“Tắm tiên” ở suối nước nóng Đạ Long

Chủ Nhật, 21/07/2019 10:15

|

(CAO) Cứ mỗi buổi chiều, từ khoảng 16 giờ, bà con đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho sau một ngày lao động vất vả lại tập trung ra bể nước nóng tắm gội thỏa thích. Những tiếng cười nói vui vẻ, sảng khoái vang vọng núi rừng. Cảnh tượng thật nên thơ, kỳ thú!

Xã Đạ Long thuộc huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, cách TP.Đà Lạt khoảng 125 km về hướng Đông - Bắc. Nơi đây, được thiên nhiên ưu đãi ban tặng một dòng suối nước nóng tự nhiên, nhiệt độ luôn ở khoảng 38-45 độ C, trong khi nhiệt độ ngoài trời ở mức 16 đến 31 độ C (giao động bình quân trong năm). Suối nước nóng trở thành món quà quý giá để bà con nơi đây tắm nóng thư giãn sau mỗi ngày lao động mệt nhọc và thậm chí... luộc trứng gà lòng đào ăn vừa nhanh, tiện lợi!.

Suối nước nóng Đạ Long buổi chiều thu hút rất đông bà con đến tắm
Đam Rông bây giờ là cách gọi chệch theo tên gọi vùng Đầm Ròn trước kia thuộc huyện Lạc Dương, với khoảng 87% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, riêng xã Đạ Long khoảng 97%. Năm 2004, huyện Đam Rông thành lập trên cơ sở 3 xã của huyện Lạc Dương và 5 xã thuộc huyện Lâm Hà.
Từ năm 1998, Báo Công an TP.Hồ Chí Minh đã có nhiều dịp đến vùng Đầm Ròn công tác, cùng các nhà hảo tâm, Mạnh thường quân xây dựng nhiều công trình xã hội từ thiện mang ý nghĩa phúc lợi cộng đồng, như: xây dựng 2 trạm y tế, 2 trường tiểu học, mẫu giáo, nhiều nhà dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thường xuyên trao tặng quà Tết, Trung thu và cùng các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con...

Đường vào thôn Đạ Long khi đó đang làm. Từ quốc lộ 27 tuyến Lâm Đồng - Đắk Lắk, đến giữa đường của hai tỉnh (khoảng 100km) rẽ phải, đi thêm chừng 20km nữa thì đến xã Đạ Tông – trung tâm cụm 4 xã nghèo nhất tỉnh Lâm Đồng, thêm 7-8km nữa thì đến Đạ Long. Quốc lộ 27 khi đó đang được nâng cấp mở rộng bằng cách xẻ núi mở đường. Nắng còn đỡ, mưa thì cực “thôi rồi”!. Chúng tôi đi lại chủ yếu bằng xe U-oát của công an Lâm Đồng, công an huyện Lạc Dương hoặc xe ô tô 2 cầu của cơ quan; không thể tự đi xe máy vì tuyến đường khi đó rất gian nan, hiểm trở...

Nhiều khi, đoàn công tác phải đi ô tô đường vòng từ Lâm Đồng đến Nha Trang, ngược lên Đắk Lắk để đến vùng Đầm Ròn vì bên đoạn đường tỉnh Lâm Đồng đang thi công, núi lở, mưa bão kéo dài nhiều ngày, đường chưa thể khắc phục để đi lại.

Nhiều chuyến công tác, gặp sự cố đó, cả đoàn phải ở lại giữa rừng chờ tiếp tế lương thực hoặc… cuốc bộ cả ngày để vào được đến vùng Đầm Ròn. Ngày đó, mạng điện thoại di động chưa phủ sóng rộng, chỉ đi giữa đường là mất sóng liên lạc, cán bộ ở đây phải dùng điện thoại bàn hoặc cầm điện thoại di động leo lên đồi cao mới có thể liên lạc với bên ngoài. Suốt đoạn đường dài gần 70km, chẳng có mấy nhà dân.

Nhưng khi vừa đặt chân đến Đầm Ròn, cảm giác rất thích thú, dễ chịu. Ngay ngã ba đường vào trung tâm xã, một rừng bằng lăng cổ thụ cao ngút ngàn, thân cây thẳng, đều tăm tắp “xếp hàng” như những chiến binh dũng mãnh, hiên ngang trấn giữ cửa ngõ khu dân cư nơi rừng sâu.

Trên đường đi, có một con suối Nước Mát, dòng nước xanh trong vắt, nhìn thấu đá sỏi bên dưới. Nhiều người quen gọi đây là “suối bướm” bởi bướm nhiều vô kể. Bao quanh con suối là cây rừng các loại nở hoa bốn mùa, hàng ngàn con bướm đủ màu sắc sặc sỡ bay lượn đầy trên mặt suối, chúng nối đuôi bám theo những chiếc xe một đoạn đường dài như lưu luyến hơi người vừa đi qua.

Ngày đó, mỗi buổi chiều, chúng tôi thường đến suối nước nóng Đạ Long tắm cùng bà con. Những thiếu nữ khi đó chẳng ngại ngần gì, thường cởi áo, vô tư tắm gội, bẽn lẽn giấu mặt cười khi bắt gặp ánh mắt ai đó nhìn mình!

Các em bé được cha mẹ, anh chị cho “tắm tiên” đúng nghĩa. Thấy người lạ, người Kinh, bà con đồng bào vẫn ở trần,... che mặt cười ngượng. Sau vì e ngại cán bộ người Kinh đến công tác đông hơn, các đoàn từ thiện từ nơi khác đến, họ mặc quần khi tắm, dần dà mặc cả áo quần. Có người còn mang cả trứng gà ta thả trong bể nước, tắm xong, ngồi bóc trứng lòng đào chấm muối ăn ngon lành!

Gọi là suối nước nóng, nhưng thực chất nước dưới dòng suối này có nhiệt độ bình thường, duy nhất có một đoạn suối có mạch nước nóng phun trào ngược từ lòng đất lên, nhiệt độ luôn ở khoảng 38-45 độ C, bà con thường tập trung ra đây, mang theo xô, chậu hứng nước nóng tắm. Khu vực này được bao quanh bởi rừng cây tự nhiên khá đa dạng chủng loại, nhấp nhô những phiến đá bàn rải rác xung quanh, rất tiện lợi cho bà con tắm, phơi phóng quần áo hoặc để đồ đạc mà không sợ bị bẩn, ướt.

Suối nước nóng được một số bà con đồng bào phát hiện khoảng những năm 90 và bà con làm nhà gần khu vực suối sinh sống. Mỗi ngày họ ra suối tắm hoặc lấy nước về sinh hoạt. Thấy nước đã ấm nóng, nhiều gia đình sử dụng làm nước uống luôn, không nấu lại.

Tuy nhiên, vì rừng cây bao quanh suối nên nhiều lá rụng, muỗi mòng, ruồi vàng... Để đảm bảo nguồn nước sạch, tinh khiết cho bà con sinh hoạt, Công an huyện Lạc Dương khi đó chủ động kết hợp cùng chính quyền tổ chức vệ sinh lòng suối, xử lý rác.

Thiếu tướng Phạm Viết Hội – nguyên Trưởng Công an huyện Lạc Dương, sau là Cục trưởng Cục cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an (hiện đã nghỉ hưu) và Đại tá Đào Ngọc Cần – nguyên Trưởng phòng phong trào Công an tỉnh Lâm Đồng (hiện là Phó giám đốc Công an tỉnh) gắn bó với bà con nơi đây từ những buổi đầu sơ khai, lập đất.

Các anh đã kiến nghị lãnh đạo Báo Công an TP.HCM hỗ trợ kinh phí xây bể trữ nước (bán kính 4m2, cao 1,2m) ôm trọn mạch nước nóng và Công an địa phương hỗ trợ làm các công trình phụ: hệ thống các phòng tắm, vệ sinh cho bà con để hạn chế các mối nguy hiểm bên dòng suối vắng. Chính quyền, ngành Công an huyện Đam Rông sau này làm thêm hệ thống đường sá, lắp đèn chiếu sáng để bà con thoải mái, yên tâm tắm cả khi trời tối muộn.

Đến nay, chưa có một nghiên cứu nào chính thức nào, nhưng những người cao tuổi ở đây cho biết, nguồn nước nóng tự nhiên này có khả năng chữa các bệnh ngoài da, thấp khớp, cao huyết áp, rối loạn tim mạch rất hiệu nghiệm. Giữa vùng rừng sâu heo hút, có nguồn nước nóng tự nhiên này phục vụ bà con quả là món quà thiên nhiên vô giá.

Đầu tháng 7-2019, chúng tôi trở lại thăm suối nước nóng Đạ Long. Trời về chiều, bà con trong xã lục tục kéo ra bể nước nóng tắm. Có lúc đông nhất đến mấy chục người, từ 16 giờ đến tầm 21 giờ mới kết thúc.

“Có khi một ngày tôi tắm 3-4 lần. Trời lạnh, mưa thì tắm buổi tối. Trời nóng tắm hoài vẫn thấy thích”. “Suối nước nóng này tắm thấy khỏe người ra nên bà con chăm tắm lắm. Có công trình chiếu sáng, bể nước, đường vào sạch sẽ cán bộ làm cho, bà con chúng tôi yên tâm, phấn khởi lắm” - một cặp vợ chồng trẻ và một cụ già vui vẻ nói với chúng tôi.

Anh K’Vải dí dỏm cho biết: “Có suối nước nóng này bà con đỡ tốn tiền bếp gas, đỡ công chất củi nấu nước tắm, nông dân đi làm rẫy cà phê, củ mì… cả ngày, dơ lắm. Chăm tắm, tắm sạch sẽ vợ chồng, con cái yêu thương nhau hơn”!

Gần 20 năm trôi qua, từ ngày bể nước nóng được đưa vào sử dụng, luôn tập trung rất đông bà con xã Đạ Long và các xã lân cận. Cái thú tắm giữa trời, giữa đêm trăng thanh gió mát, phong cảnh sơn thủy hữu tình, giữa đại ngàn thơ mộng, nghe chim rừng ríu rít, tiếng sóc chuyền cành… thật không gì thú vị cho bằng! Bạn có thể dựa vào những vách đá, ngả lưng thư giãn, cảm nhận làn nước lan tỏa trên thịt da, thấm vào từng mạch máu, sảng khoái lắm. Đi bộ chừng vài bước chân, bạn gặp ngay dòng suối mát trong vắt, uốn quanh những phiến đá bằng, đá cuội, ngâm mình thư giãn trong làn... nước mát (cạnh bể tắm nước nóng)!

Trẻ em nhảy vui chân sáo xuống suối nước nóng

Thượng tá Phạm Văn Sế - Phó trưởng Công an huyện Đam Rông mới thông tin với chúng tôi: Vào sâu trong xã Đạ Long, cách đó chừng 6-7 km, có 2 mạch ngầm suối nước nóng khác chảy từ núi ra, nhiệt độ khoảng 39 độ C. Khu vực này ít dân cư nên ít người biết đến, phong cảnh còn rất hoang sơ. Một công ty du lịch tư nhân đã vào khảo sát, làm dự án khai thác du lịch. Có thông tin họ sẽ mở đường từ huyện Lạc Dương vào 2 điểm có mạch nước nóng này khoảng 40km, cách trung tâm TP.Đà Lạt khoảng 70km.

Đây quả là một ý tưởng hay, hi vọng đủ sức hấp dẫn du khách khắp mọi miền về tham quan, nghỉ dưỡng.

Một số hình ảnh:

Khói bốc lên từ bể tắm nước nóng lẫn trong màn sương đêm tạo nên khung cảnh huyền ảo như chốn thần tiên nơi hoang sơ
Bể suối nước nóng bên có dãy phòng thay đồ, nhà vệ sinh phục vụ bà con
Cảnh bà con đi tắm luôn vui, nhộn nhịp ở buôn làng

Bình luận (0)

Lên đầu trang