“Vỡ trận” các dự án tái định cư hàng trăm tỷ đồng ở Thái Nguyên:

Kỳ 2: Khu tái định cư “ngủ đông”, sống chung với... “tử thần”!

Thứ Hai, 13/05/2019 09:50

|

(CATP) Khu tái định cư (TĐC) Vạn Thọ được đầu tư với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng bị “vỡ trận”, phải dừng thi công. Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên nêu rõ trách nhiệm những bên liên quan trong một báo cáo năm 2017, nhưng chủ đầu tư và các đơn vị bị nêu tên vẫn bình chân như vại. Trong khi đó, Khu TĐC Tam Va dù dân đã đến ở, nhưng tình trạng sạt lở diễn ra và có thể tiếp diễn, làm cư dân nơm nớp lo âu, đánh cược tính mạng với... “tử thần”!

NƠM NỚP LO LŨ, SẠT LỞ VỀ KHU TÁI ĐỊNH CƯ

Khu TĐC xã Vạn Thọ (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) thuộc dự án đầu tư tổng thể bố trí ổn định dân cư vùng bán ngập hồ Núi Cốc, được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2014, nhằm ổn định cho 35 hộ dân. Với diện tích hơn 3 héc-ta, sau 4 năm thực hiện, đến nay dự án vẫn “ngủ đông”, gây ra nhiều bức xúc, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với người dân địa phương.

Ông Nguyễn Tiến Hùng ở xã Vạn Thọ bức xúc vì năm nào cũng sống chung với ngập lụt nhưng không thể ra chỗ ở mới vì KTĐC Vạn Thọ "vỡ trận".

Ông Nguyễn Tiến Hùng (một trong những hộ dân bị ảnh hưởng ngập ở lòng hồ Núi Cốc) cho biết: “Hàng chục năm qua, chúng tôi “sống chung” với ngập lụt. Hằng năm, từ tháng 7 tới tết là nước dâng cao ngang tường đến cửa sổ nhà tôi.

Việc ăn ở, đi lại vô cùng khó khăn. Chúng tôi vẫn sống trong vùng nguy hiểm, không biết khi nào mới thoát khỏi cảnh này? Chúng tôi đợi mấy năm rồi mà khu TĐC vẫn chưa hoàn thành. Cứ hy vọng rồi lại thất vọng”.

Ngoài gia đình ông Hùng ở Vạn Thọ còn có nhiều người dân ở khu vực lòng hồ Núi Cốc nhiều năm phải sống chung với lụt lội.

Khu TĐC Vạn Thọ “vỡ trận” ngay từ khi đang thi công. Nhìn hàng ngàn mét khối đất sạt lở nằm chênh vênh dưới chân đồi, án ngữ ngay phía trước nhà mình, một người dân bức xúc: “Trước đây, khu này không bao giờ bị sạt lở. Chẳng biết họ làm thế nào mà vài năm trở lại đây, cứ mùa mưa là chúng tôi lại nơm nớp lo sợ.

TĐC Vạn Thọ giờ chỉ còn là bãi đất "chết", hoang tàn, tiêu điều.

Mưa to là đất trên đồi cao ào ào đổ xuống khu TĐC, tràn vào nhà dân. Ban đêm nước về bất ngờ, người dân trở tay không kịp, những gia đình không có đàn ông ở nhà thì phải kêu gào, nhờ hàng xóm đến cứu. Bây giờ, cứ mùa mưa là chúng tôi mất ăn, mất ngủ”.

Người dân sống xung quanh KTĐC Vạn Thọ ngày ngày sống chung với "xác chết" TĐC trong sự mệt mỏi, chán chường.

Bà Trần Thị Toàn (ngụ xóm 6, xã Vạn Thọ) sống gần khu TĐC phàn nàn rằng từ khi làm khu TĐC (năm 2015), mỗi trận mưa là... một “trận khổ” đối với người dân. Khi nước rút, bà con phải làm vệ sinh toàn bộ nhà cửa, sân, vườn. Riêng năm 2018, gia đình bà phải dọn vệ sinh nhà hơn chục lần vì bị ngập.

Từ tháng 4-2016, sau sự cố sạt lở khi công trình hoàn thành 86,8% khối lượng hạ tầng, đến nay Khu TĐC Vạn Thọ vẫn chỉ là khu đất hoang, nham nhở, lác đác vài cột điện, đường thoát nước đã bị phá hủy, tê liệt. Khu TĐC Vạn Thọ như một bức tranh tương phản, ẩn chứa nhiều hiểm họa về thiên tai.

TĐC từng là niềm hy vọng với dân nghèo vùng lụt lội giờ trở thành nỗi thất vọng triền miên bởi nhà chức trách làm việc tắc trách.

Một bên đồi cao bị các đơn vị thi công đào bới, một bên là hàng chục ngôi nhà dân đang sinh sống. Một số hộ dân khác kề cận khu sạt lở, ngày ngày nhìn thấy “thần chết” cạnh nhà, nhưng không còn sự lựa chọn nào khác. Khu TĐC này không giải quyết được vấn đề chỗ ở cho dân vùng bán ngập lòng hồ Núi Cốc, mà còn làm ảnh hưởng tới người dân tại xã Vạn Thọ.

TDC Vạn Thọ để lại nhiều bức xúc cho người dân địa phương.

Sau khi Khu TĐC Vạn Thọ ngừng hoạt động, dù Sở Xây dựng tỉnh nhìn rõ vấn đề, chỉ ra trách nhiệm của chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ một số quy định của Chính phủ và Bộ Xây dựng về quản lý chất lượng công trình xây dựng; các đơn vị, cá nhân thực hiện công tác khảo sát, thiết kế xây dựng; nhà thầu thi công và nhà thầu giám sát thi công xây dựng.

KTĐC Vạn Thọ không những không thể giải quyết chỗ ở cho người dân vùng ngập bán lòng hồ Núi Cốc mà còn đe dọa cuộc sống của người dân gần khu tái định cư đã "vỡ trận".

Thế nhưng các đơn vị, cá nhân trên vẫn... bình chân như vại. Dự án hơn chục tỷ đồng bị lãng phí, nhưng trong một số báo cáo của các đơn vị liên quan đều đổ nguyên nhân khu TĐC này “vỡ trận” là do... ông trời (!?).

KTĐC Vạn Thọ "vỡ trận" còn đe dọa người dân sống xung quanh dự án.

SỐNG CHUNG VỚI “TỬ THẦN”

Khu TĐC Tam Va (xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) có tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh xuống còn hơn 54 tỷ đồng. Dự án nhằm ổn định đời sống cho 60 hộ di chuyển vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở, đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay.

Dân được duyệt đến ở khu TĐC này chủ yếu là dân tộc Mông. Khu TĐC này được cho là có nhiều hộ dân đến ở nhất, nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh người đến ở rồi trở về nơi cũ hoặc đất đai bị bỏ hoang hóa.

TĐC Tam Va cũng bị sạt lở gây nguy hiểm đối với người dân tại đây.

Chúng tôi đến Khu TĐC Tam Va những ngày đầu hè yên ả. Những người lớn đều đi vắng, còn lại chủ yếu là trẻ nhỏ với người già ở nhà. Nhìn những đứa trẻ tung tăng vui chơi trên nền đường mới phẳng lì của khu TĐC, dễ nghĩ rằng cuộc sống của người dân nơi đây đã được cải thiện, ổn định, bớt lo toan về chuyện cơm áo, gạo tiền, thiên tai, dịch bệnh. Nhưng thực tế, cơn “sóng ngầm” vẫn đang âm ỉ tại đây. Trong đó, nổi cộm nhất là vấn đề sạt lở.

TĐC Tam Va cũng bị sạt lở gây nguy hiểm đến với người dân ngay trước mặt và sau lưng núi.

Trong các hạng mục được đầu tư thi công dự án có hạng mục kè cấp 2, với mái taluy xây bằng đá hộc, chiều cao trung bình khoảng 2m để đảm bảo chống sạt lở cho khu TĐC. Tại khu vực kè còn kèm theo bể nước của công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nhưng chỉ sau những trận mưa lớn trong năm 2017, khu vực taluy dài vài chục mét và bể nước đặt trên đồi bị cuốn phăng.

Sạt lở lớn xảy ra nhiều năm nay nhưng chỉ có mỗi cái biển cảnh báo này được lắp đặt, còn chủ đầu tư và cơ quan chức năng địa phương vẫn như "ếch ngồi đáy giếng".

Đất từ trên cao ập xuống, vùi lấp khu đất đã được phân lô và nằm chình ình trước mặt dãy nhà của nhiều hộ đã đến sinh sống, tiềm ẩn những mối nguy hiểm rình rập, nhất là mùa mưa lũ đang đến gần. Sạt lở còn làm hàng chục ô đất dành cho các hộ TĐC đến nay bị bỏ hoang. Người dân chê, không dám đến ở vì lo sợ phải sống cạnh “tử thần”.

Sau vụ sạt lở, hàng chục hộ dân khác sinh sống dọc hệ thống kè taluy phía bên kia cũng nơm nớp lo sợ. Trước đây, bà con dân tộc Mông tưởng rằng dọn đến đây ở thì sẽ bớt lo âu về thiên tai, nhưng một lần nữa họ lại phải sống chung với “tử thần” ngay trước mặt và sau lưng.

Nguy cơ sạt lở hay nói cách khác là "vỡ trận" TĐC vẫn đang hiện hữu khi mùa mưa đang cận kề.

Dù sạt lở diễn ra từ lâu, cư dân ở Khu TĐC Tam Va đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất chủ đầu tư khắc phục, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn bặt vô âm tín, để lại những lời hứa cùng vô vàn bức xúc, nghi ngại của người dân.

Những tưởng hai Khu TĐC Vạn Thọ và Tam Va sẽ biến giấc mơ giúp người dân trong vùng bán ngập hồ Núi Cốc và vùng núi xã Văn Lăng được an cư thành hiện thực. Thế nhưng tính đến thời điểm hiện tại, đã chi gần hết số tiền ngân sách nhà nước “rót” cho người dân hưởng lợi tại Khu TĐC Vạn Thọ, đến nay vẫn là con số “0” tròn trĩnh. Còn Khu TĐC Tam Va, bà con phải thấp thỏm, lo âu trước hiểm họa thiên tai luôn hiện hữu trước mặt.

Chị Lý Thị Gái (ngụ Khu TĐC Tam Va):

Dân đã nhận đất, vì sạt lớn nên không dám đến ở. Còn ở phía bên kia và ngay trước mặt khu bị sạt lở, đêm hôm mưa to, gió lớn, đất đá kéo xuống thì dân không biết làm thế nào?

Chị Lý Thị Gái đứng trước khu sạt lở Tam Va với nhiều băn khoăn, lo âu.

Ông Lý Văn Phì (Trưởng khu TĐC Tam Va):

Khu TĐC đất chật, không có đất sản xuất nên dân không được thoải mái. Nhiều người nhận đất xong để lại cho con cái họ ở hoặc dựng nhà rồi bỏ không. Họ cho rằng đất sản xuất không có, vẫn phải lên núi, đến trưa mới tới nơi thì còn làm ăn gì nữa?

Ông Lý Văn Phì - Trưởng khu Tam Va cho biết, nửa đời người sống trên núi chưa bao giờ ông thấy sạt lở lớn như trong KTĐC Tam Va.

Về khu vực sạt lở trong dự án TĐC, chủ đầu tư hứa sẽ múc hết đất sạt lở đi, nhưng chờ hoài vẫn chưa thấy làm. Lúc họp dân, họ hứa đưa người dân về đây ở để tránh sạt lở. Khi về đây, sạt lở còn ghê hơn trên núi. Gần nửa đời người sinh sống trên núi, chưa bao giờ tôi thấy có nhà ai bị sạt lở to đến thế! Dân lo lắng, băn khoăn về vấn đề này lắm, nhưng càng kiến nghị thì càng thất vọng.

“Vỡ trận” các dự án tái định cư hàng trăm tỷ đồng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang