Đằng sau bi kịch những cuộc tình sinh viên

Thứ Bảy, 13/07/2019 16:58

|

(CAO) Lại thêm một bi kịch xảy ra với những cuộc tình sinh viên, khi vụ án mạng gây xôn xao dư luận mới đây: chàng trai đâm chết người tình rồi nhảy xuống kênh Nhiêu Lộc tự vẫn. Sự bồng bột trong suy nghĩ và cả những hành động thiếu kiềm chế đã vô tình để lại những nỗi đau khó thể khoả lấp. Đâu là nguyên do của những bi kịch này? 

SỐNG THỬ

Nguyễn Thị N. (20 tuổi, quê Bình Đình, sinh viên một trường đại học ở TPHCM) trải lòng với phóng viên khi vừa bước qua một chuyện tình đổ vỡ. Dù chỉ là sinh viên năm 2, nhưng N. gần như đã quen với việc sống thử cùng những mối tình giảng đường.

Chân ướt chân ráo từ vũng đất cằn cỗi đến với nơi phồn hoa đô hội, N. tỏ ra lạc lõng với cuộc sống mới. Và H. , người tình đầu tiên của cô xuất hiện như một điểm tựa vững chắc cho cô.

Dọn về sinh sống tại một căn phòng trọ gần giảng đường ở Q.Bình Thạnh, những ngày đầu e ấp của mối tình học đường nhẹ trôi trong nụ cười. Rồi thời gian cũng qua đi, những bất đồng quan điểm ngày một xuất hiện nhiều hơn.

Nguyễn Thị N. trải lòng với phóng viên khi vừa bước qua một chuyện tình đổ vỡ

Và cái kết cho một mối tình chớp nhoáng là việc đôi bạn trẻ cùng tìm đến một phòng khám để dứt bỏ cái thai ngoài ý muốn. Sau những biến cố lớn trong cuộc đời, N. cho rằng tâm hồn mình giờ đã thật sự căn cỗi. Câu chuyện của N. cũng là một ví dụ tiêu biểu cho lối sống phóng khoáng của giới trẻ hiện nay.

“Sống thử”, “yêu thử” đang trở thành một thực trạng của xã hội, và ngày một lan rộng trong giới trẻ, đặc biệt là nhóm học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức, hay người trẻ vốn phải sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, khó khăn trong cuộc sống nhưng lại chưa đủ bản lĩnh để đương đầu.

Chuyện “sống thử” trước khi quyết định tiến tới hôn nhân có thực sự là một giải pháp tốt để tiến tới một cuộc hôn nhân hoàn hảo hay nó chỉ là "cái bẫy của một quan niệm suy đồi trong đời sống hôn nhân"?

Câu trả lời thật sự chỉ nằm trong ý thức hệ của những người trẻ. Vì không thiếu những tấm gương cùng nhau hướng đến thành công và cũng không hề ít những ví dụ về sự đổ vỡ và cả bi kịch cuộc sống xung quanh chuyện “sống thử”.

VÀ BI KỊCH THẬT

Bên cạnh mái đầu hoa râm và khuôn mặt khắc khổ của ba nạn nhân T. U. là dòng nước mắt nhạt nhoà của cha mẹ nghi can M.T… Nhiều ngày đã qua kể từ khi bi kịch của 2 gia đình ập đến, họ vẫn không thể tin đó là sự thật!

Câu chuyện về cái chết thương tâm của nữ sinh T.U (19 tuổi, quê Đồng Nai) và người bạn thuở cấp 3, cũng là nghi can gây ra cái chết thảm cho U. là M.T (19 tuổi, quê Đồng Nai) vẫn còn ám ảnh tâm trí của nhiều bậc phụ huynh.

Tối hôm ấy có 2 gia đình nhận tin dữ: hai đứa trẻ mà họ vẫn dành toàn bộ sự thương yêu đã vĩnh viễn ra đi. Một buổi tối bình thường bỗng nhiên trở thành đêm dài bất tận ngỡ như không bao giờ kết thúc.

Người nhà của T.U đau lòng khi nữ sinh bị sát hại 

Chuyện tình yêu của những đứa trẻ luôn là đề tài được bố mẹ quan tâm. Sự đổ vỡ và những xích mích trong tình yêu của giới trẻ xảy đến đôi khi trở thành những cú sốc quá lớn về mặt tinh thần, vô tình dẫn đến những bi kịch khó ngờ.

T.U và T. đều là bạn cùng thời cấp 3. Tuy biết T. có cảm tình với mình nhưng cô gái 19 tuổi đã nhiều lần từ chối để chuyên tâm cho việc học tập. Sau này U. học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM còn T. thì theo học tại một trường Cao đẳng. Đến lúc này, chàng trai mới lớn vẫn ấp ủ giấc mộng theo đuổi cô bạn xinh xắn.

Tuy nhiên, sự quan tâm và theo đuổi thái quá này dần trở thành những bí bách khiến U. không thể chịu nổi. Ở cái tuổi đôi mươi, có lẽ cả hai vẫn còn chưa đủ khéo léo để thổ lộ cũng như từ chối tình cảm đúng mức.

Và từ đây, bi kịch của câu chuyện tình yêu cũng bắt đầu kéo tới. Sự bốc đồng của tuổi mới lớn khiến T. và U. thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã dẫn đến không thể nhìn mặt nhau.

Sau này thì U. và 2 bạn cùng trọ đã chuyển đến phòng trọ ở Q.Bình Thạnh. Thời gian gần đây, T. bất ngờ chuyển về trọ tại căn nhà mà 3 nữ sinh này đang ở và sự việc đau lòng đã diễn ra. Một ngày sau U. nghi bị M.T sát hại, nam sinh viên này cũng được công an phát hiện khi đã tử vong dưới kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Lực lượng người nhái trục vớt tử thu của M.T dưới kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè 

Còn tại Hà Nội, câu chuyện về người mẹ trẻ nhẫn tâm thả rơi đứa con còn đỏ hỏn tr ên tay cũng từng khiến nhiều người thật sự ám ảnh về bi kịch của những mối tình chớp nhoáng.

Theo điều tra của công an, V.A (22 tuổi, mẹ của bé sơ sinh bị thả rơi ở chung cư Linh Đàm, TP.Hà Nội) rơi vào trạng thái hoảng loạn ngay sau khi sanh con dẫn đến việc không kiềm chế được hành động do không nhận được bất kỳ sự động viên nào từ bạn bè cũng như nhà trường. Chính sự vô cảm của xã hội, sự hời hợt trong hành động của T. hay cả V.A đã đưa họ tới những bị kịch thật sự của cuộc sống.

Năm 2015 cũng từng xảy ra sự việc sinh viên một trường cao đẳng tại Hà Nội ném con mới sinh từ tầng 3 xuống đất. Tại cơ quan điều tra, cô khai có yêu một thanh niên và đi quá giới hạn dẫn đến việc có thai. Chàng trai này khuyên cô giữ đứa bé và hứa làm đám cưới. Nhưng cuối cùng, anh ta thay đổi.

Lỡ mang bầu, cái thai ngày càng lớn, sợ mọi người biết nên nữ sinh đã giấu chuyện. Đến khi tự sinh con một mình, thấy con sinh ra nhưng đã chết, quá hoảng loạn, người mẹ trẻ đem xác con mình vứt xuống khu vườn nhà dân liền kề để giấu.

Bé sơ sinh bị  người mẹ nhẫn tâm ném từ tầng 31 của tòa nhà chung cư

Gần 10 năm qua, hầu như năm nào trên mặt báo cũng xuất hiện đầy rẫy nhưng thông tin về những cuộc tình chóng vánh thời sinh viên và kết thúc bằng một bi kịch đau lòng.

Điều khiến xã hội thật sự lo ngại đó chính là việc, tại sao đa phần những thảm kịch xảy đến đều tập trung vào giới trẻ, đặc biệt là nhóm sinh viên, đối tượng được thừa hưởng một quá trình giáo dục bài bản.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân dẫn đến những kết cụ bi thảm của những mối tình thời sinh viên đến từ lý do cả 2 đều phải sớm rời xa gia đình để lên thành phố học tập cũng như tự sinh hoạt cuộc sống, thiếu đi sự quan tâm cận kề của những người lớn.

Trong một phút bốc đồng, cả bạn trai lẫn bạn gái đều không tự chủ được bản thân để rồi dẫn đến đến chuyện sống thử nhưng bi kịch thật!

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất

Những sự việc đáng buồn xảy ra xung quanh giới trẻ thời gian qua đều có thể gọi đó là những bi kịch trong tình yêu sinh viên. Các bạn trẻ sống xa gia đình, trong khi lại dễ dãi, buông thả trong tình yêu, không dám và không biết cách chịu trách nhiệm về những hành động của mình. Thường khi yêu, các cậu con trai rất lo lắng, chăm sóc cho bạn gái của mình. Nhưng khi đi quá giới hạn và làm bạn gái có bầu, không ít người chọn cách trốn tránh. Lúc đó, bạn gái mới thấy dại dột quá mức, có người còn nghĩ đến hành động tiêu cực.

 Chuyên gia tâm lý Đào Lê Hoà An

Có lẽ những người trẻ đang có suy nghĩ “yêu sao cũng được”. Không phải họ đang yêu, đang tìm cho mình một mối quan hệ tình cảm lâu dài và đi đến hôn nhân, mà chỉ là tìm một mối quan hệ “qua đường” cho vui. Nếu yêu nghiêm túc thì chắc chắn cả con trai và con gái đều lựa chọn yếu tố tính cách đầu tiên. Đằng này họ không màng đến điều ấy. Con trai chỉ tập trung vào những yếu tố kích thích việc ham muốn thể xác. Chính vì lý do này, nhiều bi kịch về tình yêu giới trẻ cũng ngày một xuất hiện nhiều hơn.

NGƯỜI TRẺ NGHĨ GÌ?

Dương Thị Phương - Sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM

Tình yêu thời sinh viên là một tình yêu đẹp và tích cực nếu như ta biết chừng mực, không đi quá giới hạn và cân bằng được giữa chuyện yêu và việc học. Tuy nhiên, mình không đồng ý về việc sống thử thời sinh viên, yêu nhau thôi chưa đủ để sống với nhau, nếu chưa suy nghĩ chín chắn thì khả năng sống không hợp và chia tay là rất nhiều. Với lại, ở tuổi của mình nên lo cho sự nghiệp trước mắt, đừng vì tình yêu mà để lại hậu quả, đánh mất tương lai, đặc biệt gần đây lại xảy ra những trường hợp đáng buồn về tình yêu thời sinh viên”.

Bạn Lăng Lý Quy Nhơn - Sinh viên Học viện Cán bộ TPHCM

Tình yêu thời sinh viên là điều mà hầu hết mọi người đều trải qua trong quãng thời gian sinh viên của mình. Thật là thiếu may mắn khi không có tình yêu sinh viên. Còn vấn đề sống thử là một trào lưu được du nhập tử nước ngoài và tôi không khuyến khích việc này. Bởi vì nếu bạn chưa trang bị đủ kiến thức cũng như những kĩ năng cần thiết và hiểu biết về sống thử như những hiểu biết về cuộc sống gia đình và đối tượng sống thử là một yêu cầu tất yếu và cần được tìm hiểu kĩ trước khi thực hiện việc sống thử để không mang lại những hệ lụy không mong đợi. Tôi không cổ vũ, không khích lệ, không lên án nhưng đối với những người chọn.

Lương Thị Hoài - Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG TPHCM

Đa số các bạn sinh viên đều xa gia đình lên thành phố học tập, có người yêu sẽ giúp các bạn bớt cô đơn, lạc lõng trong môi trường mới, có người san sẻ, bầu bạn chia sẻ những lúc buồn. Nhưng không nên vì yêu mà sao nhãng việc học, vì yêu bất chấp mọi thứ, nếu thật sự yêu nhau thì nên cùng nhau mà nỗ lực, cảm thông và dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Còn về vấn đề sống thử theo mình là không nên. Yêu nhau không hẳn là sẽ đến được với nhau, và sinh viên vẫn còn quá trẻ và chưa đủ trưởng thành để tự lo được cho bản thân.

Lăng Hương (Ghi)

Bình luận (0)

Lên đầu trang