50 năm ngày con người đặt chân lên Mặt Trăng (20/7/1969 - 20/7/2019):

​Kỳ 1: Cuộc đua khốc liệt thời Chiến Tranh Lạnh

Thứ Sáu, 19/07/2019 14:08  | Anh Duy

|

(CATP) ​"Đây là bước đi nhỏ bé của con người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại”. 

Câu nói huyền thoại của phi hành gia người Mỹ- Neil Armstrong (1930-2012) ngày nào, khi ông đặt những bước chân đầu tiên cùng đồng đội của mình – phi hành gia Buzz Aldrin lên Mặt Trăng (20-7-1969) giờ đây lại vang lên trên các kênh truyền thông, đánh dấu tròn 50 năm ngày nhân loại chinh phục thành công “Chị Hằng”.

Nửa thế kỷ sau, khi cuộc đua chinh phục và khám phá không gian ngày càng mở rộng với sự tham gia của nhiều nước hơn ngoài Mỹ và Nga (Liên Xô cũ).

Khi những nước có nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc cũng gia nhập vào “cuộc đua”, gây tiếp thêm bất ngờ với sự kiện tàu thăm dò tự hành Hằng Nga – 4 do Bắc Kinh phóng, đáp xuống khu vực cực nam thuộc lòng chảo Aitken của Mặt Trăng ngày 3-1-2019, nơi còn được gọi là “vùng tối”, hay “vùng xa”, tức phần hướng ra ngoài củavệ tinh này trong chiều quay khi quay quanh Trái Đất, thì kỳ tích đưa con người lên Mặt Trăng đến nay vẫn chưa bao giờ bớt đi “sức hút” cả ở khía cạnh ngưỡng mộ lẫn bàn tán, nghi ngờ…

Đằng sau sự kiện đưangười lên Mặt Trăng– còn gọi là sứ mệnh Apollo 11 là sự cạnh tranh gay gắt về ảnh hưởng địa – chính trị giữa hai cường quốc đương thời: Mỹ và Liên Xô, trong đó Mỹ đã đặt cược danh dự, tiền của, trí tuệ của mình, dồn hết vào dựán trên để “phục thù” vụ phóng vệ tinh Sputnik 1 hay đưa phi hành gia Gagarin lên quỹ đạo Trái đất. 

Hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin cắm cờ Mỹ trên Mặt Trăng ngày 20-7-1969- Ảnh: AP

Họ đã đi trước chúng ta!

Từ thời điểm phóng tàu Apollo 11, trở về trước đó hơn 1 thập niên: ngày 4-10-1957 có lẽ là ngày vinh quang nhất của Liên Xô, nhưng cũng là ngày “nhục nhã”, “choáng váng” đối với Mỹ và các nước phương Tây khi vệ tinh địa tĩnh Sputnik 1do Bộ Công nghiệp Kỹ thuật Vô tuyến Xô Viết chế tạo, đặt trên tên lửa R-7 được phóng lên quỹ đạo.

Đây là vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người, bay quanh quỹ đạo Trái đất để thu thập thông tin quan trắc nhằm phục vụ cho nhiệm vụ nghiên cứu khí quyển. “Chễm chệ” trên cao nhìn xuống, Sputnik 1 là lời “khiêu chiến”, đồng thời là “thách thức” buộc Mỹ khi đó nhìn lại chính sách để bắt đầu đầu tư cho cuộc chạy đua vào không gian, mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người.

Trong lịch sử luôn tồn tại những “cú thúc” hay còn gọi là “đòn bẩy” bất ngờ khiến cho một cường quốc phải nhập cuộc, đầu tư để thay đổi cục diện tình hình. Trước Sputnik 1 để dẫn đến sự ra đời của dự án Apollo 11, Mỹ cũng từng nếm trải một “cú thúc” như vậy khi hạm đội máy bay chiến đấu của Nhật Bản bất ngờ tấn công căn cứ hải quân của họ ở Trân Châu Cảng (quần đảo Hawaii) tháng 12-1941.

Vệ tinh Sputnik 1 - Ảnh: ARRL

“Đòn đau” của đối phương khiến Washington quyết định trực tiếp tham gia vào Thế chiến Thứ hai thay vì “đứng ngoài”. Sputnik 1, nói không ngoa đóng vai trò như một “Trân Châu Cảng” trên không gian khiến Mỹ giật mình thức tỉnh. Hơn 1 thập kỷ , Washington khởi động phong trào cải cách giáo dục khoa học để đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó có khoa học – kỹ thuật không gian, việc đưa người lên Mặt Trăng thành công chính là “quả ngọt” sau nhiều năm chờ đợi.

Bước tiến lớn của nhân loại

Ngày chờ đợi đó đã đến: Tàu Apollo 11 được phóng đi từ mũi Kennedy (Florida – Mỹ) vào ngày 16-7-1969. Dự án được “thai nghén” từ thời tổng thống J.F. Kennedy khi ông đặt mục tiêu đưa người lên Mặt trăng trước thập niên mới, theo BBC.

Đội ngũ 400.000 người được tuyển dụng cho dự án này, trong đó những người điều khiến chuyến bay có tuổi trung bình là 27. Khi Module mặt trăng Eagle – bộ phận tàu tách ra từ tàu mẹ hạ cánh, Neil Armstrong chỉ có 60 giây để làm việc này. Trước đó các phi hành gia đã phải tập đổ bộ hàng chục lần trên Trái Đất.

Sau khi đáp thành công xuống bề mặt “Chị Hằng”, Neil Armstrong và Buzz Aldrin đã dành hai tiếng rưỡi chụp hình, thu thập mẫu vật gồm đá trên vệ tinh này đem về Trái đất nghiên cứu. Trước khi quay lại tàu, họ đánh dấu sự có mặt của con người bằng cách cắm cờ Mỹ lên đây. Hình ảnh sau này đã trở thành huyền thoại trong lịch sử khám phá không gian của con người.

Hạ cánh trên Mặt Trăng không bao giờ là việc dễ dàng. BBC ngày 2-7, trong bài viết kỷ niệm 50 năm của sự kiện này, nhận định: Armstrong có kỹ năng điêu luyện về chuyên môn mới có thể làm tốt việc hạ cánh này vì địa hình Mặt trăng lổn nhổn nhiều đá tảng trong khi module đáp nhiên liệu đang cạn dần. Đó cũng là điều dễ hiểu vì Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tuyển dụng nhân sự rất gắt gao cho dự án này. Theo BBC, mỗi phi hành gia trên tàu Apollo 11 đều sinh năm 1930, tất cả đều từng phục vụ trong quân ngũ.

3 phi hành gia Neil Armstrong (trái), Michael Collins (giữa) và Buzz Aldrin trong sứ mệnh Apollo 11.Collins sau đó ở trên module bay trên quỹ đạo của tàu Apollo để 2 người còn lại đáp xuống bề mặt - Ảnh: NASA

Người ta thường chú ý đến Armstrong và Aldrin, 2 người đầu tiên đặt chân xuống Mặt Trăng, nhưng theo sau họ còn có nhiều phi hành gia khác đặt chân ngay tiếp sau khi tham gia các sứ mệnh Apollo.

Cụ thể có đến 12 người là số phi hành gia thật sự đã lái tàu và đặt chân lên bề mặt vệ tinh này. Theo BBC, có 33 người bay trên các chuyến đi của tàu Apollo 11, 27 người đã đến Mặt trăng trong số đó, 24 người đã thực sự bay vào quỹ đạo của vệ tinh này nhưng chỉ có 12 người thật sự đặt chân xuống bề mặt của nó. Sau Apollo 11, Mỹ còn thực hiện thêm 5 sứ mệnh đưa con người lên Mặt trăng khác, cho đến Apollo 17.

Cảm xúc của mỗi người cũng được ghi nhận đa dạng khác nhau: Từ trang nghiêm đến hồ hởi. Nếu Aldrinmô tả quang cảnh Mặt trăng khi giáp mặt là “hoang vu và tráng lệ” thì Charlie Duke trong nhiệm vụ Apollo 16 không giấu nổi sự hào hứng. Ông thốt lên: “Trời ơi! Quá tuyệt vời”.

Để có được những phút giây vinh quang này, có cả trong đó những sự hy sinh thầm lặng.

(còn tiếp) 

Bình luận (0)

Lên đầu trang