay trục sang Châu Á”. Khoa học cơ bản bị “thờ ơ” hơn, trái với những gì tổng thống John F. Kennedy đã ấp ủ để đưa Mỹ lên vai trò “lãnh đạo công nghệ” thế giới.

Ngày 12-4-1961, Liên Xô đã đưa thành công phi hành gia Yuri Gagarin lên không gian trong chuyến bay vòng quanh quỹ đạo Trái đất, trở thành người đầu tiên bay vào không gian. Một thông tin gây “sốc nặng” đối với toàn bộ công chúng Mỹ, giới truyền thông cũng như các nhà lập pháp ở Washington.

Phi hành gia Buzz Aldrin trên bề mặt Mặt trăng năm 1969 - Ảnh: NASA

“Động lực” từ Liên Xô khi đó đã thôi thúc Mỹ. CBS News tường thuật: Chưa đầy 3 tuần sau sự kiện Gagarin lên quỹ đạo, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng thành công tàu Mercury 7 đưa phi hành gia Alan Shepard trên chuyến bay lên quỹ đạo Trái đất, kéo dài trong khoảng 15 phút. Có thể xem đây chỉ là “một giây” nghèo nàn so với chuyến bay lên quỹ đạo kéo dài của Gagarin. Nhưng ít nhất sự kiện này đã khiến cả nước Mỹ lấy lại sự tự tin.

Sau khi Shepard lên quỹ đạo, tổng thống Kennedy trong giai đoạn “loay hoay” tìm phương hướng đưa đấtnước tiến tới trong chương trình không gian, đã quyết định phải đưa bằng được con người lên Mặt trăng. Phát biểu tại Đại học Rice ngày 12-9-1961, ông nhấn mạnh: “Chúng ta chọn mục tiêu phải đưa được con người lên Mặt trăng ngay trong thập kỷ này và thực hiện được một số mục tiêu khác, không phải vì chúng dễ mà vì chúng rất khó thực hiện.

Và vì các mục tiêu này sẽ phục vụ để tổ chức và đo lường những năng lực và kỹ năng tốt nhất của chúng ta. Và cũng bởi vì đây là thử thách mà chúng ta sẵn sàng chấp nhận, một thử thách mà chúng ta không muốn hoãn lại, và là thử thách mà chúng ta dự định sẽ giành được chiến thắng”.

Nói nôm na, Mỹ xem việc đưa người lên Mặt trăng khi đó là bài sát hạch xem năng lực khoa học – công nghệ của mình đến đâu, và cũng là để “gỡ gạc” danh dự với Liên Xô.

Cả nước đồng lòng

Nói về giai đoạn “căng não” đó, CBS News dẫn lời Gene Kranz – Giám đốc điều hành của chuyến bay huyền thoại Apollo 11, người quản lý và theo dõi hành trình của Apollo 11 đến Mặt Trăng,hồi tưởng: “Khi chúng tôi ngồi uống bia với nhau và nói về điều đó (đưa người lên Mặt Trăng), chúng tôi đã không nghĩ rằng nó có thể thực hiện được.

Chúng tôi làm việc với dự án tàu Mercury vào thời điểm đó. Nó là con tàu chỉ nặng 2.000 pound. Trong khi (để chế tạo một con tàu đưa người lên Mặt Trăng), chúng tôi nhận được yêu cầu chế tạo tàu nặng đến 200.000 pound, chỉ để đưa các phi hành gia lên quỹ đạo Trái đất, ngay từ lúc bắt đầu”.

Những khó khăn đó càng thôi thúc ý chí của con người. Có thể lấy tên tác phẩm của Liên Xô “Thép đã tôi thế đấy” để mô tả điều này. Cả xã hội khi đó đều đồng lòng để phát triển khoa học – công nghệ, để vươn lên dẫn đầu: Ý chí lan toả từ chính quyền đến các nhà khoa học và người dân.

Tên lửa Satum V mang theo tàu con thoi Apollo 11 cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Kennedy, đảo Merritt, bang Florida, Mỹ, ngày 16-7-1969 - Ảnh: NASA

CBS News dẫn lời Giám đốc Gene Kranz tiếp tục hồi tưởng: “Đó là một điều tuyệt vời khi chứng kiến toàn thể người Mỹ đã tập hợp các nguồn lực và tài năng tốt như thế nào. Khi đó họ đã phát minh ra một thế giới hoàn toàn mới về các hoạt động trên không gian".

Kennedy qua đó, ngoài việc khởi xướng sứ mạng Apollo còn là người phát động cho cả một kỷ nguyên chạy đua vào không gian và cả một phong trào cải cách giáo dục khoa học.Kranz nhận định: “Kennedy đã thiết lập hướng đi cho cả quốc gia dịch chuyển về phíatrước. Và nước Mỹ đã bắt đầu dịch chuyển”.

Vì thế mới nói, khi bàn về ý nghĩa của sự kiện Apollo 11, phải xem xét cả một quá trình với những động cơ thúc đẩy đặt trong bối cảnh nước Mỹ sợ mất danh dự, tụt hậu với Liên Xô – đối thủ chính của mình trong Chiến Tranh Lạnh. Gene Kranz đúc kết với CBS News: “Đây là sự kiện khởi đầu của không chỉ cuộc cách mạng không gian, mà cả cuộc cách mạng công nghệ bên trong quốc gia chúng ta. Đây là nơi tất cả bắt đầu”.

50 năm sau sự kiện này, trong một đất nước chia rẽ chính trị ngày càng sâu sắc dưới thời tổng thống Donald Trump, người ta lại hồi tưởng lại một nước Mỹ đoàn kết hơn thời Apollo 11, nơi cả xã hội đồng lòng, dồn sức vì những mục tiêu chung. Thời kỳ mà nước Mỹ đã sản sinh ra “Thế hệ vĩ đại nhất” vẫn còn được nhắc đến nay.

​Kỳ 1: Cuộc đua khốc liệt thời Chiến Tranh Lạnh
 
​Kỳ 2: Bước chân lưu dấu
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang