(CAO) Tâm lý hậu thuộc địa cùng chủ nghĩa dân tộc những ngày qua bùng lên tại Hàn Quốc sau khi Nhật Bản ban bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu sang nước này. Đã ghi nhận tình trạng người dân xứ Kim chi tẩy chay trên diện rộng các thương hiệu hàng hoá của Nhật Bản từ bia đến bút máy.
Hôm 19-7, Reuters đăng bài viết mô tả tình trạng này. Điển hình là quản lý siêu thị Cho Min-hyuk những ngày này cho biết ông đã loại bỏ tất cả sản phẩm của Nhật Bản khỏi các kệ hàng trong siêu thị của mình.
Cách Cho và nhiều người Hàn khác đang làm nhằm thể hiện thái độ chống lại Nhật Bản giữa lúc căng thẳng về kinh tế và chính trị giữa hai nước Châu Á láng giềng, đồng minh của Mỹ xấu đi nghiêm trọng.
Các mặt hàng bị tẩy chay, được ghi nhận gồm từ bia cho đến quần áo, bút máy, các tour du lịch đến Nhật Bản.
Cho hiện đang quản lý siêu thị Purunemart rộng 1500 mét vuông tại Seoul đã tình nguyện tham gia vào chiến dịch tẩy chay này bên cạnh hơn 200 siêu thị và cửa hàng khác.
Căng thẳng ngoại giao khiến dân Hàn tẩy chay hàng hoá Nhật - Ảnh: Reuters
Ông Cho chỉ trích: “Nhật Bản gia tăng áp lực lên Hàn Quốc thông qua việc hạn chế xuất khẩu, cho thấy họ không hối lỗi cho những gì đã làm sai trong quá khứ. Điều này hoàn toàn không thển chấp nhận”.
Căng thẳng bùng lên thời gian gần đây từ khi một toà án ở Hàn Quốc năm ngoái yêu cầu các công ty Nhật Bản đền bù cho những người Hàn bị buộc lao động khổ sai trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Đáp lại, vào ngày 4-7 vừa rồi, Nhật trả đũa bằng cách hạn chế xuất khẩu các vật liệu dùng để chế tạo trong ngành công nghệ kỹ thuật cao.
Điều này gây ảnh hưởng đến các tập đoàn như Samsung chuyên sản xuất điện thoại thông minh và màn hình cho các thiết bị điện tử như điện thoại iPhone của Apple.
Đến nay Seoul cho biết sẽ khiếu kiện tranh chấp thông qua cơ chế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhưng người Hàn đã nhanh chóng tìm đến phương cách trả đũa bằng cách tẩy chay hàng hoá Nhật Bản.
Những vấn đề căng thẳng từ thời Thế chiến thứ 2 luôn âm ỉ tại khu vực Đông Á bất chấp các mối quan hệ hợp tác kinh tế, văn hoá không ngừng gia tăng.