Vậy làm thế nào để sinh sống an toàn tại các khu chung cư, nhà cao tầng?
Thượng tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TP.HCM
THỰC TRẠNG CÒN NHIỀU BẤT CẬP
Vụ cháy đêm 23-3-2018 xảy ra tại chung cư Carina đường Võ Văn Kiệt, quận 8, TP. Hồ Chí Minh làm chết 13 người và gần 100 người bị thương, là hồi chuông cảnh tỉnh về tình hình an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các chung cư, nhà cao tầng hiện nay.
Gần đây nhất liên tục xảy ra 2 vụ cháy tại căn hộ chung cư Era Town ở quận 7 và The Vista tại quận 2 làm người dân hoang mang, lo lắng.
Sự lo ngại là có lý do, vì cháy nổ có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân.
Cháy chung cư trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân
Tuy nhiên, điều đáng nói là người dân có nên quá lo lắng khi xảy ra cháy tại căn hộ chung cư?
Điều quan trọng nhất là trong xử lý các sự cố là phải giữ được tinh thần chủ động, bình tĩnh, sáng suốt để lựa chọn các giải pháp an toàn, hiệu quả. Có nhiều vụ cháy dù mới phát sinh và chưa gây nguy hiểm, nhưng do con người quá hoảng loạn đã để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.
Đối với chung cư, nhà cao tầng có những đặc điểm chung về PCCC. Cụ thể: các chung cư cao tầng hiện nay thường có tầng hầm để xe, khối đế làm thương mại, dịch vụ và các tầng trên làm căn hộ ở. Các khu vực này có kiến trúc phức tạp, thường tập trung đông người, số lượng chất cháy lớn và các nguy cơ dẫn đến cháy, nổ nhiều.
Bên cạnh đó, đa số các chung cư, nhà cao tầng đều được thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC đảm bảo các yêu cầu về bậc chịu lửa, giải pháp ngăn cháy, khoảng cách PCCC, giao thông phục vụ chữa cháy, lối thoát nạn và các hệ thống kỹ thuật về PCCC.
Trong đó, chung cư cao tầng luôn có buồng thang bộ không nhiễm khói và đảm bảo ngăn cháy; hành lang chung cư được thông gió, hút khói bằng cơ khí hoặc thông gió tự nhiên; cửa các căn hộ đều là loại cửa chống cháy; chung cư được trang bị đầy đủ các hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Trên thực tế, thực trạng chung đối với việc sử dụng chung cư hiện nay còn nhiều bất cập, cụ thể:
Trách nhiệm về PCCC của một số chủ đầu tư, ban quản lý toà nhà chưa được nâng cao. Rất nhiều chung cư sau khi đã đưa vào hoạt động nhưng chưa thành lập ban quản trị, một số chủ đầu tư sau khi đã bàn giao nhà thì giao hết trách nhiệm cho ban quản trị, ban quản lý toà nhà nên việc tổ chức thực hiện công tác PCCC gặp nhiều khó khăn.
Lực lượng PCCC tại chỗ thiếu và yếu. Lực lượng này chủ yếu là lực lượng bảo vệ, bảo trì chung cư, chế độ thường trực không rõ ràng, nhiệm vụ chủ yếu vẫn là công tác bảo vệ an ninh; việc thường trực, tuần tra, kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC tại toà nhà thường được coi nhẹ.
Công tác tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng này cũng chưa được các chủ đầu tư, ban quản lý coi trọng nên khi xảy ra sự cố cháy, nổ thường lúng túng, xử lý không kịp thời, hiệu quả dẫn đến các sự cố cháy, nổ lớn, phức tạp gây hậu quả nghiêm trọng.
Cứu người dân thoát xuống từ tầng cao trong vụ cháy chung cư Carina, quận 8
Ngoài lực lượng PCCC tại chỗ thì ý thức của người dân về công tác PCCC cũng chưa được nâng cao. Lực lượng Cảnh sát PCCC có định kỳ tổ chức tuyên truyền PCCC tại các chung cư, khu dân cư nhưng ghi nhận cư dân tham gia rất hạn chế. Khi xảy ra sự cố cháy tại các căn hộ, người dân chỉ biết chạy đi mà không biết thực hiện các bước xử lý ngay từ ban đầu, khi đám cháy mới phát sinh.
Tuy các hệ thống kỹ thuật PCCC tại các chung cư được trang bị khá đầy đủ theo quy định nhưng việc bảo trì, bảo dưỡng các hệ thống, phương tiện PCCC chưa thực sự được coi trọng. Rất nhiều vụ cháy xảy ra nhưng hệ thống báo cháy, chữa cháy không có tác dụng.
Nhiều chung cư hệ thống báo cháy tự động xảy ra hiện tượng báo động giả nhiều, bị người dân phản ánh nên chủ đầu tư, ban quản lý ngắt luôn hệ thống chuông báo động, khi xảy ra cháy, người dân sẽ không thể biết để thoát nạn.
Theo quy định, cửa thoát nạn vào buồng thang bộ phải không có chốt khóa để có thể mở được cửa tự do từ bên trong mà không cần chìa. Hiện nay, để đảm bảo an ninh, các cửa vào buồng thang bộ được chủ đầu tư lắp đặt cửa 1 chiều, người dân khi vào buồng thang sẽ chỉ ra được tại tầng 1.
Điều này sẽ rất nguy hiểm khi xảy ra cháy mà buồng thang bị nhiễm khói do một số lý do nào đó. Ngoài ra, các cửa lên sân thượng toà nhà cũng thường bị khoá làm ảnh hưởng đến yêu cầu an toàn thoát nạn cho người dân.
XÁC ĐỊNH NGUYÊN NHÂN, NGĂN NGỪA TẬN GỐC
Trở lại với 2 vụ cháy gần đây tại chung cư Era Town và The Vista. Hai vụ cháy này xảy ra tại căn hộ, nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự cố về điện, không có thiệt hại về người, thiệt hại tài sản chủ yếu là một số vật dụng gia đình. Khi phát hiện cháy, lực lượng tại chỗ đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC dập tắt đám cháy không để cháy lan sang các căn hộ lân cận.
Vụ cháy tại chung cư The Vista An Phú nhanh chóng được dập tắt, không lan sang các căn hộ xung quanh
Qua hai vụ cháy trên, dù chưa gây thiệt hại lớn về người và tài sản nhưng đã làm cho người dân hết sức hoang mang và lo lắngkhi xảy ra cháy tại chung cư. Tuy nhiên, mỗi người dân cần bình tĩnh để nhận định tình hình để có những giải pháp an toàn.
Tại tòa nhà chung cư cao tầng, với những đám cháy, nổ xảy ra tại tầng hầm và các tầng thương mại, dịch vụ tại khối đế công trình sẽ rất nguy hiểm nếu các giải pháp ngăn cháy, điều kiện thoát nạn và hệ thống PCCC không hiệu quả. Các đám cháy này thường phát triển lan rộng do lượng chất cháy nhiều, tỏa nhiều khói, khí độc đe doạ tính mạng con người.
Đối với các đám cháy xảy ra tại căn hộ đơn lẻ, người dân không cần thiết phải quá lo lắng, hoảng sợ do con người có thể kiểm soát được tình hình. Hầu hết các đám cháy xảy ra tại căn hộ đều là đám cháy cục bộ, khó có khả năng cháy lan sang các căn hộ khác do căn hộ luôn được xây dựng bằng các kết cấu xây dựng bao che là trần, sàn bê tông cốt thép, tường ngăn là tường gạch, cửa căn hộ là cửa chống cháy và trong căn hộ luôn được trang bị đầu phun chữa cháy tự động Sprinkler.
Nếu hệ thống PCCC hoạt động tốt, hệ thống chữa cháy sẽ tự động dập tắt hoặc hạn chế sự phát triển của đám cháy. Khi xảy ra cháy tại căn hộ, người dân nên bình tĩnh ngắt điện, sử dụng bình chữa cháy và triển khai họng nước chữa cháy trong nhà để dập tắt đám cháy. Trong đường ống cấp nước chữa cháy tại tòa nhà luôn được duy trì áp lực nước đảm bảo yêu cầu chữa cháy.
Với bất kỳ các sự cố báo cháy nào, người dân phải tiến hành thoát nạn theo đường cầu thang bộ gần nhất. Các buồng thang bộ thoát nạn tại chung cư đều là buồng thang bộ không nhiễm khói, được thiết kế thoát trực tiếp ra ngoài hoặc đi qua hành lang ngăn cháy. Với các sự cố cháy tại căn hộ, chúng ta cũng không nên quá hoang mang, lo sợ để dẫn đến những tai nạn đáng tiếc như nhảy xuống hoặc dẫm đạp lên nhau.
Các sự cố cháy trong căn hộ chủ yếu là do nguyên nhân sự cố về điện, thắp nhang thờ cúng hoặc nấu ăn. Việc nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng hệ thống điện, hệ thống gas và các dạng nguồn lửa, nguồn nhiệt khác sẽ hạn chế đa số các sự cố cháy nổ tại căn hộ chung cư.
Qua đây, yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý phải nâng cao ý thức hơn nữa trong việc thực hiện trách nhiệm PCCC theo quy định của Pháp luật, xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ đủ mạnh, thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, duy trì chế độ hoạt động của các hệ thống, phương tiện PCCC đã được trang bị với tính tin cậy cao nhất để xử lý nhanh và hiệu quả các tình huống cháy nổ xảy ra, không để gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
MỘT SỐ KHUYẾN CÁO AN TOÀN PCCC ĐỐI VỚI CHUNG CƯ CAO TẦNG
Chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các quy định về pháp luật về PCCC đối với các chung cư cao tầng. Tăng cường công tác thường trực bảo vệ nhất là khu vực tầng hầm.
Tăng cường công tác tự kiểm tra kịp thời phát hiện , khắc phục các tồn tại về PCCC có nguy cơ cháy nổ xảy ra. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hệ thống điện trong tòa nhà. Không đấu nối hệ thống điện vướt quá công suất của các thiết bị bảo vệ.
Khuyến cáo người dân đang sinh sống tại các chung cư nâng cao ý thức PCCC trong từng căn hộ của mình, đảm bảo an toàn PCCC trong việc đun nấu, thờ cúng, thắp hương, hóa vàng mã…; phổ biến các thành viên trong gia đình kỹ năng thoát hiểm; Mỗi căn hộ cung cư nên trang bị các phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ như: Bình chữa cháy xách tay, mặt nạ phòng độc, thang dây thoát nạn…
Thường xuyên phối hợp với các Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên địa bàn tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kiến thực nghiệp vụ PCCC cho đội PCCC cơ sở; Tổ chức các buổi tuyên truyền về công tác PCCC cho các hộ dân của tòa nhà.
Phải tiến hành kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống PCCC được lắp đặt trong tòa nhà để đảm bảo hệ thống luôn luôn hoạt động tốt, theo đúng chức năng thiết kế ban đầu.
Tại khu vực tầng hầm phải bố trí, sắp xếp phương tiện xe gọn gàng, không cản trở lối, đường thoát nạn; thường xuyên kiểm tra để phát hiện kịp thời các phương tiện hư hỏng hoặc sự cố rò rỉ xăng dầu để cách ly, di chuyển đảm bảo an toàn PCCC trong tòa nhà. Không bố trí phương tiện che lấp các tủ để phương tiện PCCC,…
Tuyệt đối không khóa, chốt cửa thoát nạn; cửa buồng thang bộ phải luôn đóng kín đảm bảo ngăn lửa, khói khí có cháy nổ xảy ra. Bố trí mặt bằng, công năng sử dụng tại các vị trí trong tòa nhà phải theo đúng hồ sơ thiết kế được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC.
Bằng mọi cách thông báo cho mọi người xung quanh biết (hô hoán, ấn chuông báo cháy, còi, loa...). Báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH qua số máy 114 hoặc Công an, chính quyền nơi gần nhất.
Sử dụng các phương tiện chữa cháy đã được trang bị để dập tắt đám cháy. Nếu không được, hãy ra khỏi phòng và tìm cầu thang thoát nạn hoặc di chuyển ra ban công, cửa sổ gọi to, ra hiệu để được trợ giúp.
Khi di chuyển trong phòng, hành lang nhiều khói, lấy khăn ướt bịt mũi miệng, đi khom hoặc bò sát nền để tránh khói, tránh khí độc.
Khi tìm cứu người, chú ý các nơi kín, khuất như gầm giường, sau tủ, nhà tắm... Ưu tiên cứu người già, trẻ em, phụ nữ có thai và những người không có khả năng tự cứu, người tàn tật, tâm thần.
19 PHƯƠNG ÁN THOÁT NẠN KHI GẶP SỰ CỐ CHÁY, NỔ
1. Việc đầu tiên là phải xem cầu thang bộ, cầu thang thoát nạn ở đâu, có thể bạn đi bằng lối thang máy nhưng vẫn cần biết.
2. Nên chú ý đến vị trí để các phương tiện chữa cháy bởi sử dụng chúng có thể tạo ra lối thoát nạn hoặc đôi khi các cuộn vòi chính là các “dây” cứu nạn:
3. Khi có cháy hãy bình tĩnh xử lý, đây là yếu tố quan trọng nhất. Sử dụng phương tiện sẵn có để dập cháy.
4. Nếu không dập được hãy ra khỏi phòng và đóng cửa phòng bị cháy lại.
5. Tìm các lối thoát nạn sẵn có theo đèn EXIT – Lối ra hoặc đèn chỉ dẫn mũi tên màu xanh. Hãy sử dụng cầu thang bộ, không dùng thang máy.
6. Trên đường đi, báo cho hàng xóm hay người ở các phòng lân cận biết đang có cháy xảy ra.
7. Nếu phải băng qua lửa, hãy dùng áo, chăn chất liệu cotton nhúng ướt và trùm lên đầu, lên người.
8, Bò hoặc đi khom người khi di chuyển trong phòng có nhiều khói. Nếu không nhìn thấy lối thoát nạn thì nên lần - sờ theo một bên tường để đi, chắc chắn sẽ tìm thấy cửa ra. Nên dùng khăn ướt bịt miệng mũi.
9, Nếu phải mở cửa, hãy kiểm tra nhiệt độ trước khi mở.
10. Khi mở nên tránh mặt và người sang một bên đề phòng lửa tạt. Nên cúi sát người xuống sàn khi mở cửa.
11. Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở.
12. Nếu khói lùa, dùng vải, giẻ ướt nhét vào khe cửa; hoặc dùng băng dính dán chặt.
13. Sau đó tìm lối thoát sang các phòng khác. Nếu không có lối ra, hãy di chuyển ra ban công, cửa sổ.
14. Từ đây hãy gọi to; dùng khăn, áo sáng màu ra hiệu cho người cứu biết.
15. Điện thoại 114 và 115, 113 hay công an phường, người thân... để thông báo vị trí bạn đang bị kẹt.
16. Trong khi chờ lực lượng PCCC hãy dùng các phương tiện có sẵn như: kìm cắt cửa, dây, thang... để thoát ra.
17. Đôi khi tấm rèm, ga xé dọc hay quần áo dài... buộc lại cũng trở thành 1 sợi dây cứu nạn.
18, Tuyệt đối KHÔNG nhảy,
19. Chỉ được nhảy khi có đệm, lưới ở dưới.
Thượng tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TP.HCM