Tổ chức hào nhoáng, rình rang
“Đây là buổi biểu diễn cực kỳ hiếm hoi trong lịch sử nền ảo thuật Việt Nam” – sau lời tuyên bố hùng hồn của một người đàn ông có mái tóc dài quấn đuôi gà, được giới thiệu là ảo thuật gia (ATG) Anh Đức, cả hội trường vang lên tràng pháo tay giòn giã.
Poster quảng bá chương trình được Ban tổ chức đăng tải rộng rãi trên báo và mạng xã hội
Những người đang ngồi trên bục phỏng vấn lần lượt được tung hô là ATG Pamas Nguyễn (Giám khảo của gameshow ảo thuật siêu phàm trên Đài VTV3, hiện nay đang là Chủ tịch của Hội ảo thuật IBM của Hoa Kỳ chi nhánh tại Việt Nam), ATG Vũ An (Giám đốc Trung tâm ảo thuật xiếc Úm Ba La, kiêm chủ nhiệm câu lạc bộ ảo thuật Nhà văn hoá Thanh niên), ông Tuấn Minh (Giám đốc Truyền thông của chương trình)…
Đó là buổi ra mắt chương trình “Giao lưu Ảo thuật Quốc tế 2019” diễn ra tại Nhà văn hoá thanh niên TPHCM, do nhóm ATG nói trên đứng ra tổ chức, được thu phát rộng rãi trên mạng xã hội facebook. Dường như ATG nào cũng đều có những chức sắc, vai vế hoành tráng khiến các khán giả bên dưới ai nấy cũng ngưỡng mộ.
ATG Vũ An và ATG Palmas Nguyên (từ trái qua) xuất hiện trong buổi ra mắt chương trình
Buổi ra mắt dễ dàng tạo được một dấu ấn lớn với giới ảo thuật trong nước nhờ biết khuếch trương thương hiệu của những ATG này, dù chưa biết trình độ chuyên môn của họ tới đâu. Độ rình rang của chương trình còn được ban tổ chức “bật mí” sự góp mặt của các “ATG hàng đầu thế giới”, đến từ các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… Những ATG này được cam kết sẽ là giám khảo chấm và đánh giá màn thi thố của các thí sinh.
Chưa hết, ban tổ chức còn tăng thêm sức lôi cuốn cho các thí sinh tham gia bằng những lời hứa hẹn quảng cáo cho các thí sinh tham gia chương trình cực kỳ lôi cuốn.
Ông Tuấn Minh (Giám đốc Truyền thông của chương trình) đang đứng ra phát biểu giới thiệu về chương trình tại buổi họp báo ra mắt
“Các anh chị muốn đi bài hay như thế nào? Khi các bạn thí sinh tham gia cuộc thi này mà muốn truyền thông về báo chí hoặc PR (quảng cáo) hình ảnh để tốt nhất cho mình thì… Bây giờ thời buổi công nghệ 4.0 rồi, mọi người có thể lên mạng gõ một cái tên nhà ảo thuật nào đó thì các bài truyền thông của mình sẽ góp phần cho tên tuổi của mình được nhiều người biết tới.
Hiện tại Tuấn Minh có quen biết các anh chị báo chí, từ báo mạng đến các tờ báo lớn thì sẽ hỗ trợ những gì có thể, tối đa kinh phí hay như thế nào thì các thí sinh có thể liên hệ ban tổ chức” – Tuấn Minh nhắc đi nhắc lại chuyện được quảng cáo khi tham gia chương trình khiến các thí sinh đang có mặt vô cùng háo hức. Họ đang trông ngóng từng giờ để đến đêm 28/4, thời điểm gala cuối cùng của chương trình chính thức diễn ra…
Sụp hố!
Lúc 19 giờ ngày 28-4, sân khấu Nhà văn hoá thanh nên TPHCM chật cứng người ngồi. Khán giả đến đây cầm theo “vé mời” với giá 1,1 triệu/người, còn thí sinh tham gia phải đóng mỗi người 1,5 triệu đồng. Chương trình được mở màn với những vũ điệu hết sức sôi động. Ngay sau phần tuyên bố, giới thiệu và phát biểu, các tiết mục bắt đầu diễn ra.
Trong Ban giám khảo, có một gương mặt được BTC giới thiệu là Chủ tịch của Hội ảo thuật IMS của Hoa Kỳ tại Việt Nam, ATG Pamas Nguyễn và một số ATG nước ngoài khác mà khi nghe tên, các thí sinh đều tỏ ra khá ngỡ ngàng. Nhưng biết sao được, đã lỡ đóng tiền rồi thì phải lên trình diễn và thi thố.
Phía trên sân khấu nhiều thí sinh vô tư thi thố tài năng
Sau những tiết mục cống hiến hết mình của các thí sinh, ban tổ chức bắt đầu đưa ra nhận xét, rồi công bố kết quả cuối cùng để trao giải cho các thí sinh. 2 thí sinh người được ngoài được xướng tên nhận giải nhất và nhì, giải 3 là một thí sinh của Việt Nam
Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một cuộc thi đúng nghĩa. Nhưng điều mà các thi sinh không hay biết, đó là họ đang tham gia một cuộc thi… chui! Điều này cũng đồng nghĩa với việc giải thưởng mà các thí sinh tranh tài giành lấy chỉ có giá trị “làm cảnh”.
Đại diện của Hội Ảo thuật IMS đứng ra trao những tấm bằng, giải thưởng kỳ lạ cho thí sinh
Theo điều tra của phóng viên Báo CATP, để được cơ quan chức năng cho phép tổ chức chương trình này, ATG Vũ an và ATG Pamas Nguyễn (Việt kiều Mỹ) đã đăng ký xin giấy phép ở Sở Văn hoá – Thể thao TPHCM. Chính ATG Vũ An trong buổi ra mắt chương trình, đã “tâm sự” rằng để có được tấm giấy phép của cơ quan chức năng, nhóm này đã phải “rất trầy trật và sử dụng nhiều quan hệ khác, vì đây là một chương trình có yếu tố nước ngoài”.
Tài liệu chúng tôi có được cho thấy, nhận được đề xuất của Phòng Nghệ thuật, bà Nguyễn Thị Thanh Thuý (Phó giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao) đã ký duyệt cấp phép cho Công ty TNHH Một thành viên Xiếc Ảo thuật Úm Ba La tổ chức biểu diễn chương trình ảo thuật trò lớn, trò nhỏ mang tên “Biểu diễn giao lưu ảo thuật Việt Nam và Quốc tế”.
Từ giấy phép chỉ được cấp duyệt biểu diễn, đơn vị tổ chức đã “hô biến” thành cuộc biểu diễn có yếu tố nước ngoài chưa được kiểm duyệt kỹ lưỡng về kịch bản, nội dung và nhiều yếu tố khác. Bản chất giữa một chương trình biểu diễn và một cuộc thi là hoàn toàn khác nhau. Chưa kể với một cuộc thi mang yếu tố nước ngoài thì trước khi cấp phép càng phải thẩm định nội dung kỹ lưỡng hơn.
Một thí sinh người Việt Nam tham dự “cuộc thi” được ban tổ chức trao giải ba chung cuộc với số tiền thưởng 3 triệu đồng
Việc lãnh đạo Sở Văn hoá – Thể thao TPHCM cấp phép theo đề xuất của đơn vị cấp dưới là đúng theo quy trình. Nhưng vấn đề đáng nói ở đây là Sở này đã không có sự giám sát chặt chẽ, dẫn đến tình trạng công ty được cấp phép lợi dụng “tấm giấy thông hành” để tổ chức theo một hướng khác mà không ai hay biết.
Hậu quả tất yếu là rất nhiều thí sinh đã bị “quáng mắt” trước “cái mác” quá lớn của chương trình, làm họ không biết sự thật dẫn đến bị “sụp hố”.
Vỡ mộng
Chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với nghệ sĩ ảo thuật Việt Duy (Huy chương vàng Liên hoan Ảo thuật Việt Nam 2018) - người đã đăng ký tham gia trực tiếp chương trình này. Vừa được đề cập đến chương trình “Giao lưu ảo thuật quốc tế 2019”, ATG Việt Duy đã bày tỏ sự bức xúc cao độ.
“Tôi đã bị ảnh hưởng uy tín nghiêm trọng khi trót tham gia chương trình này” – ATG Việt Duy mở đầu câu chuyện. Anh cho biết, anh tham dự chương trình trên với tinh thần cọ xát, học hỏi là chính.
Để tránh lùm xùm, ATG Palmas đã nhiều lần đăng đàn yêu cầu các thành viên tham gia chương trình “Giao lưu ảo thuật quốc tế” không dùng từ “Thi” tham dự hoạt động này
Chấp nhận đóng 1,5 triệu đồng “lệ phí tham dự”, nghệ sĩ này hào hứng chờ đợi tới ngày tranh tài. Nhưng chẳng mấy chốc, ATG Việt Duy đã bị vỡ mộng trước sự “bát nháo” của cuộc thi. “Ngày tới sân khấu chương trình, tôi giật mình phát hiện thực chất đây là một cuộc thi thố tài năng, có sự chấm điểm của giám khảo. Mà tiếc thay những người chấm giải lại là những khuôn mặt lạ lẫm, chưa được kiểm chứng về năng lực chuyên môn” – ATG Việt Duy kể lại cú sốc.
Không những thế, chương trình này còn tổ chức trao nhiều “giải thưởng kỳ lạ” cho những cá nhân chưa từng có một ngày đóng góp đúng nghĩa cho nền ảo thuật nước nhà.
Tấm vè tham dự chương trình được nhiều ATG bỏ số tiền hơn 1 triệu đồng để sở hữu với hy vọng được giao lưu nghệ thuật chân chính
Nhiều thí tham gia cuộc thi này chia sẻ với Phóng viên Báo CATP rằng, trước cuộc thi, đại diện ban tổ chức có thông báo nếu cá nhân nào muốn tham dự chương trình này đều phải bỏ một số tiền là 1,1 triệu đồng để mua vé; còn để được trực tiếp lên sân khấu “biểu diễn”, các ATG sẽ phải đóng số tiền lệ phí lên đến 1,5 triệu đồng.
Tấm giấy chứng nhận do Hội IMS cho bất kỳ ai đã đăng ký biểu diễn trong chương trình
Với số tiền vé vào cửa đã bỏ ra, người tham dự được hứa hẹn tham gia vào các khoá đào tạo kỹ năng do những ảo thuật gia quốc tế có tên tuổi trực tiếp đứng lớp. Nhưng đến ngày chương trình gần diễn ra, phía ATG Palmas Nguyễn bất ngờ thông báo sẽ miễn phí vé tham dự. Ngay cả phần đứng lớp của các ATG quốc tế cũng bị thay đổi do không có sự hiện diện của các nhân vật này (!).
Có phải “bằng thạc sỹ”…mua bằng tiền?Nói về chứng chỉ Masters Series Masters Diploma (tạm dịch Bằng thạc sĩ ảo thuật quốc tế) do I.M.S cấp cho một số nghệ sĩ trong thời gian tổ chức chương trình “Giao lưu ảo thuật quốc tế”, anh T. - một ATG đường phố (người đóng tiền mua vé vào cuộc thi để học hỏi) cho biết: “Thực chất đây chỉ là một chứng chỉ được mua bằng tiền. ATG T. giải thích thêm, nếu ai đang hoạt động trong ngành ảo thuật muốn có cho mình một chứng chỉ do Hiệp hội I.M.S (có trụ sở ở Mỹ) cấp, chỉ cần đóng một khoản lệ phí sẽ được xét duyệt hồ sơ.
Theo đó, hiệp hội này sẽ gửi cho người đăng ký một danh sách các câu hỏi có liên quan tới ảo thuật. Sau khi đọc qua, người tham gia sẽ tiếp tục làm một bài trắc nghiệm (được đính kèm trong bảng danh sách câu hỏi) rồi chuyển lại cho phía hiệp hội. Chứng chỉ này sẽ được phát cho hội viên ngay sau khi thẩm duyệt xong. Nhưng theo xác minh của chúng tôi, “bằng thạc sỹ” được ban tổ chức trao trong cuộc thi này lại không được kiểm duyệt và được sự cho phép của cơ quan chức năng ở nước ta.
Cận cảnh chiếc bằng “thạc sĩ” ảo thuật được các thành viên trong ban tổ chức trao tặng cho các ứng viên
Sẽ sớm có hồi âm!
Ngày 5-6, khi được phóng viên Báo CATP đặt câu hỏi xung quanh cuộc thi ảo thuật chui này, bà Nguyễn Thị Thanh Thuý (Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao TPHCM; người trực tiếp ký phép biểu diễn cho chương trình này) cho biết, sẽ nắm lại thông tin và sớm hồi âm cho Báo Công an TPHCM.
Riêng về Nhà Văn hoá Thanh Niên TPHCM, đại diện của đơn vị này đã hẹn lại thời gian trả lời vào ngày 8-5 tới. Trước mắt, đơn vị này khẳng định sẽ làm việc với ông Vũ An (là người đứng ra tổ chức chương trình đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ảo thuật của Nhà văn hoá thanh niên TPHCM). “Chúng tôi sẽ có biện pháp xử nếu chương trình có dấu hiệu vi phạm như báo đã thông tin” – vị này nói.