50 năm ngày con người đặt chân lên Mặt Trăng (20/7/1969 - 20/7/2019):

​Kỳ 2: Bước chân lưu dấu

Thứ Bảy, 20/07/2019 14:41  | Anh Duy

|

(CATP) Những ngày này khi cận kề dịp kỷ niệm 50 năm con người đặt chân lên Mặt Trăng (20-7-1969), nền công nghiệp truyền thông Mỹ đã gợi lại chủ đề này bằng hàng loạt bài viết. Điển hình là CBS News với tuyến bài tường thuật “Con người trên Mặt trăng” đã nhắc lại chiều sâu giá trị của sự kiện chấn động này.

Đặt bối cảnh trong một nền văn hoá ngày nay, nơi con người bị cuốn vào những thiết bị công nghệ cao, thiết bị đeo tay kết nối với máy tính, hệ thống internet vạn vật (IoT) hay thế hệ tên lửa đẩy mới có thể mang theo vệ tinh hay hàng hoá lên không gian rồi hạ cánh về lại đúng ngay điểm đã khởi đầu, những tưởng “bước chân lớn lao của nhân loại” từ lúc phi hành gia Armstrong đặt chân lên Mặt Trăng sẽ mau chóng “phai mờ”. Nhưng không, những điều này càng thượng tôn lên giá trị của sự kiện.

Cú đáp trên Biển Yên Bình

Sau tất cả, thế hệ trẻ giờ đây chỉ được trải nghiệm sự kiện này qua những bài học lịch sử trên lớp, nhưng với thế hệ trước: Những cô gái, chàng trai được CBS News gọi là “Thế hệ vĩ đại nhất”, những cá nhân đã góp phần thiết kế, xây dựng, phóng và bay vào không gian cùng các con tàu của chương trình Apollo, lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng là khoảnh khắc không thể nào quên trong lịch sử nhân loại, sự kiện đầy kịch tính hiện hữu giữa lằn ranh sống – chết, được trực tiếp trên truyền hình ở khoảng cách 240.000 dặm về Trái đất.

Cảm xúc vẫn như những ngày đầu, được CBS News tường thuật lại: Khi module chở Armstrong và Buzz Aldrin tách khỏi tàu mẹ, để phi hành gia Michael Collins lại phía sau trên quỹ đạo Mặt trăng, nó bắt đầu bị “cuốn” vào cú đáp xuống khu vực được đặt tên là Biển Yên Bình trên Mặt Trăng.

Dấu chân của con người trên bề mặt Mặt Trăng. Vì ở môi trường chân không nên dấu chân này sau 50 năm vẫn còn lưu dấu - Ảnh: NASA

Chỉ còn vài giây khi nhiên liệu sắp cạn dần, sau khi tắt các báo động của chương trình máy tính và khắc phục trục trặc của quá trình điều hướng tìm điểm đáp, Armstrong đã phải kiểm soát module bằng tay để chọn vị trí đáp đẹp, tránh khu vực bãi đáp chứa nhiều đá cuội nằm lổn nhổn. Tàu vũ trụ 4 chân hạ xuống bề mặt “Chị Hằng”.

Một khoảnh khắc vỡ oà!

“Tàu đáp xuống chưa?” – phi hành gia Charlie Duke gọi từ trạm kiểm soát nhiệm vụ ở Houston (bang Texas) để chờ xác nhận. “Houston! Báo cáo từ Biển Yên Bình đây” – Armstrong từ Mặt Trăng thông báo vui mừng: “Con đại bàng đã hạ cánh”.

Từ thời khắc đó, 6 tiếng rưỡi sau, trước sự chứng kiến một trong những sự kiện thu hút lượng khán giả truyền hình toàn cầu xem lớn nhất trong lịch sử, Armstrong đã đứng sẵn sàng trên đôi bàn chân với tư cách của người đổ bộ trước khi bước lên bề mặt Mặt trăng, với hình ảnh trắng đen được truyền về Trái đất.

Liền sau đó, ông bước ra khỏi tàu, đặt bước chân của mình lên lớp bụi mịn của bề mặt Mặt Trăng. Ông cất lên câu nói bất hủ vào khoảnh khắc đó: “Đây là bước đi nhỏ bé của (một) con người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại”.

CBS News tường thuật: Lúc đó vì quá xúc động, Armstrong lắp bắp quên mất chữ “một” (a), thành ra: “bước đi nhỏ bé của con người”. Nhưng…không sao, những lời của Armstrong lúc đó cộng hưởng cùng bởi niềm tự hào của mọi người trên Trái đất đã viết nên thành tựu của cả nhân loại, lần đầu tiên chạm tay đến Mặt trăng từ khi con người lần đầu nhìn lên bầu trời.

Tổng thống Richard Nixon lúc đó nói với những phi hành gia đang có mặt trên Mặt Trăng từ phòng Bầu Dục rằng: “Trong một khoảnh khắc vô giá trong toàn bộ lịch sử của con người, tất cả mọi người trên Trái đất này thực sự là một. Một trong những niềm tự hào của họ về những gì bạn đã làm được và là một trong những lời cầu nguyện của chúng tôi rằng bạn sẽ trở về Trái đất an toàn”.

Đánh giá tầm quan trọng của sự kiện này, CBS News dẫn lại lời nhà sử học Arthur Schlesinger Jr. đã viết vào năm 1999: “Trong vòng 500 năm tới, khi sự kiện Trân Châu Cảng rồi cũng sẽ xa xôi như Cuộc chiến hoa hồng thì cuộc đổ bộ lên mặt trăng của Apollo 11 cũng có thể sẽ được nhớ đến như là sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ 20 bên cạnh hai cuộc chiến tranh thế giới, sự phát minh thuyết tương đối, vật lý lượng tử và vũ khí hạt nhân của Einstein”.

 Người dân thành phố New York chào đón các phi hành gia trở về từ Mặt Trăng như những người hùng. Ảnh: NASA

CBS News cũng dẫn lời Glynn Lunney - Giám đốc chuyến bay làm nhiệm vụ cho tàu Apollo 11 lên quỹ đạo Mặt Trăng xúc động: "Trong tất cả những thiên niên kỷ của quá khứ, con người đã bước đi trên hành tinh này và nhìn lên Mặt trăng và các vì sao, nhưng đây là lần đầu tiên khi có người thực sự đi bộ, làm việc và sống trên một hành tinh khác”.

Giờ đây khi đã 82 tuổi, Lunney nói với CBS News rằng mỗi khi nhìn lên mặt trăng hôm nay, ông luôn “nghĩ về tất cả những người đã làm việc trên các con tàu Apollo, họ đã thực hiện nhiệm vụ tốt như thế nào. Ý tôi là, họ đã làm được một việc mà 5 năm trước là không thể, phải không? Và họ chỉ nói: Ừ!, không thể. Nhưng dù sao chúng ta cũng sẽ làm điều đó”.

Tất cả vinh quang trên chứa trong đó những sự hy sinh. Trước khi Apollo 11 được phóng lên, 3 phi hành gia: Virgil "Gus" Grissom, Roger Chaffee và Ed White đã thiệt mạng vào ngày 27-1-1967 khi ngọn lửa bùng lên quét qua khoang chỉ huy của module tàu Apollo 1, khi nó gặp vấn đề trong cuộc thử nghiệm ở bãi phóng tại mũi Canaveral.Trong khi 5 phi hành gia khác thiệt mạng trong các vụ tai nạn máy bay hoặc đụng xe trước khi có cơ hội bay vào vũ trụ.

Mỹ cuối cùng đã chi 25 tỷ USD khi đó – tương đương 288 tỷ USD theo thời giá hiện nay sau khi đã điều chỉnh lạm phát để phát triển công nghệ đưa 12 phi hành gia lên bề mặt Mặt Trăng trong các dự án Apollo, mang về 842 pound đất và đá của vệ tinh này. Phần lớn các mẫu thu thập đó hiện nay đang được bảo quản cẩn thận tại Trung tâm Vũ trụ Johnson.

​Kỳ 1: Cuộc đua khốc liệt thời Chiến Tranh Lạnh
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang