Điển hình như khu chung cư Ngô Gia Tự (Q10), chung cư số 11 Võ Văn Tần (Q3), chung cư Trúc Giang (Q4), chung cư Cô Giang (Q1), chung cư Thanh Đa (Q.Bình Thạnh)... có tuổi đời 50 - 60 năm, cần sớm được đập bỏ, xây mới. Tuy nhiên, với chính sách thu hút đầu tư kém hấp dẫn, lĩnh vực này không được các doanh nghiệp mặn mà.
NHIỀU CHƯNG CƯ “THỌ” BẰNG CẢ ĐỜI NGƯỜI
Tại chung cư số 727 Trần Hưng Đạo (Q5), nhiều bức tường, trần nhà bong tróc từng mảng. Cốt tòa nhà nhiều đoạn bị nứt toác. Chị Nguyễn Thị Xuân - một trong số ít hộ dân còn bám trụ tại chung cư này cho biết, mùa hè thì nơi đây nóng như “lò bát quái”, còn mùa mưa nước từ ban công chảy tràn vào các phòng. Nhà vệ sinh phải dùng chung. Trên các hành lang, dây điện, ống nước được bắt lộ thiên, chằng chịt như mạng nhện. Dù giữa trưa, nhưng hành lang rất tối tăm, ẩm thấp.
Rời chung cư Trần Hưng Đạo, chúng tôi đến chung cư số 155 - 157 Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, Q1) tọa lạc ở vị trí đắc địa trên phố đi bộ Bùi Viện, với diện tích đất gần 600m2, được xây dựng từ trước năm 1975. Hiện chung cư này có 94 hộ dân sinh sống.
Ông Trần Văn Hùng (cư dân tại đây) cho biết, khi UBND Q1 có chủ trương cải tạo, xây dựng mới chung cư, các hộ đều sẵn sàng chấp hành. Trước đó, qua khảo sát, Sở Xây dựng TPHCM nhận định, hiện trạng bên ngoài chung cư Bùi Viện vẫn chắc chắn, nhưng bên trong thì xuống cấp nghiêm trọng nên đề xuất UBND Q1 có phương án khẩn trương di dời, làm cư dân rất lo lắng.
Trong buổi tiếp xúc đối thoại với người dân sống tại chung cư trên, lãnh đạo UBND Q1 cho biết, các hộ di chuyển ra bên ngoài và được lựa chọn nơi ở mới nằm trong danh sách quỹ nhà tái định cư thì không phải đóng tiền. Nếu người dân không đồng ý chỗ ở tạm cư do quận sắp xếp thì sẽ được nhận tiền thuê nhà để tự lo nơi ở mới, theo mức: 4 nhân khẩu trở xuống được hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng, từ 5 nhân khẩu trở lên sẽ được hỗ trợ thêm 1,25 triệu đồng/nhân khẩu/ tháng, nhưng không quá 15 triệu đồng/hộ.
Chung cư Vĩnh Hội (quận 4) đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng người dân vẫn đang ở
Nhiều mảng tường của chung cư Vĩnh Hội bong tróc, lòi thép ra ngoài rất nguy hiểm
Nhiều người dân đã di dời khỏi chung cư Cô Giang (Q1) do xuống cấp
Tương tự, các chung cư Vĩnh Hội, Trúc Giang (Q4) là những tòa nhà cao tầng xây dựng từ trước năm 1975. Nơi đây có hơn 530 phòng là nơi sinh sống của gần 600 hộ dân, hơn 2.500 nhân khẩu. Tầng trệt vẫn được người dân tận dụng làm điểm giữ xe. Tất cả các hạng mục khác đều xuống cấp nghiêm trọng, mục nát, cầu thang xập xệ... Nhiều gia đình chuyển đi nơi khác, các vật dụng bị vứt lại, nằm ngổn ngang. Một số hộ dân trong chung cư cho biết, sắp tới sẽ phải di chuyển tới nơi ở mới. Tuy nhiên, do đền bù, tái định cư chưa thỏa đáng nên họ còn bám trụ lại nơi này.
Nằm trên đường Ngô Gia Tự (P2, Q10), chung cư Ngô Gia Tự cũng được xây dựng từ trước năm 1975, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ sập đe dọa cư dân hàng ngày. Nhiều vách tường bị nứt, rong rêu loang lổ, bê-tông bong tróc khắp nơi. Bên trong hành lang rất tối. Một số khu vực tiếp giáp giữa các lô ngập rác thải, bốc mùi hôi nồng nặc.
Nhiều chung cư cũ ở TP.HCM đang trong cảnh... chờ sập
MỚI THÁO DỠ ĐƯỢC 32 CHUNG CƯ CŨ
Theo ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM), hiện thành phố có 474 chung cư cũ, hư hỏng đang trong giai đoạn báo động đỏ, được xây dựng từ trước năm 1975. Đến nay, thành phố mới tháo dỡ được 32 chung cư cũ; di dời tái định cư cho các hộ dân lô IV, lô VI - chung cư Thanh Đa; di dời hơn 98% hộ dân chung cư số 727 Trần Hưng Đạo (Q5) sang chung cư số 109 Nguyễn Biểu. Theo ông Châu, kết quả này là quá thấp so với yêu cầu, không đáp ứng được yêu cầu chỉnh trang đô thị của thành phố.
Trong những năm qua, thành phố đã xây dựng lại được một số chung cư cũ hư hỏng nặng và xây mới chung cư Nguyễn Kim. Hiện thành phố có gần 500 chung cư cũ cần được kiểm định, phần lớn được xây dựng từ giữa những năm 1960, đang bị xuống cấp nặng. Trong đó, có những chung cư đang trong tình trạng nguy hiểm, như: chung cư Cô Giang (Q1); chung cư số 727 Trần Hưng Đạo (Q5) còn 10 hộ dân chưa chịu di dời; chung cư lô 4, lô 6 Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) bị nghiêng lún, cần tháo dỡ ngay.
Chung cư Thanh Đa xây dựng trước năm 1975 hiện đã xuống cấp nghiêm trọng
Ông Châu còn cho rằng, tiến độ xây mới các chung cư cũ hư hỏng nặng còn rất chậm. Thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành chưa hợp lý, mất quá nhiều thời gian. Chỉ tiêu xây dựng lại nhà chung cư cũ, hư hỏng chưa tạo điều kiện để nhà đầu tư thu hồi vốn. Mặt khác, thành phố chưa có cơ chế, chính sách phù hợp nên các doanh nghiệp và các nhà đầu tư chưa mặn mà tham gia. Chưa kể nhiều chung cư nằm ở vị trí bất lợi, xen cài trong các khu dân cư nên việc cải tạo, đầu tư xây dựng không đạt hiệu quả kinh tế.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020, TPHCM sẽ di dời, tháo dỡ khoảng 70 chung cư cũ, với 7.249 hộ dân đang sinh sống; sửa chữa 3 lô chung cư cũ, với quy mô 10.000m2 sàn; khởi công xây mới thay thế 61 lô chung cư cũ, với quy mô khoảng 9.870 căn hộ, tương đương 901.696m2 sàn.
Ông Phạm Ngọc Lâm (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đức Khải) cho biết, đến nay, Công ty Đức Khải đã tham gia cải tạo 6 chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Khi thực hiện dự án cải tạo chung cư cũ, doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí rất lớn, nhưng thủ tục hành chính để cải tạo chung cư cũ rất phức tạp. Người dân sống trong các chung cư cũ sợ bị thiệt thòi khi di dời, còn doanh nghiệp sợ “chôn vốn” do việc bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) thường kéo dài nhiều năm. Những vướng mắc trên làm chương trình cải tạo, xây mới chung cư cũ trên địa bàn TPHCM cứ mãi loay hoay.
Khi đầu tư dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ, doanh nghiệp ngại nhất là khâu bồi thường, GPMB, do phải trực tiếp gặp gỡ, thương lượng bồi thường với nhiều hộ dân. Có doanh nghiệp bỏ ra rất nhiều tiền bồi thường, nhưng chỉ vài hộ không đồng thuận giá bồi thường thì dự án bị ách lại vô thời hạn. Khi tham gia các dự án xây mới chung cư, doanh nghiệp còn bị ràng buộc nhiều về quyền lợi, nghĩa vụ, trong khi chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước chưa đủ hấp dẫn.
CẦN THAY ĐỔI PHƯƠNG THỨC ĐẦU TƯ
Ông Lâm cho rằng, muốn thay đổi, phải có những giải pháp hợp lý cho cư dân lẫn phía nhà đầu tư. Đơn cử như dự án cụm chung cư Ngô Gia Tự (Q10) gồm 18 block, đến nay chỉ có một block là lô G đã bồi thường, GPMB xong. Còn lại 17 block (với 2.152 hộ dân) thuộc diện có nguy cơ sập cao, cần tháo dỡ gấp vẫn chưa di dời dân được.
Chung cư Nguyễn Thiện Thuật cũng trong cảnh rệu rã
Tương tự, chung cư số 440 Trần Hưng Đạo được đánh giá là sắp sập đến nơi. Dù UBND Q5 ban hành kế hoạch di dời từ năm 2008, nhưng đến nay, công trình vẫn chưa hoàn tất GPMB do vướng 10 hộ không đồng thuận về giá bồi thường. Tại chung cư Cô Giang (Q1) sau khi một ô văng bị sập, làm 2 người bị thương, lãnh đạo thành phố phải tổ chức họp khẩn và đồng ý cưỡng chế di dời cư dân tại lô D của chung cư này.
Để tháo gỡ vướng mắc trên, theo ông Lâm, Chính phủ cần trao thẩm quyền cho UBND tỉnh, thành phố quyết định việc quy hoạch, xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng. Mặt khác, thành phố cần cho phép doanh nghiệp điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất và chiều cao công trình, sẽ giúp tăng diện tích sàn xây dựng, diện tích căn hộ, giúp nhà đầu tư thu hồi vốn. Về phương thức kêu gọi đầu tư, thành phố cần cho phép doanh nghiệp xây dựng chung cư cũ theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) hoặc phương thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Ông Lê Hòa Bình - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM:
Đến nay, thành phố mới hoàn thành sửa chữa được 132/474 chung cư cũ. Nguyên nhân chậm tiến độ là do vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB. Tình trạng phổ biến là một bộ phận người dân không đồng ý với phương án bồi thường, dù số đông đã đồng thuận, dẫn đến dự án bị chững lại.
Tuy nhiên, đối với chung cư hư hỏng cấp D, UBND các quận phải có biện pháp di dời khẩn cấp các hộ gia đình, cá nhân để đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản của người dân. Theo kế hoạch, năm 2019 thành phố dự kiến sửa chữa, cải tạo 108 chung cư cũ; khởi công, thi công xây dựng 8 chung cư; hoàn thành tháo dỡ 7 chung cư; hoàn thành di dời 729 hộ dân của 12 chung cư cấp D; lựa chọn chủ đầu tư 11/15 chung cư cấp D.
(CAO) Hàng trăm hộ dân sống tại chung cư Khánh Hội (P.6, Q.4) từ hơn 10 năm qua phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ vì sự xuống cấp trầm trọng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.